Gia đình - “Ngôi nhà bình yên” của mỗi người

27/06/2013 - 22:34

PNO - PNO - 378 lượt người phải tạm trú để bảo vệ an toàn, 71% nạn nhân phải trải qua cả ba hình thức bạo lực… là những con số đáng suy nghĩ được đưa ra từ cuộc Hội thảo “Gia đình từ góc nhìn Ngôi nhà Bình yên” do Hội Liên...

Gia dinh - “Ngoi nha binh yen” cua moi nguoi

“Chừng nào mỗi gia đình chưa phải là “ngôi nhà bình yên” thì các giải pháp của chúng ta vẫn là vô nghĩa”
Ảnh: Hồng Nga

Mẹ bị bạo hành, bi kịch đổ lên đầu trẻ

Là con gái Hà Nội, nhà chồng cũng chỉ cách Hồ Gươm chừng năm phút đi bộ, chị N.T.H (người tạm trú tại Ngôi nhà Bình Yên) bảo, chẳng mấy ai biết được, chị vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình kéo dài suốt 15 năm. Kết hôn năm 1995, chị H. thường xuyên phải nhận những trận hành hạ vô cớ của chồng. Thua bạc, đánh. Hàng xóm khen vợ ngoan, cũng đánh. Khi “máu điên” nổi lên, anh ta vừa đánh vợ vừa mang lên Công an phường để thách thức. “Ngần ấy năm, tôi luôn đưa ra những lý do để viện dẫn cho cuộc hôn nhân của mình, đó là người phụ nữ thì phải sống nhẫn nhục và chịu đựng. Nhưng kết quả, thời gian càng kéo dài thì mức độ bạo hành của anh lại càng tăng lên”, chị H. tâm sự. Năm 2000, chị H. quyết định gửi đơn xin ly hôn ra tòa trong sự phản đối kịch liệt của chồng. Vụ việc kéo dài, giằng co suốt hai năm mới được xử lý dứt điểm xong chị H. cũng phải “trả giá” bằng trận “đòn thù” chí tử trong đời. Quá sợ hãi, chị H. và cậu con trai ba tuổi không giám quay về nhà đẻ mà phải tạm lánh khắp nhà người thân để trốn tránh.

Ngỡ tưởng sau khi ly hôn, cuộc đời chị H. sẽ chuyển sang một trang mới nhưng bi kịch vẫn tiếp diễn khi chị mủi lòng trước lời van xin, lạy lục của “người cũ”. Chị H. không giấu khỏi được nước mắt khi kể lại quyết định sai lầm của mình: “Mỗi lần đến thăm hai mẹ con, anh đều thề thốt sẽ không bao giờ đánh đập nếu chúng tôi quay lại. Tôi vẫn nửa tin, nửa ngờ nhưng lo sợ con trai mình lớn lên trong gia đình “khuyết thiếu” sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cháu nên cuối cùng, tôi gật đầu đồng ý. Hơn một năm sau đó, chúng tôi tái hôn nhưng không hề đăng ký lại. Tôi không biết rằng, từ những ngày tháng này, tôi càng bị bạo hành nặng nề hơn, nhất là về mặt tinh thần”.

Năm 2005, thời điểm chị H. sinh con gái thứ hai cũng là lúc chồng chị sa đà vào đủ thứ tệ nạn: cờ bạc, rượu chè, trai gái. Cứ thế kéo dài suốt bốn năm, chị H. chỉ thực sự nhận ra bi kịch lớn nhất của mình khi chứng kiến cô con gái nhỏ thường xuyên khóc thầm và nằm bất động mỗi lần bố chửi mẹ. Còn cậu con trai luôn nhận nằm phía ngoài cùng, hóa ra thường xuyên “thủ” sẵn con dao dắt dưới chiếu để có thể vùng dậy khi bố “gây chiến”. Thậm chí, mỗi khi đi học, cậu bé luôn cất sẵn bông băng để đề phòng giữa đường bị bố đánh. Trong tiếng nấc tức tưởi, chị H. ân hận bởi sự chịu đựng của mình đã vô tình đẩy con cái vào nỗi ám ảnh và vòng xoáy bạo lực. Dù có sống trong một gia đình có đầy đủ bố mẹ nhưng các con chị vẫn phải mang đầy vết sẹo khuyết tật trong tâm hồn. Chị quyết định dừng lại. Lần thứ hai, chồng chị điên loạn đòi đem xăng đốt nhà bố mẹ vợ, đập phá những điểm “trú chân” của ba mẹ con… Chị phải tìm đến “Ngôi nhà bình yên” để tạm lánh, quyết tâm làm lại cuộc sống của mình và hai con nhỏ…

71% nạn nhân bị ba tầng bạo hành

Theo bà Lê Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), kể từ khi thành lập năm 2007, Ngôi nhà Bình yên (NBY) đã phải chứng kiến hàng ngàn trường hợp tương tự như chị N.T.H. Thậm chí, không ít chị em phụ nữ đến với NBY với những vết thương vằn vện do bị chồng, gia đình chồng hành hung. Tính tới cuối tháng 6/2013, NBY đã tham hơn bốn ngàn người và đón 378 lượt người tới tạm trú. Trong đó, chín trường hợp phải quay trở lại NBY hơn ba lần vì bạo lực bị tiếp diễn nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý. Bà Thúy cho hay, bạo lực gia đình không chỉ tác động lên người mẹ mà còn tạo thành “Hiệu ứng Boomerăng - Bạo lực sinh bạo lực”. Những đứa trẻ khi chứng kiến hay trực tiếp chịu bạo lực sẽ dễ dàng tạo nên bạo lực gia đình khi trưởng thành.

Đặc biệt, phân tích thực trạng từ những người tạm trú tại NBY cũng cho thấy, 71% phụ nữ đã phải trải qua cả ba hình thức bạo lực là bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần và bạo lực về kinh tế. Trong đó có tới 84% số người đã đăng ký kết hôn. Con số này cho thấy, việc bảo vệ “hôn nhân hợp pháp” chính là rào cản lớn nhất đối với phụ nữ khi đối diện với bạo hành. Trong khi đó, bà Thúy cũng chỉ ra, bản chất của bạo lực gia đình vẫn đang xuất phát từ tính gia trưởng và sở hữu của người chồng: “74% chồng của người tạm trú bị mắc tệ nạn xã hội; 32% ghen tuông, 9% thiếu tự tin nên đánh vợ để chứng minh sức mạnh đàn ông của mình…”

Việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành giới, bạo hành gia đình vốn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội những năm gần đây. Việc đưa ra mô hình “Ngôi nhà Bình yên” hay “Nhà tạm lánh” đang được triển khai trên nhiều tỉnh thành trên cả nước để có thể bảo đảm an toàn cho nạn nhân. Tuy nhiên, đúng như GS-TS Đặng Vũ Cảnh Khanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên đã nói: “Ngôi nhà bình yên và địa chỉ tin cậy cuối cùng của người phụ nữ vẫn là… ngôi nhà của chính mình” và “Chừng nào mỗi gia đình chưa phải là “ngôi nhà bình yên” thì các giải pháp của chúng ta vẫn là vô nghĩa”. Hiện, việc ngăn ngừa bạo lực gia đình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chính quyền, đoàn thể, cộng đồng song việc cần điều chỉnh trước hết là phải tập trung vào các yếu tố từ chính gia đình. GS-TS Đặng Vũ Cảnh Khanh cho rằng, những biện pháp cụ thể cần được đẩy mạnh là định hướng phát triển kinh tế, định hướng nâng cao văn hóa gia đình, gia tăng tham vấn tiền hôn nhân, tham vấn cho các gia đình trẻ… để có kỹ năng xử lý với những tình huống khó khăn.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI