PNO - Sau "Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó" (tập 1), nhà báo Cù Mai Công tiếp tục cho ra mắt tập sách thứ hai "Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương". Tác phẩm gợi nhắc ký ức, văn hóa và con người trên mảnh đất này từ thuở xa xưa…
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương tập hợp những bài viết của nhà báo Cù Mai Công về TPHCM trong 2 giai đoạn: Gia Định thời còn “rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch” và Sài Gòn trước năm 1975. Vẫn là những nơi chốn quen thuộc của thành phố: chợ Bến Thành, chợ Lớn, hồ Con Rùa, phố đi bộ Nguyễn Huệ, những con đường Trần Hưng Đạo, Lý Chính Thắng, Trần Quang Khải, Kỳ Đồng…, qua trang viết kết hợp giữa nghiên cứu tư liệu, biên khảo lẫn với ký ức, kỷ niệm đan xen, tác giả đã mang đến cho người đọc cảm giác lần về dấu xưa với những điều đã mất, cùng những hoài niệm mênh mang.
Bắt đầu từ chợ Bến Thành - ngôi chợ từng có nhiều tên gọi nhưng không có bảng tên trước năm 1975. Trong cuộc tìm kiếm nguồn gốc tên gọi từ tư liệu, ca dao, tác giả đã tái dựng một không gian văn hóa và cả lịch sử đổi dời của ngôi chợ này, từ khi còn là ngôi chợ cũ được người Pháp xây dựng vào năm 1860 trên bờ kinh Lớn. Năm 1914, chợ mới được dời về vị trí như hiện nay.
Tác phẩm Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương
“Bến Thành nóc chợ cũng bay/ Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường” - một câu ca dao được lưu truyền để nói về cơn bão năm Giáp Thìn 1904. Điều đó cũng lý giải loại đèn thắp sáng trên đường phố ngày xưa là bằng khí đá. “Chúng tôi chưa rõ “đèn khí” ở đây là của các hàng quán hay đèn đường. Nếu đèn khí của các hàng quán thì có thể đó là đèn khí đá. Nếu đèn khí của cột đèn thì có thể là khí gas. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, vài con đường khu trung tâm Sài Gòn đã có đèn điện. Tuy nhiên đa số dùng đèn dầu dừa, dầu hôi, có nơi vẫn dùng đèn khí” - một kiến giải của tác giả cho người đọc hình dung về đêm thành phố của những năm đầu thế kỷ XX.
Như những thước phim chiếu chậm, Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương đưa người đọc trở về một không gian đô thành với “đại lộ cà phê” đầu tiên của Sài Gòn - đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), thời của bánh mì mới du nhập, cạnh tranh với hủ tíu của người Hoa và xôi của người Việt trên đường Catinat, đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi), với những tuyến xe lửa hay đường thủy đi Nam Kỳ Lục Tỉnh để phát hành báo chí Quốc ngữ thời ấy, và một Chiêu Nam Lầu - ngôi nhà của chí sĩ yêu nước, dịch giả, nhà báo Nguyễn An Khương - nơi hội ngộ anh hào… Con đường Duy Tân “cây dài bóng mát”, những “khung trời đại học” của một thời cũng được gọi tên.
Hồ Con Rùa cùng nhiều công trình kiến trúc độc đáo của thành phố được viết bằng những câu chuyện ly kỳ. Một cuộc tìm kiếm đến tận cùng tư liệu, tái dựng sống động những không gian văn hóa xưa, cho người đọc sự kiến giải tường tận về nguồn gốc của những tên gọi hay sự ra đời của những công trình kiến trúc cũ. Cứ thế mà từ phần 1 Sài Gòn là thương, với các bài viết: Chợ Bến Thành, chợ Cũ, Nhịp sống mới của người Sài Gòn xưa trên đại lộ Charner, Bức tượng có số phận “long đong” nhất Sài Gòn, “Trả lại em yêu khung trời đại học”, Đại lộ Galliéni và những giấc mơ đổi đời…; đến phần 2 Gia Định là nhớ, với các bài viết: Câu chuyện về hai ngôi thành Gia Định, Bí ẩn ba con đường xéo giữa một Sài Gòn xưa vuông vức, Vết tường thành cuối cùng giữa lòng Sài Gòn, Đất khởi nguồn rạch Nhiêu Lộc, Khu rừng cao su cuối cùng của Sài Gòn - Gia Định…
Bưu ảnh chợ Bến Thành năm 1921 (Ảnh tư liệu)
Nhà báo Cù Mai Công đã kể những chuyện tưởng cũ mà không cũ, những trang viết đẫm đầy chất liệu và cảm xúc. “Sách mang tính biên khảo với nhiều tư liệu được tìm kiếm công phu, nhiều chi tiết sắc nét, thấp thoáng trong đó là tình cảm sâu nặng về Sài Gòn - Gia Định của một người am hiểu thành phố, sống thường xuyên trên đường phố từ sáng sớm đến tốt mịt, từ thời trai trẻ đến giờ” - nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận nhìn nhận.
Tác phẩm còn trình bày chi tiết về công tác quy hoạch vùng Gia Định qua các thời kỳ: từ những nét vẽ trục lộ đầu tiên của một người Việt, các thách thức quy hoạch mà người Pháp từng đối mặt, cho đến việc Sài Gòn đã không còn theo ý muốn của nhà quy hoạch từ giữa thập niên 1960 ra sao. Ký ức đô thị và ký ức thị dân được đan xen từ hoài niệm của tác giả lẫn những người Sài Gòn xưa kể lại. Như thể còn hiển hiện trong ngôi chợ Cũ hình ảnh những cửa hàng bánh mì heo quay lúc nào cũng đông đúc khách, những quán vỉa hè cà phê thơm lừng…
“Ở chợ Cũ, đám nhỏ chúng tôi há hốc mồm khi thấy hàng trăm vị khách ngồi chồm hổm trên ghế. Khi ly cà phê nóng hổi bưng ra trên đĩa, mấy vị khách từ “thầy Hai” (công chức, trí thức) cho đến ông ba gác, đạp xích lô, thợ thuyền… đổ ra dĩa, thổi cho bớt nóng và… húp. Mùi cà phê nóng bay ngập, khách ngồi bên nhau chật chội có lẽ đã thành ký ức khó quên của người Sài Gòn về ngôi chợ này” - một khung cảnh được vẽ lại trong trang viết, thật xa xôi mà cũng thật thân thương.
Nhà văn Phạm Công Luận nói rằng “cần một tình yêu đối với thành phố nếu muốn viết về nó”. Nhà báo Cù Mai Công đã sống và viết về thành phố mình từ thời còn rất trẻ, với một loạt 6 tập sách Sài Gòn by night (từ 1997-2002). Đến giờ, anh đã và đang tiếp tục viết về mảnh đất này. First News - Trí Việt cho biết Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương là tập sách đầu tiên của loạt sách mà đơn vị sẽ phối hợp với nhà báo Cù Mai Công thực hiện trong thời gian tới, gồm: Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó tập 2, Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó tập 3… Đặc biệt, lần đầu tiên sau 25 năm, bộ sách Sài Gòn by night cũng sẽ được tái bản trong thời gian tới.
Sáng 11/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình phối hợp với trường THCS Hàm Nghi tổ chức chương trình “Hạo khí Cần Vương”.