1. Tôi nhớ mãi vài câu thoại trong bộ phim mình xem từ lâu của một cô bé mới lớn bỏ nhà đi bụi với một tay giang hồ có bản tính lương thiện. Tay giang hồ hỏi:
- Vì sao em bỏ đi?
- Vì mẹ em không hiểu em.
- Em về đi. Mẹ đẻ ra em, nuôi em bằng này mà không hiểu thì ai hiểu. Không ai thương con bằng mẹ đâu.
|
Sẽ ra sao nếu không có mẹ. Hình minh họa |
Tay giang hồ kể cho cô bé câu chuyện của mình, cũng là câu chuyện chung của vạn vạn đứa con trên cõi đời này. Ai là người dám đánh cược cả mạng sống của mình, hiểu rất rõ cửa sinh là cửa tử mà vẫn hạnh phúc từng ngày đợi mình ra đời? Mẹ. Khi con sốt cao mê man, ai là người canh chừng, thức trắng? Mẹ. Khi con ngã đau, ai là người nhói lòng? Mẹ…
Tay giang hồ ấy mất mẹ từ sớm. Một bữa ăn cơm cùng mẹ cũng là ước mơ xa xỉ không thể có với gã, chỉ có thể là những hoài niệm đã trở nên mòn vẹt, mờ nhạt. Gã làm lay động một cô bé bỏ nhà đi, bỏ mặc mẹ mình trong những bữa cơm dọn ra mà trào nước mắt không ăn được, những đêm thức trắng đợi chờ chỉ vì những giận hờn thường nhật của tuổi mới lớn sớm nắng chiều mưa.
Một lần đưa con đi học thêm, tim tôi bỗng vui lây khi nhìn thấy những đóa hoa lục bình tím biếc được cắm vào cái ly nhỏ đặt trên bàn. Cô giáo của con tôi kể, bố em là thợ lặn, ông thường hái những đóa lục bình trên sông khi đi làm về cho em cắm. Chẳng biết vì thân quen hay tình cờ mà em yêu lục bình hơn tất cả những loài hoa cao sang, lộng lẫy khác.
Một lần khác, tôi chuyển từ cảm giác ngạc nhiên sang xúc động khi đi viết bài trong một xóm chài nghèo. Người chồng ngồi đẽo một thanh gỗ nhỏ, tỉ mỉ gắn phía dưới chiếc cầu tuột đẩy xe vào nhà. Chiếc cầu tuột ấy làm bằng sắt, nối từ mặt đường xuống nhà, bị cập kênh một chút không đáng kể do người thợ sắt làm ẩu.
Anh nói, ráng chờ chút để làm nốt cho xong vì xíu vợ đi chợ về, sợ vợ không cẩn thận, nhỡ té. Và khi chị vợ đi chợ về, anh chồng vội vã đẩy xe hộ, để thử xem chiếc cầu tuột đã thật sự vững chưa… Vẻ tất tả của vợ chồng nghèo ấy, những việc làm, lời nói, nụ cười họ dành cho nhau, dễ thương chi lạ.
2. Bạn tôi mắc trầm cảm sau sinh. Khó mà hình dung ra hình ảnh một cô nhà báo năng động lại trở thành người mẹ, người vợ trẻ sau sinh như thế. Tóc bạn bỗng đổ bạc khá nhiều dù mới chỉ ngoài 30. Đầu rối bù, nhiều chấy. Hai vợ chồng không thể đối thoại với nhau nếu không to tiếng cãi vã. Để giải thoát cho cả hai, bạn tôi quyết bỏ chồng cho bằng được dù mẹ bạn từ quê xa cả nghìn km vào Sài Gòn vật vã khóc lên khóc xuống.
Mẹ nói với bạn rằng, không mơ con giàu sang, chỉ muốn con hạnh phúc. Bạn đáp lại: Vâng mẹ, vậy mẹ nên ủng hộ quyết định của con. Với con lúc này, bỏ chồng là hạnh phúc, mẹ đừng cản. Mà mẹ cản cũng không được đâu, vì con cũng chỉ muốn con của con lớn lên hạnh phúc chứ không phải đủ đầy ba mẹ và những lời nặng nhẹ chì chiết.
Sau khi bỏ nhau một thời gian, bạn mua nhà trả góp gần nhà chồng cũ. Vợ chồng vẫn giữ hạnh phúc cho con bằng sự sẻ chia lẫn nhau. Chỉ cần điện thoại nhờ chồng trông con khi cần, 5 phút sau anh đã có mặt. Khác hẳn với rất nhiều ngày trước đó khi còn bên nhau, vợ ốm, con quấy, chồng vẫn đi nhậu mặc kệ điện thoại gọi đến nóng máy.
Vì thế, dù đường ai nấy đi nhưng vợ chồng cũ gặp nhau vẫn vui vẻ như những người bạn chí cốt. Bạn nói, chẳng tin được có ai yêu con hơn chính ba, mẹ của nó. Vì thế mình có quyền bỏ chồng nhưng không có quyền làm mất tình cảm cha con. Mình có nhiều cách để giữ bố cho con, không nhất thiết phải khư khư bám vào nhau để chìm trong đau khổ mà cứ nhầm tưởng đó là hạnh phúc.
|
Hình minh họa |
3. Một cô bạn khác của tôi, cũng sớm chọn cuộc sống đơn thân nuôi hai con nhỏ. Bạn nói, gắn kết hai người từ xa lạ đến yêu thương và về chung một gia đình, đơn giản chỉ vì muốn cuộc sống trọn vẹn, ấm cúng. Nhưng đến một lúc nào đó, khi người ta nhận ra việc chung sống không vui, không thể hòa hợp, không mang lại cho người ta hạnh phúc, người ta đã cân nhắc kĩ lưỡng, thì ly hôn.
Cuộc sống luôn thay đổi mỗi ngày, mình của ngày hôm nay khác với ngày hôm qua. Nhưng cái cốt lõi nhất vẫn là niềm vui, sự hạnh phúc, an lạc trong tâm hồn mỗi con người. Nếu việc sống chung không hạnh phúc và bình an nữa, thì ly hôn là điều tốt.
"Điều gì không còn mang lại cho bạn niềm vui sống, hãy buông bỏ, để bản thân mình nhẹ nhàng, an ổn, gia đình bạn mới vui được. Khi chúng ta sống thật với cảm xúc của mình, trân trọng bản thân mình, thì đó mới là hạnh phúc bền vững!" - bạn chia sẻ.
Cũng như không ít bạn bè mình, tôi vẫn nghĩ gia đình hạnh phúc không nhất thiết phải đủ đầy mọi thành viên. Quan trọng hơn cả là những thành viên phải biết nghĩ về nhau, cùng nhau hướng đến niềm vui sống. Khi chúng ta nói về gia đình, điều hướng đến chung nhất là hạnh phúc. Hạnh phúc được xây từ những viên gạch yêu thương. Khi yêu thương có sự sẻ chia, thấu hiểu, chắc chắn đó là sự yêu thương bền vững.
Tựa như một ngôi nhà muốn đứng vững giữa mưa gió thì không thể thiếu móng vậy. Tôi vẫn nghĩ, khi nói một gia đình hạnh phúc nhưng thiếu sự thấu hiểu, sẻ chia thì thứ hạnh phúc ấy chỉ là cái vỏ, những yêu thương ấy chỉ là đầu môi chót lưỡi.
Bạn giữ hạnh phúc của mình theo cách nào, nếu không phải xây từng viên gạch mang tên sẻ chia, thấu hiểu?
Chi Mai