Gia đình phải là nơi để trẻ thấy bình an, vui sống

04/05/2022 - 06:00

PNO - Ngày 4/5, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên”. Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh gần đây, đã xảy ra nhiều vụ thanh thiếu niên tự tử.

Hiểu nguy cơ để ngăn ngừa hiệu quả 

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tường (Khoa Giáo dục, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), trẻ em và thanh thiếu niên là lứa tuổi dễ tổn thương về sức khỏe tâm thần. Đây là thời kỳ mà trẻ phải đưa ra cho mình những quyết định quan trọng có tính định hướng cho những chặng đường tiếp theo; thanh thiếu niên cũng phải đối mặt với một số thách thức như xác định bản sắc, phát triển sự tự tin, gia tăng sự độc lập và trách nhiệm xã hội, phát triển các mối quan hệ.

Lứa tuổi này dễ bị stress, cô đơn, tuyệt vọng, cảm giác không an toàn, không thể kiểm soát do chịu sự tác động từ bên ngoài như sự kỳ vọng cao của phụ huynh.

Trẻ em và thanh thiếu niên là thời kỳ dễ tổn thương về sức khỏe tâm thần
Trẻ em và thanh thiếu niên là thời kỳ dễ tổn thương về sức khỏe tâm thần

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tường cho rằng, về mặt di truyền, các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa gen và ý tưởng, hành vi tự sát ở trẻ. Một số nghiên cứu khác chỉ ra mối liên hệ giữa hành vi tự sát với chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên của cơ thể serotonin.

Những yếu tố về đặc điểm nhân khẩu học cũng ảnh hưởng đến hành vi tự sát, như tình trạng hôn nhân của cha mẹ, vị thế xã hội và thu nhập của gia đình, trình độ giáo dục của cha mẹ, khu vực sinh sống, lịch sử gia đình (nghiện thuốc, nghiện rượu, chất kích thích, gia đình đã có người từng muốn tự sát), tình trạng sức khỏe tâm thần của cha mẹ, cấu trúc và loại hình gia đình, những sự kiện gây stress trong gia đình…

Theo ông, vấn đề giáo dục gia đình hay sự tương tác giữa cha mẹ với con cái, sức khỏe tâm thần của cha mẹ có mối quan hệ với ý tưởng và hành vi tự sát. Do đó, khó lý giải hành vi tự sát theo kiểu “nhân - quả”. Bất cứ nhân tố nào của gia đình cũng có thể trở thành “nhân tố rủi ro”.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương - Giám đốc học thuật Công ty Tâm lý và Giáo dục Minerva - cho rằng, chỉ có thể phòng ngừa hành vi tự sát ở trẻ trên nền tảng cha mẹ thông hiểu, đồng cảm và hỗ trợ, giúp con không bị cô đơn và bế tắc: “Trẻ có thể bế tắc trong một tình huống nào đó hoặc trong một sự cảm nhận. Bế tắc trong tình huống có thể là trẻ đang rơi vào trạng thái đối đầu mà không biết phải giải quyết thế nào.

Còn bế tắc trong cảm nhận là cảm giác mình bị mắc kẹt trong trạng thái không cụ thể nào nhưng lại thấy cuộc đời không có lối thoát. Điều này liên quan tới việc đứa trẻ phải trả lời câu hỏi “tôi là ai và tôi sống ở trên đời để làm gì”. Tâm lý học gọi đó là sự hình thành căn tính”.

Theo ông, ba yếu tố chủ yếu gây nguy cơ tự sát cao ở trẻ gồm bệnh tâm thần, mức độ tuyệt vọng và những nỗ lực tự sát trước đó. Ngoài ra, còn có thêm hai yếu tố phụ là trẻ có lạm dụng ma túy không và có rối loạn nhân cách không.

Hoàn cảnh sống cũng tác động đến hành vi tự tử ở trẻ, như gia đình có sự thân thiết để trẻ có cảm giác mình là thành viên hay không, trẻ có chứng kiến hoặc có bị ảnh hưởng của một vụ tự sát hay không, trẻ có nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè, người thân hay người hướng dẫn tinh thần nào không, trẻ có gặp các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống không, chẳng hạn như áp lực học tập, trẻ có đồng tính và bị kỳ thị về điều đó hay không…

“Các yếu tố để xét xem người nào đó có ý định tự sát hay không cũng chính là các yếu tố để phòng ngừa” - ông nói.

Ông đặc biệt lưu ý: “Yếu tố bảo vệ trẻ đầu tiên là cha mẹ, thông qua sự thông hiểu, đồng cảm và hỗ trợ con. Cha mẹ phải theo dõi xem con đang quan tâm vấn đề gì, đọc gì, xem gì và thảo luận với con về nội dung đó, sau đó cùng con đưa ra những kết luận tích cực cho cuộc sống”.

Chỉ điều trị tâm lý là chưa đủ

Theo chuyên gia, sự thông hiểu, đồng cảm và hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp cho con không có cảm giác cô đơn và đối diện các bế tắc ẢNH: BẢO KHANG
Theo chuyên gia, sự thông hiểu, đồng cảm và hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp cho con không có cảm giác cô đơn và đối diện các bế tắc - Ảnh: Bảo Khang

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên - Trưởng khoa Khám tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TPHCM - cho rằng, vấn đề tự sát ở trẻ không mới, mà chỉ mang một “hình hài” mới do sự phát triển của mạng xã hội. Khi nghĩ đến việc sẽ làm cái gì đó, trẻ vị thành niên rất kém về khả năng kiềm chế, cân nhắc lợi hại hoặc nghĩ đến hậu quả.

