Gia đình cô Thơm và tấm lòng thơm thảo

03/10/2021 - 07:06

PNO - Sau khi khỏi bệnh và hết thời gian cách ly tại nhà, cả gia đình tám thành viên F0 ấy lại tiếp tục xắn tay, chăm lo cho cộng đồng...

Tham gia công tác phòng, chống dịch ở địa phương ngay từ những ngày đầu làn sóng COVID-19 thứ tư, tám thành viên trong gia đình cô Đoàn Thị Thơm, 62 tuổi, ở P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM, đã nhiễm bệnh, phải đối mặt với những thời khắc sinh tử. Thế nhưng, ngay sau khi khỏi bệnh, họ lại tiếp tục công việc, ân cần sẻ chia với bà con lao động nghèo.

Trong những ngày qua, cả nhà cô Thơm cùng nhau chuẩn bị hàng hóa mang tặng bà con đồng hương Thái Bình tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn. Cô cũng liên hệ với Hội Phụ nữ phường xin góp 500kg gạo và hai suất học bổng cho ngày Phụ nữ vì cộng đồng dự kiến tổ chức vào tháng 10 sắp tới. Đại gia đình tám thành viên cùng nhau làm việc, người xúc gạo, người may bao, người xếp dầu ăn, nước mắm… vào túi. 

Cô Thơm hồi tưởng: “Giữa tháng Tám, cả nhà dương tính với COVID-19. Tôi cùng con gái, con rể phải vào bệnh viện, con dâu và bốn đứa cháu ngoại điều trị tại nhà, những người còn lại cũng là F1. Con rể chuyển nặng, phải thở máy.

Miệng động viên con cháu phải hết sức bình tĩnh, nhưng nói thật là lòng mình vô cùng căng thẳng, lo âu. Hội Phụ nữ và Mặt trận Tổ quốc phường gửi rau củ quả, thuốc men tiếp sức cả nhà. Tôi luôn biết ơn nghĩa cử tốt đẹp đó. Hiểm nguy đã qua đi, càng thêm thấm thía về hạnh phúc khi còn được ở bên nhau, có cơm, có rau ăn giữa đại dịch này. Vì thế, mấy đứa con lại rủ rê ba mẹ góp tiền giúp bà con tiếp”. 

Trước khi nhiễm bệnh, hằng tuần, cô Thơm nấu cơm, làm bánh để tặng  lực lượng trực chốt phòng dịch và bà con ở các khu nhà trọ, khu vực bị phong tỏa
Trước khi nhiễm bệnh, hằng tuần, cô Thơm nấu cơm, làm bánh để tặng lực lượng trực chốt phòng dịch và bà con ở các khu nhà trọ, khu vực bị phong tỏa

Cô Thơm là chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Trường mầm non Hoa Hồng, ở khu phố 5, P.Trung Mỹ Tây. Ngôi trường nhỏ do vợ chồng cô chắt chiu tạo dựng từ 22 năm trước, hiện có 25 giáo viên, nhân viên làm việc. Từ tháng Năm, trường phải đóng cửa, vợ chồng cô quyết định hỗ trợ cho mỗi cô giáo hằng tháng 20kg gạo và 1 triệu đồng. Đến tháng Sáu, dịch bệnh căng thẳng, cô nấu cơm, làm bánh gửi tặng lực lượng trực chốt kiểm soát và bà con ở các khu nhà trọ, khu vực bị phong tỏa trên địa bàn P.Trung Mỹ Tây và P.Đông Hưng Thuận (Q.12); mua gạo, dầu ăn, nước tương, nước mắm chở tới ủng hộ các điểm chợ 0 đồng của đoàn thể phường.

Chồng cô - chú Vũ Ngọc Tuynh, một cựu chiến binh - cũng lặng lẽ mua nhu yếu phẩm giúp đỡ anh em đồng đội. Con rể là anh Phạm Văn Thành thì cùng anh em trong Hội đồng hương Thái Bình ngược xuôi khắp nơi để nhận hàng, khuân vác, phân chia rồi mang trao tặng những cảnh đời thắt ngặt. Thời gian qua, nhóm của anh Thành đã nhận và trao hơn 30 tấn gạo từ bà con ngoài quê gửi vào và các mạnh thường quân đóng góp.

Với cô Thơm, giữa tháng Chín, sau khi khỏi bệnh và kết thúc thời gian theo dõi bệnh tại nhà, cô bắt tay vào chuẩn bị hơn 120 túi gạo gửi đi các nơi. Anh Thành cũng trở lại với công việc đã làm trước đó. Cô Thơm nói: “Mình cũng không giàu có gì, nhưng ngoài kia bà con mình đang rất cần giúp đỡ. Mong lắm ngày thành phố khỏe lại, mọi người có thể tự lực kiếm sống, trường mở cửa đón học trò”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI