Gia đình nữ công nhân tan vỡ sau một vụ đụng xe

26/08/2018 - 11:00

PNO - Thoát khỏi vòng tố tụng sau một vụ tai nạn giao thông nhưng Trúc phải sống trong sự xa lánh của hàng xóm, bạn bè. Cô không được nuôi con và chịu sự lạnh nhạt từ gia đình chồng.

Vừa qua, thượng tá Nguyễn Văn Bổn, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi (TP.HCM) đã ký quyết định đình chỉ bị can đối với Thạch Thị Bé Trúc (24 tuổi, dân tộc Kh’mer) về tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo khoản 2 Điều 202 BLHS với khung hình phạt từ 3 năm đến 7 năm tù.

Theo đó, Công an huyện Củ Chi nhận định do chuyển biến tình hình mà hành vi của Trúc không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa, phần dân sự đã giải quyết dứt điểm nên Trúc có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Gia dinh nu cong nhan tan vo sau mot vu dung xe
Trúc cùng 2 con

Dù chính thức được trả tự do, thoát khỏi vòng tố tụng, nhưng giờ đây người phụ nữ Kh’mer phải sống trong sự xa lánh của hàng xóm, bạn bè và bị gia đình chồng đối xử lạnh nhạt. Đau buồn hơn, người mẹ trẻ này còn bị tước đoạt quyền nuôi 2 đứa con nhỏ. Trong nước mắt, Trúc nhớ lại chuỗi ngày kinh hoàng…

3 lần tòa hoãn xử, trả hồ sơ

Tối 27/3/2015, Trúc chở bạn là Ngọc lưu thông trên đường nông thôn số 9, hướng từ Tỉnh lộ 8 về đường Trần Văn Chẩm. Khi đến ngã tư Trần Văn Chẩm và đường số 9 (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), Trúc băng qua đường Trần Văn Chẩm thì va chạm với ô tô do ông Hoài điều khiển. Vụ tai nạn khiến chị Ngọc tử vong do chấn thương sọ não. 

Cơ quan điều tra xác định Trúc là người gây ra lỗi chính trong vụ tai nạn do cô không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ô tô đang đi trên đường. Còn ông Hoài đã không làm chủ tay lái, tuy nhiên chỉ là lỗi phụ.

Tháng 8/2015, Công an huyện Củ Chi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trúc. Cuối tháng 3/2016, cô gái bị bắt tạm giam.

Tháng 5/2016, TAND huyện Củ Chi mở phiên tòa sơ thẩm lần 1. Tại đây, Trúc cho rằng: “Khi xảy ra tai nạn có rất đông người dân ra xem, đưa tôi và nạn nhân đi cấp cứu, nhưng người ngồi trong ô tô không mở cửa xe khiến người dân phải đập cửa”… Sau khi xem xét hồ sơ và diễn biến tại tòa, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, yêu cầu lấy lời khai của nhân chứng, giám định tốc độ lưu thông của ô tô.

Cuối tháng 9/2016, tòa sơ thẩm lại trả hồ sơ, tiếp tục yêu cầu giám định tốc độ lưu thông của ô tô và xem xét hành vi của ông Hoài có vi phạm hình sự hay không. Sau đó, tòa xử lần 3 vẫn quyết định trả hồ sơ, yêu cầu giám định tốc độ ô tô, xác định tốc độ được phép lưu thông đối với ô tô ở đoạn đường xảy ra tai nạn, làm rõ điểm va chạm giữa hai xe, người lái ô tô va chạm với xe của Trúc có phải là ông Hoài hay không và vì sao cảnh sát không đo nồng độ cồn trong máu của tài xế ô tô…

Quá trình điều tra bổ sung, cơ quan chức năng xác định ông Hoài là người điều khiển ô tô, nhưng không đủ cơ sở giám định tốc độ xe này vì không để lại vết phanh trên mặt đường. Giải thích lý do không đo nồng độ cồn trong máu của tài xế, Công an huyện Củ Chi cho biết khi đến hiện trường chỉ còn hai xe liên quan mà không thấy ông Hoài hay nạn nhân.

Hôn nhân tan vỡ

Trong tiếng khóc nghẹn ngào, Trúc cho biết gần 10 tháng bị bắt giam, cô không được gia đình chồng và kể cả chồng đến thăm. “Tôi muốn gặp con họ cũng không cho. Vì quá đau khổ nên tôi đã ba lần đập đầu vào tường để tự tử nhưng không được”, người mẹ trẻ khẽ lắc đầu như không muốn nhớ lại chuỗi ngày kinh hoàng ấy.

Gia dinh nu cong nhan tan vo sau mot vu dung xe
Trúc bên cạnh 2 luật sư

Đến khi ra tù, cô vẫn phải sống trong cảnh xa con. Cô còn phải chịu sự xa lánh của hàng xóm, bạn bè và kể cả lời dèm pha từ chính người thân trong gia đình mình. “Hai con tôi giờ đang ở nhà nội, mỗi tháng tôi chỉ được đến thăm một lần…”, Trúc bỏ lửng câu nói rồi đưa tay bấu chặt ngực, khóc nấc.

Ngừng một lúc, cô cúi mặt để giấu những giọt nước mắt rồi lí nhí kể: “Bị mọi người dị nghị, tôi không sợ vì tôi tin mình trong sạch, không làm điều sai trái. Nhưng tôi rất đau lòng khi con mình bị bạn bè trêu chọc ‘mẹ mày đi tù’. Chúng nó còn quá nhỏ…”.

Trúc cho biết sẽ khiếu nại quyết định đình chỉ bị can của Công an huyện Củ Chi vì cho rằng mình bị oan, không có tội. “Hôm ấy tài xế ôtô chạy rất nhanh mới đụng phải tôi, sau đó nhiều người chứng kiến anh ta say xỉn bước xuống xe nhưng không ai dám đứng ra làm chứng. Tại sao người gây ra tai nạn lại được ung dung ngoài vòng pháp luật?”, người phụ nữ bức xúc.

“Tôi bị bắt tạm giam khi vừa mới sảy thai và còn đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Ngoài ra, cơ quan điều tra lấy lời khai của tôi mà không yêu cầu luật sư hỗ trợ tư pháp trong khi tôi là người dân tộc, học vấn kém lại có hoàn cảnh khó khăn”, Trúc nói.

Trúc còn ngậm ngùi cho biết hiện cô đang chuẩn bị làm thủ tục ly hôn người chồng đã chung sống suốt 9 năm qua. “Tôi sẽ nỗ lực để được nuôi hai con. Nhưng nếu nhà chồng cương quyết giành con thì tôi sẽ giao cả hai đứa cho họ. Tôi không muốn anh em chúng nó mỗi người một nơi, lớn lên như người lạ", Trúc khóc nghẹn.

Hiện nay, Trúc đang theo học lớp làm tóc để có công việc làm ổn định, có thể chăm sóc các con và cả đứa con của Ngọc. “Tôi mong sớm nhận được tiền bồi thường để phần nào bù đắp cho sự mất mát mà mình phải gánh chịu...”, người phụ nữ nói và mong một tương lai tốt đẹp.

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI