Học làm cha mẹ đúng cách
Nhiều ý kiến đại biểu đã chỉ ra những phương pháp nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc tại hội nghị chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc tại TPHCM” và diễn đàn “Học làm cha mẹ cho con phát triển toàn diện” do Hội LHPN TPHCM tổ chức ngày 3/10.
Ông Nguyễn Hiệp Trí - Phó phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - thông tin, trong bối cảnh xã hội hiện đại, sức khỏe tâm lý của trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng trở nên quan trọng. Theo thống kê, tỉ lệ trẻ em và thanh thiếu niên mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần dao động từ 8 - 29%.
|
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - phát biểu tại diễn đàn |
Ông Nguyễn Hiệp Trí cho biết, nhiều bậc cha mẹ vô tình tạo áp lực lên con cái thông qua những hành động và lời nói không hợp lý. Một số dấu hiệu cho thấy cha mẹ đang tạo áp lực lên con cái như thường xuyên trách mắng hơn là khen ngợi; quản lý và kiểm soát con cái quá mức; dạy con tư tưởng nghiêm trọng hóa mọi vấn đề; so sánh con với bạn bè cùng trang lứa, đặt ra những kỳ vọng quá cao trong học tập; thường xuyên nóng giận, mất bình tĩnh và áp đặt, không lắng nghe ý kiến của con.
Và theo ông Nguyễn Hiệp Trí, sức khỏe tâm thần ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Một tâm lý khỏe mạnh sẽ giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc, tự tin và có khả năng học tập tốt, hòa thuận với gia đình. Ngược lại, những trẻ gặp phải áp lực căng thẳng từ cha mẹ sẽ có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm lý, ảnh hưởng đến kết quả học tập và các mối quan hệ xã hội, trẻ sẽ ít giao tiếp, không thích chơi với bạn bè, hay có cảm xúc thay đổi đột ngột.
Để bảo vệ sức khỏe tâm lý của trẻ, ông Nguyễn Hiệp Trí khuyến nghị, cha mẹ cần theo dõi tình trạng tâm lý của trẻ và nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường.
Ngoài ra, việc tạo môi trường an toàn cho trẻ là rất quan trọng. Cha mẹ nên dành thời gian chơi cùng trẻ, củng cố các hành vi tốt và dạy trẻ thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ tự giải quyết xung đột và dạy về giới tính…
Để con phát triển một cách tốt nhất, cha mẹ nên dành thời gian cho trẻ, tạo những cuộc trò chuyện ý nghĩa và trở thành tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Việc giao nhiệm vụ cho trẻ cũng là cách giúp trẻ học cách quan tâm người khác và phát triển kỹ năng sống.
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - nhấn mạnh, việc làm cha mẹ là một hành trình dài và không hề đơn giản. Đối với nhiều bậc cha mẹ, nuôi dạy con cái không chỉ là một thiên chức mà còn là một thách thức lớn, đặc biệt khi đời sống ngày càng phát triển như hiện nay.
“Cha mẹ khó có thể thành công trong việc nuôi dạy con khi quá nuông chiều, thiếu sự nhất quán trong kỷ luật, không dành đủ thời gian cho con, hoặc khi lạm dụng bạo lực về thể xác và tinh thần. Hoặc cha mẹ thường giao cho ông bà chăm sóc trẻ, so sánh con với người khác… sẽ vô tình dẫn đến sự ít tiếp xúc, thiếu tâm sự và tạo khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình” - bà Trần Thị Phương Hoa cho biết.
Bà khẳng định, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con. Do đó, cha mẹ phải có trách nhiệm, nghị lực và kế hoạch rõ ràng trong việc nuôi dạy con. Cha mẹ cần xem con như một đối tác trong hành trình học tập và phát triển, không tùy tiện hứa hẹn hoặc thể hiện sự ghét bỏ đối với hành vi không tốt của trẻ.
Thay vào đó, cha mẹ cần dành thời gian cho trẻ mỗi ngày, khen ngợi và hình thành các thói quen tốt để trẻ noi theo. Chỉ khi cha mẹ thực sự tham gia và gắn bó với con cái thì mới có thể giúp con phát triển toàn diện và vượt qua những thách thức trong xã hội hiện đại.
Lời nói nhẹ nhàng tạo không khí yêu thương
Các đại biểu cho rằng, gia đình tại TPHCM đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết như: tình trạng bạo lực và bạo lực trên cơ sở giới, tệ nạn xã hội, nghiện ma túy, cờ bạc và sự thay đổi trong ứng xử giao tiếp, khiến quan hệ gia đình trở nên kém bền chặt. Ngoài ra, những ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ và mạng xã hội cũng làm giảm sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Bữa cơm gia đình ngày càng thưa thớt, vấn đề bình đẳng giới và chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, để xây dựng gia đình hạnh phúc, cần có những giải pháp cụ thể và thiết thực.
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM - cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây mâu thuẫn và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình là tình trạng bạo lực gia đình. Khi chồng tác động lên vợ, vợ tác động lên con cái, hậu quả không chỉ gây tổn thương cho các thành viên mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo hiến kế: cán bộ, hội viên phụ nữ cần quan tâm và thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng giúp nâng cao nhận thức pháp luật. Ngoài ra, cần tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi và vận động hội viên, gia đình tham gia các hoạt động thể dục dưỡng sinh, văn nghệ, trồng cây, giao lưu… để tạo tinh thần thoải mái, gắn kết, giảm áp lực, từ đó ngăn chặn bạo lực trong gia đình.
Trong công tác hội, mỗi tổ hội được coi như một gia đình lớn, nơi các thành viên hỗ trợ nhau về mọi mặt, mỗi thành viên cần quan tâm nắm bắt tâm tư của nhau, cả người thân của họ để nếu có trường hợp bạo lực xảy ra, chúng ta kịp thời ngăn chặn.
|
Ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc khu phố 3, phường 3, quận Phú Nhuận, TPHCM - phát biểu |
Ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc khu phố 3, phường 3, quận Phú Nhuận, TPHCM - cho rằng: để một gia đình hạnh phúc, không chỉ mỗi người phụ nữ có trách nhiệm mà tất cả thành viên trong gia đình đều cần rèn luyện các kỹ năng cần thiết, hành động từ những việc làm nhỏ.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, kỹ năng quản lý thời gian là yếu tố hàng đầu giúp gia đình có những khoảnh khắc ấm áp bên nhau như ăn chung bữa cơm, xem ti vi để cùng chia sẻ về công việc và học tập, chính những khoảnh khắc này tạo nên sự gắn kết và động viên lẫn nhau.
Bên cạnh đó, để một gia đình luôn có tiếng cười, có sự thấu hiểu thì kỹ năng giao tiếp cũng rất cần thiết. Lời nói nhẹ nhàng, ngọt ngào sẽ tạo ra không khí hòa thuận, yêu thương. Kỹ năng quản lý cảm xúc và giải quyết vấn đề đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Ông cho rằng, mỗi thành viên trong gia đình đều có cái tôi và quan điểm riêng, nên việc điều chỉnh cảm xúc và duy trì sự bình tĩnh trong những tình huống khó khăn sẽ tạo ra môi trường gia đình an toàn và hài hòa, giúp các thành viên hỗ trợ nhau vượt qua thử thách. Khi mỗi người cảm nhận được sự ủng hộ từ gia đình, người thân, họ sẽ có thêm sức mạnh để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và cùng nhau vun đắp hạnh phúc cho tổ ấm của mình.
Bà Dương Thị Quỳnh Châu - Chủ tịch Hội LHPN phường 2, quận 8, TPHCM - nêu giải pháp khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm công việc. Theo bà, để xây dựng một gia đình hạnh phúc, cần có sự đồng lòng và nỗ lực từ mọi thành viên. Những hành động nhỏ như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa cùng nhau hay những lời động viên, lắng nghe nhau sẽ tạo nên sự gắn kết và yêu thương lớn, lâu dài.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - nói: “Gia đình giữ vai trò then chốt đối với sự phát triển xã hội. Chỉ khi gia đình hạnh phúc thì xã hội mới có thể phát triển bền vững. Vì thế, tôi mong rằng, mỗi hội viên phụ nữ hãy phát huy hết vai trò của mình trong việc xây dựng một gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc”.
Ngọc Trăm