Gia đình lung lay do thiếu sự quan tâm, sẻ chia

08/05/2013 - 17:09

PNO - PN - Chúng ta đều biết, quá trình đổi mới và hội nhập đã và đang làm thay đổi phương thức sản xuất và cách thức phân phối hàng hóa cũng như của cải vật chất làm biến đổi các giá trị, chuẩn mực trong đời sống kinh tế, xã...

Gia đình là một trong những thiết chế xã hội tất yếu chịu ảnh hưởng của quá trình này. Để thích nghi, các cá nhân đều vận dụng hết khả năng để nắm bắt các cơ hội kiếm tiền do nền kinh tế tạo ra. Vì thế trong các gia đình, mọi thành viên trong độ tuổi lao động đều phải lao vào kiếm tiền. Quá trình đổi mới và hội nhập này cũng mang tới nhiều nghề nghiệp khác nhau cũng như nhiều cách kiếm sống khác nhau, do đó có nhiều mức sống khác nhau. Kết quả là hình thành nên nhiều cách sống khác với cách sống truyền thống, dẫn đến xung đột về lối sống giữa các thành viên trong gia đình, rõ ràng nhất là xung đột giữa vợ và chồng.

Gia dinh lung lay do thieu su quan tam, se chia

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong gia đình truyền thống, các mối quan hệ trên dưới được quy định rất rõ ràng theo một hệ thống chuẩn mực: cha từ, con hiếu, vợ chồng hòa thuận thủy chung, anh nhường nhịn em, em kính trọng anh… Mọi thành viên của gia đình cùng quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Những nguyên tắc này điều tiết các hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong cả gia đình khá giả cũng như gia đình khó khăn về mặt kinh tế đều xảy ra hiện tượng thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ đối với con cái.

Đây cũng là vấn đề mà nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển phải đối mặt. Cách mà họ giải quyết vấn đề này sẽ cung cấp cho chúng ta những bài học bổ ích. Ví dụ tại Hàn Quốc, để thích ứng với các điều kiện kinh tế, xã hội mới, năm 2004 chính phủ ban hành Luật Cơ bản về gia đình mạnh khỏe. Luật mới về gia đình này của Hàn Quốc, chuyển trọng tâm từ việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong gia đình sang việc dự phòng các vấn đề. Để dự phòng các vấn đề, Luật Cơ bản về gia đình mạnh khỏe, họ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ đối với mọi hình thái gia đình để tăng cường các chức năng gia đình như dưỡng dục, bảo vệ, giáo dục gia đình nhằm đề phòng và giải quyết những vấn đề phát sinh ngăn cản gia đình hạnh phúc. Hệ thống các chính sách hỗ trợ gia đình bao gồm: thành lập các trung tâm sức khỏe, hỗ trợ chăm sóc trẻ em, hỗ trợ ổn định sinh hoạt gia đình cho các gia đình đơn thân, cải tạo phúc lợi cho các gia đình này, tạo ra môi trường làm việc thân thiện với gia đình… Hay như tại Mỹ, từ năm 2006, chính phủ đã tài trợ cho việc thúc đẩy hôn nhân lành mạnh thông qua việc tài trợ cho các nghiên cứu để chỉ ra yếu tố nào thúc đẩy quan hệ hôn nhân và người ngoài cuộc có thể hỗ trợ cho những tổ chức tư vấn hoặc hòa giải giúp cho các cặp vợ chồng sống hòa hợp.

Những kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan tới đời sống gia đình và hôn nhân tại các nước cho thấy các chính phủ đều tiếp cận các vấn đề gia đình từ góc độ ngăn ngừa và phòng ngừa để củng cố sự bền vững của cuộc sống gia đình. Xem ra, cơ chế này ở nước ta hãy còn mơ hồ, lỏng lẻo!

 Ths Nguyễn Thị Ngân Hoa
(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Gia đình Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ)
Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: giatrigiadinh@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI