Tại chung cư Đường sắt (Q.3, TP.HCM), vợ chồng ông Đồng Văn Tương và bà Hồ Thị Ánh được hàng xóm nhận xét là rất… Tây! Họ Tây vì trong giao tiếp với nhau, ông luôn ga-lăng với vợ, thường tặng vợ những món ăn tự tay ông nấu. Bà thì lúc nào cũng “dạ, thưa” lễ phép với chồng. Ông bà xưng hô anh em, trò chuyện tình tứ với nhau như ngày mới cưới.
Họ Tây vì trong nhà đồ đạc luôn ngăn nắp, gọn gàng, dù diện tích khá khiêm tốn. Hoa tươi trên bàn, nhạc nhẹ du dương… cũng là những thứ không bao giờ thiếu trong nhà. Họ Tây còn vì ông bà là một đôi rất điêu luyện trên sàn khiêu vũ... Đã hơn 40 năm họ chính thức đến với nhau, mỗi ngày họ đều cùng tạo ra câu chuyện “sống vì nhau, cho nhau”…
Người đàn ông điểm 10
Ánh mắt lấp lánh niềm vui, thỉnh thoảng lại chen tiếng cười khúc khích, bà Ánh kể lại “một thời để nhớ” của vợ chồng: cả hai đều là học sinh miền Nam, theo cha mẹ tập kết ra Bắc. Không chỉ học chung trường, họ còn gần gũi nhau qua tình thân của đại gia đình miền Nam tại Bắc Giang.
Cha mất sớm, cô gái Hồ Thị Ánh sống với mẹ. Bà mẹ luôn vui vẻ, hiếu khách nên bạn bè của con gái rất thích đến nhà chơi; trong đó có không ít anh chàng ngầm “chạy đua” để thành con rể của mẹ.
Nhưng những năm cấp III, Ánh chỉ “để ý” anh Đồng Văn Tương, một người ít nói, học giỏi, đẹp trai. Cô không biết, anh cũng rất thích cô, một nữ sinh hát hay, học giỏi, duyên dáng. Giữa đám đông bạn bè, tình cảm “hai đứa” cứ âm thầm thế thôi.
Duyên nợ thật sự đến với họ sau một biến cố. Mẹ anh Tương nhập viện vì bệnh hiểm nghèo. Thời gian này, ba anh đang chuẩn bị đi công tác nước ngoài thì đột ngột qua đời. Nỗi đau dồn dập, anh cùng các anh em cố gạt nước mắt lo cho cha và cố giữ vẻ bình thường để giấu mẹ. Ra viện, mẹ anh vừa về đến nhà là hỏi ngay “ba đâu?”.
Hình ảnh người con trai ôm chặt mẹ vào lòng an ủi khiến Ánh thật sự xúc động. Trái tim cô rung lên bởi cử chỉ yêu thương và tôn trọng phụ nữ của anh. Ngay lúc đó, cô hiểu mình đã thật sự chọn anh. Rồi anh được chọn đi học ngành đường sắt ở nước ngoài, cô vào đại học ngành dược. Những tháng năm xa nhau lại hóa gần qua những cánh thư dày.
Họ viết cho nhau, cũng là “nhật ký” cho mình và giữ gìn cho đến tận bây giờ. Sau khi cưới, mỗi ngày họ như càng hiểu nhau hơn. Bà nhận ra lựa chọn của mình là hoàn toàn chính xác. Ông đúng là một người đàn ông điểm 10.
Hai lần sinh con, bà đều sinh mổ. Ông chăm sóc cả mẹ và con như một “hộ lý”, ân cần và đầy trách nhiệm. Trong khu tập thể, căn nhà nhỏ của ông bà lúc nào cũng sạch sẽ. Thời bao cấp, xách nước giếng lên tầng hai là… môn thể dục hằng ngày của ông. Thương vợ, từ lúc vợ sinh là ông nhận luôn phần đi chợ, nấu ăn.
|
Vợ chồng ông Đồng Văn Tương và bà Hồ Thị Ánh |
Theo ông, đó là một công việc nặng nhọc mà nam giới làm sẽ “vừa nhanh, vừa gọn, lại vừa ngon”. Dần dần, ông nấu ngon như… nhà hàng; bà chỉ cần luyện thêm tay nghề làm nước chấm, rau trộn… Vào bếp là chồng nấu, vợ phụ. Bữa cơm gia đình thời thiếu thốn, dù nhiều lúc chỉ nước mắm, rau luộc… nhưng vẫn tràn đầy hạnh phúc.
Nhắc đến mẹ mình, bà Ánh cười nhưng mắt thoáng ướt: “Mẹ tôi rất thương anh Tương, xem anh như con trai. Mẹ sống cùng vợ chồng tôi từ khi chúng tôi cưới nhau. Một lần về quê, bà bị té gãy xương, phải nằm một chỗ suốt ba năm. Chồng tôi chăm sóc mẹ vợ như mẹ ruột, từ chuyện vệ sinh, giúp bà vận động, di chuyển, đến ăn uống, tâm sự… Ngay cả tôi cũng không hiểu ý mẹ bằng anh.
Lúc đó, gia đình tôi rất khó khăn, con nhỏ, mẹ bệnh, nhưng anh vẫn vui vẻ lo toan mọi chuyện. Vợ chồng cùng đi làm, việc nhà chia nhau nhưng anh luôn giành phần nặng nhọc hơn”. Sau ngày cưới, từ miền Bắc, ông bà chuyển về sống tại Quy Nhơn. Con đầu lòng được bốn tuổi, họ lại chuyển đến Nha Trang.
Biết công việc của vợ cần học hỏi liên tục, ông tạo điều kiện, động viên bà tham gia thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Bà yên tâm công tác, học tập xa nhà vì mọi thứ đã có “ông chủ đảm đang”. Ngày bà nhận bằng tiến sĩ, ông cùng hai con ra tận Hà Nội chúc mừng vợ. Tấm bằng ấy ghi nhận sự nỗ lực của vợ và sự đóng góp thầm lặng của chồng.
Trọn vẹn cho nhau
Về hưu, ông bà dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Người con trai lớn đã lập gia đình, họ lên chức ông bà nội. Từ Nha Trang, ông bà chuyển vào TP.HCM sống để gần các con. Càng lớn tuổi, họ như lại càng cần nhau hơn.
Một lần đi khám sức khỏe, bà phát hiện bị ung thư vú. Vật vã, đau đớn với phẫu thuật rồi những đợt hóa trị, nhưng bà vẫn thấy nhẹ nhàng, an bình vì ông luôn bên cạnh sẻ chia, nâng đỡ, vỗ về. Chồng con là sức mạnh giúp bà vượt qua bệnh tật.
Bệnh vừa tạm qua, bà lại bị tai nạn giao thông, gãy xương vai và chân. Ông lại tiếp tục làm “y tá” chăm sóc người bệnh tại gia. Tuổi càng cao, bệnh càng nhiều. Ông cũng bị bệnh dạ dày hành hạ. Nói chuyện bệnh tật, ông bà cùng chung quan điểm: “Cơ thể như cái xe, hỏng đâu sửa đó, đừng quá săm soi đến nó; hãy dành thời gian cho những việc mình thích: du lịch, thăm bạn bè, chơi với con cháu, nghe nhạc, xem phim, thể thao, khiêu vũ…”.
Bà Ánh tâm sự: “Tôi may mắn được sống bên người bạn đời tuyệt vời. Với người vợ, không có gì vui bằng được chồng chia sẻ, yêu thương. Tuy nhiên, người vợ cũng phải biết điều, biết cư xử. Vợ đi làm về, chồng đã nấu cơm, đó không phải là chuyện đương nhiên, mà tôi luôn biết ơn điều đó. Tôi cũng lặng lẽ chăm sóc anh, pha cho anh ly nước đúng lúc, kể anh nghe những chuyện anh muốn nghe, lắng nghe anh nói lúc anh cần…
Những việc dù bé nhỏ chúng tôi cũng thực hiện cho nhau với trái tim ân cần. Tình vợ chồng càng bền vững khi cả hai cùng biết thương yêu, quý trọng người thân của nhau. Khi mẹ anh mất, cô em út của anh về sống cùng chúng tôi. Chuyện học hành, việc làm, lập gia đình… vợ chồng tôi đều lo cho em. Cô ấy mất, con trai ở với bố tại Nha Trang, học đại học ở TP.HCM, vợ chồng tôi luôn quan tâm giúp đỡ cháu”.
Ông bà có chung một chọn lựa: Gia đình là số một. Với ông bà, thành công trong sự nghiệp chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời. Quan điểm sống của ông bà là: “Sống với lòng vị tha và bản lĩnh. Đừng nhìn đời, nhìn người bằng cặp mắt đố kỵ. Vợ chồng tôi hợp nhau về lối sống nên tình yêu cứ lớn dần lên theo năm tháng..."
Trường Sơn