Gia đình “đại chiến” vì tranh dành quyền dạy trẻ

20/11/2015 - 07:32

PNO - Nhiều gia đình ông bà, cha mẹ mâu thuẫn trong việc dạy bảo con cái nên dẫn đến xung đột trong chính ngôi nhà của mình.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Chị Nguyễn Thị Mơ trú tại Hoàng Quốc Việt, Hà Nội bức xúc cảnh một đứa trẻ mà 3 cách chăm sóc và dạy dỗ khác nhau. Bé Súp nhà chị Mơ 3 tuổi. Cháu đã đi mẫu giáo. Công việc bận, chị Mơ thường để cháu ở nhà cho ông bà đưa đi học. Tuy nhiên, hôm nào về nhà buổi trưa chị cũng thấy con ở nhà vì đi học cháu khóc, ông bà xót nên để ở nhà chơi cùng ông bà.

Ba tuổi, chị Mơ nhận thấy con mình chậm hơn các bạn cùng trang lứa. Chị muốn dạy con thêm về tập tô, xé giấy màu dán tranh, dạy con đọc bảng chữ cái. Tuy nhiên, bố mẹ chồng chị không đồng ý vì họ cho rằng dạy sớm không tốt.

Họ muốn đứa trẻ lớn lên tự nhiên đến 6 tuổi đi học. Mỗi lần chị Mơ dạy con ông bà lại gọi cháu ra chơi rồi bảo “ngày xưa thằng Minh (chồng chị) có học mẫu giáo đâu, vào học lớp một luôn mà vẫn học giỏi”. Những lúc như thế, chị Mơ thấy ức chế vô cùng.

Không chỉ trong việc dạy mà cả trong ăn uống cũng thế. Chị muốn dạy con cách ngồi ăn đàng hoàng thì con chị lại thích phá bĩnh vì ông bà bảo ai tập ăn chẳng rơi vãi vài lần. Được ông bà nựng nên cháu không hợp tác với mẹ mà thường tìm cách trốn tránh.

Gia dinh “dai chien” vi tranh danh quyen day tre
Mỗi gia đình nên thống nhất cách dạy trẻ.

Trường hợp của gia đình chị Trương Tố Thanh trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cũng tương tự. Chị Thanh than thở trong nhà, hai vợ chồng mỗi người có cách dạy con khác nhau nên thường xuyên cãi nhau chỉ vì trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Chị Thanh không cho con xem ti vi thì chồng chị lại cho rằng, trẻ xem ti vi để kích thích phát triển.

Cháu bé nghiện hoạt hình, thích xem ipad vì bố hay cho xem. Chị Thanh nỗ lực cho con cuộc sống không ti vi, máy tính bao nhiêu thì chồng chị lại ngược với chị.

Trong gia đình, hàng ngày việc học hành của con do chị quyết định. Mỗi khi chị gọi con học bài, anh chồng lại bảo để con thư giãn hay không cho cháu học thêm nâng cao. Chị Thanh cho biết, nhiều lần hai vợ chồng phân chia cách chăm sóc con nhưng rồi đâu lại vào đó. Anh thương con nhưng chiều con, nhất là khi chị muốn dạy dỗ con thì anh ra sức bênh. Chính vì thế cháu bé rất hay ỉ lại vào bố mẹ, không tự lập.

Nên thống nhất từ đầu

Thạc sĩ Quách Thúy Minh – Khoa tâm bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, hiện nay ở các gia đình nhất là thành thị đang xảy ra nhiều mâu thuẫn trong cách dạy con cái. Không chỉ giữa mẹ với ông bà mà ngay cả hai bố mẹ nhiều khi lại chưa thống nhất cách dạy con, làm cho trẻ lúng túng không biết nên làm thế nào là đúng. Thậm chí, nhiều khi trẻ còn lợi dụng điều đó để tìm cách đối phó, né tránh trách nhiệm với việc cần phải làm. 

Nhiều gia đình, bố mẹ không thống nhất nhau nên cứ mỗi người một phách. Ví dụ, bố mắng con xem ti vi nhiều hại mắt, còn mẹ cấm xem ti vi, nhưng đứa trẻ mơ hồ hình dung là bố không cấm mà chỉ cảnh  báo nên nó cứ xem ti vi cho đã mắt.

Bác sĩ Minh cho biết, đối với gia đình có ông bà sống cùng, vấn đề nuôi dạy con thường càng khó vì ông bà thường dạy trẻ theo phương pháp cũ, còn bố mẹ lại muốn dạy trẻ theo kiểu hiện đại. Nhiều ông bà nghiêm khắc trong dạy dỗ trẻ do quan niệm cũ “yêu cho roi cho vọt”.

Có người thì chiều cháu không phải lối, cấm không cho ba mẹ của các cháu trực tiếp dạy con mà để ông bà chăm sóc toàn diện. Sự không thống nhất trong cách dạy làm trẻ nảy sinh tính dựa dẫm, thường vin vào người hay chiều chuộng bênh vực trẻ. Điều đó làm mất đi hiệu lực của sự phê bình khi trẻ làm điều gì sai và trẻ sẽ không sửa sai. Nhiều trẻ lớn lên có tính đố kị, ích kỷ.

Tiểu Nhã

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI