Gia đình nhiếp ảnhTam Thái: Hôn nhân là cảm nhận, thấu hiểu và chia sẻ

27/03/2016 - 11:31

PNO - Anh chọn cách sống của “người đàn ông của gia đình” - không rượu chè, la cà, luôn ưu tiên nghĩa vụ với vợ con. Chị thì tâm niệm phải tin tưởng...

Gia dinh nhiep anhTam Thai: Hon nhan la cam nhan, thau hieu va chia se
Nhiếp ảnh gia Tam Thái

Tại buổi khai mạc triển lãm ảnh Sài Gòn 9.000m2 và giới thiệu sách 150 năm Hình bóng Sài Gòn của nhiếp ảnh gia Tam Thái, có một người phụ nữ nhỏ nhắn, duyên dáng hai lần tiến đến đề nghị tìm cho tôi một chỗ ngồi. Nhìn ánh mắt lo lắng quan sát, chăm chút đến từng người khách một cách âm thầm nhưng đầy hạnh phúc, tự hào của chị, tôi đoán chị là một người thân, rất thân của tác giả buổi triển lãm. Cuối cùng, tôi đã mỉm cười tự hào cho “tài” quan sát của mình khi ược một người bạn giới thiệu, chị chính là vợ của Tam Thái.

Sức hút

Chẳng khó khăn gì để nhận ra sự khác biệt lớn giữa hai vợ chồng, dù trong lần đầu gặp mặt. Anh có vẻ lúng túng và ngượng ngập trong việc dùng câu chữ miêu tả điều mình muốn nói, trả lời câu hỏi của phóng viên, bạn bè. Sự thô, mộc, giản dị của một người đàn ông gốc miền Trung hiện lên rất rõ dù anh đã sống hàng chục năm ở Sài Gòn.

Chị thì mềm mại, thanh lịch và tế nhị trong từng cử chỉ, câu nói, đúng chất của một cô gái Bắc xưa. Đó cũng chính là điều hút họ vào nhau, cách đây 29 năm, để trở thành vợ chồng. Đến giờ, nhìn lại gia đình nhỏ của mình, chị Phương Lan khẳng định đầy tự hào: “Tôi là một người vợ hạnh phúc”.

Năm 1985, họ gặp nhau ở Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Khi đó, anh đang là giảng viên nhiếp ảnh lớp những người mới cầm máy, còn chị đi học chụp hình cho vui, lấp thời gian trống trong khi chờ xuất ngoại diện bảo lãnh. Cái vẻ nền nếp, ngoan hiền của cô gái con nhà gia giáo đã khiến anh để ý và nhận ra rằng đây chính là người phụ nữ có thể làm nên một gia đình ấm áp.

Trái lại, với chị, cái ông thầy người Quảng Nam “ốm yếu, suy dinh dưỡng” (như chính anh miêu tả về mình) chẳng gây chút ấn tượng nào ngoài việc khiến chị kêu ca với bạn bè: “Chắc cúp cua giờ ông này. Ổng nói gì mình chẳng hiểu”. Kỷ niệm những ngày đầu mới biết nhau vẫn khiến chị rúc rích cười khi nhớ lại. “Có lần học làm ảnh trong buồng tối, mình trêu “Thầy cạo ria mép đi, chắc đẹp trai lắm đó”. Ai dè hôm sau ảnh cạo thật. Mình buồn cười quá, bảo cô bạn “Coi vậy mà thầy có vẻ… dễ dạy’”.

Ngày ấy, dù đã quen anh, chị vẫn muốn xuất ngoại. Còn anh, chỉ biết thương yêu chị bằng mối tình thô mộc và vụng về, âm thầm chịu đựng, đau khổ một mình mà không hề ngăn cản hay níu giữ. Rồi những vướng mắc, dằng níu, chị ở lại và nhận được một tập ghi chép dày của anh viết về nỗi buồn, nhớ nhung khi không gặp chị, tự dưng chị nghĩ: phải chăng số phận đã cho mình gắn với người đàn ông giản dị, hiền lành nhưng chân thành này. Chị quyết định lấy anh dù gia đình nhiều lần ngăn cản vì anh vừa nghèo, vừa chẳng phải là người hào hoa, ga-lăng gì. Nhưng chị đã quyết và thậm chí sau này đã từ chối bảo lãnh để ở lại bên anh, cùng anh chia ngọt sẻ bùi.

… Và lực đẩy

Ngày đầu về sống chung, chị bị sốc khi nghe anh “ra lệnh” dọn cơm chứ không phải “em ơi, em à” như chị hình dung về đời sống gia đình mình. Không chỉ mình chị sốc, anh cũng dần nhận ra vợ mình là một “tiểu thư”, quen sung sướng. Nhớ lại, cả hai cùng cười: “Khi yêu, chỉ biết yêu và muốn gắn bó với nhau. Làm vợ chồng rồi mới lộ ra những khác biệt để chấp nhận, cùng nhau sửa đổi”.

Cái công cuộc sửa đổi ấy dài dặc và khó khăn lắm chứ chẳng đơn giản như trong những bài viết tâm lý. Chị Lan kể có với nhau hai mặt con, mà nhiều lúc chị vẫn còn vật vã với suy nghĩ chẳng lẽ cứ sống “buồn chán” thế này cho tới hết đời. Những gì chị muốn chỉ là một chút ngọt ngào, lãng mạn, sẻ chia thôi mà. Thế mà giận hờn, trách móc mấy, anh cũng cứ lặng thinh. Còn anh cũng thật thà kể: “Sống với nhau bấy nhiêu năm, cũng có biết bao nhiêu hồi gay cấn. Vợ chồng có quá nhiều khác biệt. Bây giờ mà cứ kể ra, khéo người ta lại nghĩ mình… nói xấu vợ”.

Hóa ra để chấp nhận những khác biệt ấy không chỉ đơn giản là chuyện thuyết phục gia đình theo một lựa chọn nào đó hay bỏ qua một bữa ăn nêm nếm không vừa ý. Chuyện nhỏ nhặt như anh chỉ thích mặc quần áo cũ “cho mát, cho mềm” còn chị lại điệu đà, kén chọn; thậm chí cũng không phải là những khó khăn, vất vả mưu sinh mà là những khác biệt trong từng thói quen, câu nói, cử chỉ dành cho nhau mỗi ngày. Những lúc như thế, con cái trở thành mục đích chung để cả hai ở lại bên nhau, cố gắng vì nhau, trân trọng nhau vì cuộc sống chung.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI