Đó là kiểu gia đình truyền thống đủ đầy mẹ cha hay một gia đình hiện đại chỉ có con với cha hay con với mẹ, hay một hình thái mới mẻ khác đi nữa, điều ấy không quan trọng bằng cảm giác bình yên, ấm áp mỗi khi bạn trở về.
Nơi kết hợp hài hòa nhu cầu cá nhân với giá trị xã hội
Ngày nay, các bạn trẻ sau khi kết hôn thường muốn ra ở riêng. Những người lớn tuổi dễ cảm thấy cô đơn hơn khi hoài niệm về một gia đình có nhiều thế hệ với tiếng rộn ràng của con cháu.
|
Người trẻ thường muốn ra riêng. Ảnh minh họa |
Lối sống nhanh, vội vã trong một môi trường sống có quá nhiều cơ hội để cá nhân lựa chọn, thể hiện bản thân, đã trở thành nét đặc trưng ở người đô thị. Điều này vô tình góp phần làm gia tăng khoảng cách khác biệt giữa các thế hệ, mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình có xu hướng trở lên lỏng lẻo hơn.
|
Ths Vũ Toản |
Hiện nay, nhiều phụ nữ lựa chọn phương án ly hôn, làm mẹ đơn thân như một lối thoát để giảm bớt áp lực trước những ràng buộc và các định kiến xã hội. Bên cạnh đó, trào lưu đấu tranh đòi tự do và bình đẳng trong việc tìm kiếm hạnh phúc riêng, cá nhân giảm bớt trách nhiệm xã hội, kết hợp với một môi trường sống đô thị có phần “quen mặt nhưng xa lạ” đã góp phần hình thành một “mô hình gia đình kiểu mới” như cặp đôi đồng tính chung sống (luật pháp nhiều nơi không công nhận).
Sự tồn tại đa dạng của nhiều kiểu gia đình từ truyền thống đến hiện đại là một tất yếu, song điều chúng ta cần quan tâm là hướng đến xây dựng một mô hình gia đình, ở đó có sự kết hợp hài hòa giữa nhu cầu, lợi ích cá nhân với giá trị xã hội để đảm bảo cho con người phát triển toàn diện. Gia đình là nơi chúng ta tìm đến để xây dựng những mối quan hệ mới có tính ổn định bền vững, đồng thời cũng là nơi để chúng ta trở về với những giá trị xã hội đích thực.
ThS Vũ Toản
(Giảng viên Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM)
Gia đình trọn vẹn cho tôi niềm kiêu hãnh
Về sự cần thiết, đúng đắn và đẹp đẽ của một gia đình truyền thống trọn vẹn, có gì thuyết phục hơn hình ảnh ba tôi trước khi nhắm mắt, khi ông nói rằng điều khiến ông nuối tiếc nhất cuộc sống này chính là gia đình yêu thương...
Cách đây không lâu, ba tôi rời khỏi cõi đời này, khi ông 82 tuổi, sau ba năm bị bệnh ung thư. Trong ba năm đó, ba tôi đã vượt qua bệnh tật không chỉ bằng sức lực thể chất hay sức mạnh tinh thần mà bằng sự chăm sóc, yêu thương của gia đình. Hai ngày cuối trên giường bệnh, đột nhiên ba nói với tôi: “Gia đình tốt thế này mà ba phải ra đi, tiếc quá”.
|
Gia đình truyền thống. Ảnh minh họa |
Trong giọng nói của ông, tôi nghe tất cả những âm thanh vừa âu yếm, vừa tự hào, vừa yêu thương, vừa tiếc nuối.
Cuộc sống của tôi nhiều thăng trầm và cũng được chứng kiến thăng trầm của nhiều gia đình khác. Tôi là người có thể chấp nhận được những điều mới mẻ, bởi tôi luôn cho rằng những khác biệt và mới mẻ mới có thể làm nên cuộc sống. Chính từ tinh thần phóng khoáng đó mà tôi từng dứt khoát khuyên bạn bè tôi ly hôn nếu cuộc sống trở thành địa ngục.
Tôi nói với họ rằng con cái không nhất thiết phải trở thành vật hy sinh cho những giữ gìn sĩ diện, càng không phải chịu đựng bầu không khí nhiễm độc mà cha mẹ nó gọi là gia đình và lấy con trẻ làm lý do để cái hình thức gia đình ấy được tồn tại. Ly hôn mà cả hai người vẫn yêu thương, chăm chút cho con cái thì hai nửa tách rời của một gia đình vẫn cứ là một gia đình, một hình thái gia đình mới đối với đứa trẻ khi cha mẹ không sống chung nhưng vẫn trọn vẹn là cha mẹ nó.
|
Bữa cơm gia đình luôn quan trọng |
Tôi cũng đã từng dẫn cô bạn gái đi tìm cách thụ tinh trong ống nghiệm khi cô đã 37 tuổi sau khi cô tuyệt vọng về việc có thể tìm một người đàn ông phù hợp để sinh con. Tôi bảo với cô rằng, cô và tình yêu thương đủ làm nên một gia đình trọn vẹn cho con mình.
Thế nhưng, sau tất cả, tôi vẫn thấy rằng tài sản lớn nhất mà tôi có, của cải quý giá nhất mà ba má tôi để lại, đó là một gia đình trọn vẹn, đầy đủ, có ba và má bên nhau đến cuối đời. Họ cùng nhau yêu thương, chăm sóc lo lắng cho các con và chúng tôiđến phiên mình chăm sóc, lo lắng yêu thương cho họ.
Giờ đây, khi ba tôi ra đi, mẹ ở lại buồn nhớ ba mỗi ngày. Niềm vui lớn nhất của bà là chăm sóc bàn thờ ba tôi, thắp nhang, cắm hoa và trò chuyện với ông. Niềm vui của chúng tôi cũng là trò chuyện trước bàn thờ ba và chăm sóc má để ba được an lòng. Tất cả những vui buồn - hạnh phúc, còn - mất ấy làm nên một khái niệm gia đình đầy đủ trong mắt tôi.
Gia đình tôi cũng như hàng triệu gia đình khác, cũng từng trải qua những thời điểm lao đao khốn đốn chực chờ tan vỡ. Ba mẹ tôi cũng không dưới một lần ký vào đơn ly hôn.
Thế nhưng, có những điều mạnh hơn lòng tự ái, sự ích kỷ, sự tự tôn… có nghĩa là tình yêu thương nhau và yêu thương con cái đã giữ ba mẹ tôi ở lại bên nhau, mỗi người dọn dẹp lại gọn ghẽ một chút cái tôi của mình để sống chung, nhân ra nhiều hơn những yêu thương để cùng nhau gầy dựng lại một mái ấm bình yên và trọn vẹn, cho chúng tôi niềm kiêu hãnh vô biên rằng ba má tôi đã sống được với nhau đến đầu bạc răng long và tiễn nhau đi xa với sự quyến luyến, với lời dặn dò, hẹn hò ấm áp.
Thanh Hà