Cù Mai Công lại nhớ Gia Định, thương Sài Gòn

07/01/2024 - 15:14

PNO - Nhà báo Cù Mai Công nói khi yêu mến điều gì, từ sâu bên trong, ta cứ muốn tìm hiểu, gắn bó, thậm chí muốn trở thành một phần của điều thân thương đó.

Nhà báo Cù Mai Công và MC Phương Huyền tại buổi giới thiệu sách.
Nhà báo Cù Mai Công và MC Phương Huyền tại buổi giới thiệu sách.

Sau Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương ra mắt vào cuối năm 2022, đến nay, ấn phẩm thứ 2 do First News - Trí Việt phối hợp với tác giả Cù Mai Công thực hiện đã được giới thiệu tới độc giả.

Ở buổi ra mắt sách Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2 tại Đường Sách TPHCM (sáng 7/1), nhà báo Cù Mai Công kể nhiều câu chuyện dí dỏm của anh gắn với thành phố này. Những mẩu chuyện nhỏ không đi theo trình tự thời gian, cứ nhớ đâu kể đấy nhưng ăm ắp tình cảm, sự dễ thương của một người sống ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ.

Sài Gòn – Gia Định hay TPHCM là vùng đất mà cậu bé Cù Mai Công năm nào hay dành tiền để cuối tuần ngồi tót lên chiếc xe lam, chạy vòng vèo khắp phố phường rồi cuối cùng dừng ở hiệu sách ngay ngã 4 Nguyễn Thị Minh Khai và Cách Mạng Tháng 8. Cậu mua truyện tranh trước là để đọc, sau thì bán lại cho bạn bè coi như lấy công làm lời.

Sài Gòn cũng là nơi chốn mà hơn nửa thế kỷ qua, Cù Mai Công tập tành học võ, vào đại học, ra trường, đi làm và gắn bó mãi đến hôm nay. Lớn lên cùng những đổi thay của thành phố, Cù Mai Công chứng kiến không ít chuyện buồn vui, nhưng sau cùng, tất cả gom vào thành những nhớ thương vô hình lẫn hữu hình, để rồi vấn vương người đi, kẻ ở.

Cuốn sách cung cấp nhiều thông tin thú vị về Sài Gòn thông qua những câu chuyện của tác giả.
Cuốn sách cung cấp nhiều thông tin thú vị về Sài Gòn thông qua những câu chuyện của chính tác giả và từ nhiều nguồn do anh nghiên cứu, tìm hiểu.

“Tôi mua truyện đọc xong rồi bán lại. Ngày đó mua 10 cuốn bán được 120 ngàn, lời 20 ngàn, nhưng tiền này để dành trả tiền xe lam. Mình không được đồng nào nhưng lời cuốn sách. Rồi năm 17 – 18 tuổi, tôi học võ ở Nhà văn hóa Thanh niên, sau đó vào Đại học Sư Phạm ở đường Lê Văn Sĩ. Ra trường làm báo Khăn quàng đỏ ở gần Hồ Con Rùa... 40, 50 năm sống chung với một người thì chúng ta không tình, cũng nghĩa”, nhà báo Cù Mai Công dí dỏm chia sẻ.

Đối với tác giả, “Sài Gòn không của riêng ai” và “Ai cũng có một Sài Gòn của riêng mình”, nên những chuyện mà anh nhắc đến trong sách hẳn có người thấy quen, cũng có người thấy lạ. Sự xa lạ ấy là dễ hiểu, vì Sài Gòn đa dạng, nhiều trầm tích theo thời gian, nên khó ai (trong đó có tác giả) dám nhận mình am hiểu tường tận vùng đất này.

Giống Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương đầu tiên, tác phẩm thứ 2 tiếp tục cung cấp nhiều kiến thức cho thấy tác giả có tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử hình thành của vùng đất này.

Sách được chia làm 2 phần riêng biệt, đúng với tên gọi. Phần Sài Gòn là thương được đảo lên trước với những câu chuyện về tên một số đại lộ ở Sài Gòn, chuyện về chợ Bến Thành, văn phòng kiến trúc sư Hoa - Thâng - Nhạc... Gia Định là nhớ gồm những mẩu chuyện mang tính phiêu lưu ký hơn với sự xuất hiện của những địa danh, con người từng góp phần làm nên sự đa dạng, thú vị của Sài Gòn xưa và nay.

Nhiều năm qua, không ít sách viết về Sài Gòn - Gia Định được phát hành, nhưng tác giả Cù Mai Công cũng tạo được phong vị riêng cho chùm tác phẩm về Sài Gòn của mình. Đi từ chuyện riêng đến chuyện chung, chuyện xưa đến chuyện nay, Sài Gòn qua góc nhìn, ngôn từ của tác giả thấy được sự dung dị, gần gũi, nhưng đủ thể hiện phần nào tầm vóc của mảnh đất giàu trầm tích, trù phú, ấm áp tình người.

Tác giả, nhà báo Cù Mai Công từng ra mắt: Sài Gòn by night 6 tập phát hành từ năm 1997 đến 2000; Sài Gòn một thuở: “Dân Ông Tạ đó!” 2 tập; Tuổi mực tím Sài Gòn...

Cù Mai Công tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM và làm báo từ năm 1985. Nhiều bạn đọc biết đến Cù Mai Công khi anh phụ trách nhân vật “Anh Cỏ Cú” trên báo Mực Tím giai đoạn 1988 – 1993 và thời gian làm ở Báo Tuổi trẻ với nhiều bài điều tra ấn tượng.

 

 

Diễm Mi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI