PNO - PNCN - Một hôm, trên facebook, người ta thấy nhà thơ Nguyệt Phạm treo status: “Bữa nay bựn áo dài với quần jeans, vừa bước vô thang máy bị một bạn nam làm chung tòa nhà, khác công ty lầm bầm: Bận gì kỳ, sao lại bận áo dài với quần...
Nguyệt Phạm tải lên cái hình cô mặc áo dài màu rêu, tay lửng, quần jeans bạc màu, đi hài đỏ chói. Cô bảo rất thích mặc áo dài. Lý do, hình ảnh chiếc áo dài nền nã, truyền thống in đậm vào cô khi nhìn thấy mẹ mặc. Lớn lên đi học cô cũng thích mặc. Nhưng khi đi làm thì cả cơ quan chả thấy ai mặc. Thôi nửa hiện đại nửa truyền thống. Cô cười ngỏn ngoẻn nhưng đầy tự tin: mặc thế… thấy cũng ổn. Áo làm đẹp người vì nó thướt tha, quyến rũ. Quần làm đẹp… công việc vì tiện lợi cho di chuyển, năng động. Còn đôi hài đỏ nhấn nhá chút chút cho người thêm xinh.
Nguyệt Phạm là nhà thơ trẻ được biết đến nhiều khi cô xuất hiện trong nhóm Ngựa Trời gồm năm cô gái làm thơ độ tuổi 1981 - 1985. Tháng 12/2005, nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam phát hành tập thơ chung của họ dưới cái tên Dự báo phi thời tiết. Không lâu sau đó, tập thơ bị cho là “quái đản” vì có nhiều yếu tố sex. Tập thơ bị Cục xuất bản ra lệnh thu hồi khiến những con Ngựa trời càng... chứng hơn. Tuy vậy, theo nhà thơ Insara, cô là “con ngựa trời lành tính nhất khi cô làm một cuộc trở về với các giá trị cổ điển” khi ông nhận xét về tập thơ cá nhân có tên Mắt Giấy xuất bản sau đấy, lúc Nguyệt Phạm trở thành nhà thơ - đã có một con. Bạn bè nửa đùa nửa thật, dường như hai chữ gia đình đã thuần hóa cô ngựa trời một thời… háu đá. Sự thuần hóa rõ hơn, khi trong nhà xuất hiện thêm một thành viên do mình “banh da xẻ thịt” mà có. Cá tính một cô gái độc thân khác với một người phụ nữ làm mẹ. Những bốc đồng, căng hơi thay cho sự nhẹ nhàng, mềm mỏng rất bản năng của giới tính. Giờ đây, nhìn cô dịu dàng với chồng con trong những chuyến đi chơi mỗi dịp Tết về, mỗi mùa lễ lạt, ít ai nhớ đến một Nguyệt Phạm đã từng quyết liệt với những điều chướng tai gai mắt quanh mình.
Thời kinh tế thị trường, nhiều gia đình mở mắt ra là thấy ngay những khoản chi… đến xây xẩm mặt mày. Đó cũng chính là thách thức cho rất nhiều cặp vợ chồng trẻ, mới ra riêng. Đặc biệt là với những cặp vợ chồng cùng sở thích… mây, gió, trăng, hoa như vợ chồng nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh và Nguyệt Phạm, thách thức này càng dữ dội hơn. Tình yêu giữa họ là thứ tình yêu của người… cõi trên. Đó là thứ tình yêu theo kiểu tim vàng hai trái, một mái nhà tranh, vượt lên những chuyện vặt vãnh của bạc tiền. Thậm chí, đến khi cưới nhau (năm 2005) họ cũng chẳng quan tâm đến ngày sau ra sao. Anh tâm sự: sau ba đêm trăng mật ở khách sạn là bắt đầu chuỗi ngày lẩn quẩn với điệp khúc thuê nhà - dọn nhà - thuê nhà. Thậm chí, có năm, phải bốn lần dọn đồ ra khỏi nhà thuê. Nhắc chuyện cũ, chị lại cười hè hè: khổ lắm, vợ chồng không đủ tiền thuê căn phòng tận lầu sáu của chung cư cũ, phải “se” một nửa cho sáu sinh viên, sáng sáng chấp nhận xếp hàng đi toilet, nhưng bù lại mình không phải thiếu tiền nhà.
Vợ làm thơ, chồng làm thơ. Mà thơ thì bán không được. Còn truyện gửi cũng ít được đăng. Để cân bằng cuộc sống, thường khi tiền ít thì tài phải nhiều để không cần thuê mướn những chuyện lặt vặt. Nhưng tay của anh thì vốn quen cầm bút, bấm chuột, không quen cầm búa, cầm khoan, nhiều lúc thấy chồng lóng ngóng đóng một cây đinh, không muốn chướng mắt, cô vợ đành phán: xê ra, để tui! Chồng lại hề hề: thích thì chiều. Giọng cười nịnh nọt, nhẫn nhịn ấy nhiều lúc thấy ghét, nhưng đó lại là thứ thần dược để xả khối hơi chực nổ trong nhà. Nguyệt Phạm chân tình: “Viết đơn ly hôn nhiều lần, nhưng cũng nhiều lần xé đi. Mình tự yêu ổng mà, chứ ổng có lừa tình mình đâu!”.
Tám năm sống chung, bản chất tốt xấu của mỗi người “chảy ra” đầy nhà. May mà hai người có chung một anh Bo. Cái anh chưa tròn mười tuổi mà đầy lém lỉnh ấy, lâu lâu lại nói một câu như thể bâng quơ mà vẫn khiến những khối u trong vợ chồng nhà thơ mềm ra như bụng mối chúa. Anh trẻ ấy đã như một chất dung môi, trộn đều hai cá tính mơ mơ màng màng, vừa thuận vừa nghịch của đôi vợ chồng nhà thơ. Để rồi, những ước muốn cá nhân của họ dần dần được điều chỉnh trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau: Mỗi người được quyền đi chơi riêng với bạn bè hai lần trong một năm. Tiền đi chơi riêng tự chịu. Chung riêng rõ rệt, nguyên tắc đó khiến giờ đây, vợ chồng anh chị vẫn chạy nợ hàng ngày hàng tháng để trả góp căn hộ rộng chưa đầy 60m2, ở cách nơi làm việc gần 20 cây số. Vẫn nhức đầu mỗi khi có giấy báo nợ của ngân hàng, nhưng căn hộ có diện tích khiêm tốn mà chính chủ dành cho tương lai của anh Bo, hai năm nay bỗng hóa thành Ổ thiên đường (*).
Nguyễn Thiện
(*) Tên một tập truyện ngắn mới xuất bản của Nguyễn Hữu Hồng Minh.