“Việc phát hiện sớm sẽ là rất dễ nếu các em còn tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn và sẽ rất khó nếu các em mất niềm tin vào người lớn rồi tự tìm giải pháp với nhau dù không đứa nào giỏi hơn đứa nào. Điều này là rất nguy hiểm” - bà nói.

Theo bà, cuộc sống hiện đại khiến các thành viên trong gia đình không còn nhiều thời gian cho nhau và đó có thể là một trong những yếu tố dẫn đến các hệ lụy, trong đó có tự sát. Cha mẹ bận đi làm, sau đó mang về nhà làm, vừa làm offline, vừa làm online. Các phương tiện giải trí trên mạng thu hút cả người lớn và trẻ em, mỗi người ôm một cái điện thoại, chả ai nhìn đến ai.

Các group chat phát triển trong mùa dịch. Các em có nhu cầu chia sẻ tự lập group với nhau, tâm sự, giúp đỡ, hỗ trợ và tự tư vấn cho nhau trong một mớ kiến thức hỗn độn của mỗi đứa. Không ai biết các giải pháp, lời khuyên trong các group chat đó là đúng hay sai hướng, và như vậy là bi kịch cho các em.

Bà kêu gọi: “Cha mẹ không nên chỉ quan tâm điểm số các môn học của con mà cần phải quan tâm hôm nay con có vui không, có gặp chuyện gì buồn ở trường không, quan hệ với bạn bè, thầy cô thế nào, có gì làm cho con cảm thấy vướng bận, cảm thấy không ổn không”.

Bà lưu ý: “Đừng nghĩ rằng cứ điều trị tâm lý là sẽ tránh được nguy cơ tự tử. Còn phải xem trẻ có bệnh lý hay không. Nếu trẻ chỉ mắc các vấn đề tâm lý thuần túy thì có thể điều trị tâm lý nhưng nếu đó là bệnh lý mà cứ lo đi can thiệp tâm lý là sai. Bệnh lý là trẻ đang hoang tưởng, ảo giác có ai đó kêu gọi phải nhảy lầu, phải tự sát vì một mục đích thiêng liêng nào đó. Cha mẹ có thể nhìn thấy dấu hiệu bệnh lý khi trẻ có biểu hiện, lời nói, cách cư xử không bình thường. Lúc đó, nên đưa trẻ đi khám”. 

Cần giúp trẻ đề kháng với áp lực

Hiện nay, nhiều người lớn chỉ muốn đưa con mình vào trường chuyên, lớp chọn để nạp kiến thức chứ không phải tập trung phát triển con người. Nhiều học sinh không được học theo sở thích hoặc thế mạnh của mình mà bị cha mẹ ép học theo mong muốn của họ. Đây không còn là mâu thuẫn trong gia đình mà đã trở thành vấn đề xã hội. 

Nhiều học sinh ở tuổi vị thành niên đã rơi vào trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực, thậm chí muốn tự tử khi không được tư vấn tâm lý để giải tỏa những áp lực học tập, những khó khăn trong cuộc sống. Các em luôn rất cần được chia sẻ, động viên và hướng dẫn.

Khi xã hội vận động, phát triển không ngừng, nếu người lớn không tạo cho các em khả năng thích ứng, khả năng giải quyết thì rất khó để các em trưởng thành, thích ứng được với sự thay đổi, phát triển đó. Đồng thời, các em cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua những áp lực khác của xã hội sau này.

Việc giáo dục trong gia đình cần phải được nhìn nhận lại và phải được đề cao. Trước hết, chính phụ huynh cần phải thay đổi, không gây sức ép đối với việc học của con cái. Lứa tuổi của các em cần được tận hưởng cuộc sống với những kỷ niệm đẹp chứ không phải là những ám ảnh về bài vở, việc học. Cần phải có những lớp học bắt buộc cho phụ huynh học sinh về kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng nuôi và dạy con trong từng cấp học, độ tuổi. Điều này sẽ giúp phụ huynh nắm bắt được dấu hiệu tâm thần của con ngay từ độ tuổi mầm non.

Cần phải tìm ra các vấn đề mang tính chiến lược, có quyết sách để giải quyết căn cơ, gốc rễ chứ không phải chạy nháo nhào đi giải quyết mỗi khi có sự việc đáng tiếc xảy ra.

Ngoài ra, cần dạy cho trẻ khả năng thích ứng, vượt qua những áp lực, giúp các em có sức đề kháng trước những khó khăn trong cuộc sống.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm

(Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP. Hà Nội) 

Tăng trách nhiệm nhà trường đối với học sinh

Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực cho các em cần được các nhà trường đặc biệt quan tâm; mỗi thành viên của nhà trường cũng cần tăng việc chịu trách nhiệm với học sinh của mình. Hai năm qua, để giảm áp lực cho học sinh khi phải học online, nhà trường đã thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá, giảm tải kiến thức.

Chúng tôi thấy rất rõ những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với giáo viên và học sinh. Giáo viên khi quay lại trường dạy học trực tiếp đã không còn chuyên nghiệp như trước, trí nhớ giảm sút, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mệt mỏi; học sinh cũng vậy. Chúng tôi đã sốc với kết quả học tập của các em sau hai năm học trực tuyến do COVID-19. Các yêu cầu trong bài kiểm tra đã được giảm bớt, nhưng kết quả học tập của các em không còn tốt như lúc chưa có dịch, được học trực tiếp. 

Để khắc phục, nhà trường đã yêu cầu mỗi giáo viên chủ nhiệm phải có phương án hỗ trợ học sinh của lớp mình. Nhà trường đã đưa vào áp dụng một số giải pháp như học sinh học tốt hơn hỗ trợ những bạn học kém hơn, giáo viên kèm riêng cho những học sinh kém… 

 Nguyễn Thị Thu Anh

(Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, TP. Hà Nội) 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI