Gia đình có công được cấp đất xây nhà nhưng không có lối đi

26/11/2020 - 07:23

PNO - Miếng đất được cấp bị bao vây tứ phía không còn lối vào, người con gái mòn mỏi mang đơn cầu cứu khắp nơi với hy vọng sớm xây nhà để lo hương khói 2 anh trai là liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng.

Leo tường, vượt núi để vào nhà

“Mấy năm đi cầu cứu nhưng đường vẫn chưa có, cũng chưa có hướng xử lý nào. Không biết tôi còn đủ sức chờ để hoàn thành tâm nguyện trước lúc mất của mẹ không” - bà Trần Thị Hương (trú tại xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) rơm rớm nước mắt nói rồi mở tập hồ sơ dày cộm vẫn luôn mang theo bên người để minh chứng.

Bà Hương là con út trong gia đình có 8 anh chị em, trong đó có 2 liệt sĩ là Trần Xanh, Trần Cao Thanh và 1 người là thương binh. Năm 2014, bà Cù Thị Sáu (mẹ bà Hương) cũng được truy tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng.

Bà Hương mang đơn thư cầu cứu nhiều năm trời với hy vọng sớm mở lại đường vào đất của mình
Bà Hương mang đơn thư cầu cứu nhiều năm trời với hy vọng sớm mở lại đường vào đất của mình

Theo bà Hương, gần 20 năm trước, gia đình bà được UBND xã Đức Hòa (nay là xã Hòa Lạc) cấp cho một miếng đất rộng 180m2 nhằm tri ân những gia đình có công với cách mạng. Trước lúc qua đời, bố mẹ bà Hương đã sang tên miếng đất này với tâm nguyện bà Hương có thể lo hương khói cho 2 anh trai là liệt sĩ.

“Tôi không xuất giá nên bố mẹ giao miếng đất cho quản lý, các anh chị đi làm ăn xa nên cũng đồng thuận. Trước lúc mất, mẹ mong sau này có điều kiện, tôi có thể xây nhà tại đây để lo hương khói, làm nơi thờ tự 2 liệt sĩ vì các anh đều chưa lập gia đình” - bà Hương nói.

Khắc ghi lời căn dặn của mẹ, song vì chưa có điều kiện thực hiện, bà Hương đành tạm gác kế hoạch của mình ra TP. Vinh (Nghệ An) làm thuê kiếm tiền. Ít năm trước, bà gom góp tiền tiết kiệm dự tính về quê xây một căn nhà nhỏ để ở lúc về già, và cũng là nơi để lo hương khói cho 2 anh trai và mẹ Việt Nam anh hùng của mình.

Tuy nhiên, dự tính của bà đã không thành bởi miếng đất lúc này đã bị bịt kín lối đi, muốn vào phải leo tường rào hàng xóm, hoặc ngọn núi ở phía sau. Theo bà Hương, trước đây đất của gia đình vốn có một lối đi nhỏ từ quốc lộ 8A vào, song ít năm trước, một người dân đã cơi nới ki-ốt kinh doanh ở mặt đường quốc lộ chắn hết lối đi này.

Ki ốt xây trên đất hành lang An toàn giao thông nằm chắn ngang đất bà Hương
Ki-ốt xây trên đất hành lang An toàn giao thông nằm chắn ngang đất bà Hương

Theo quan sát của phóng viên, phía trước mảnh đất của bà Hương nằm trên hành lang An toàn giao thông quốc lộ 8A hiện đã bị ki-ốt của bà Trần Thị Du (vợ nguyên Chủ tịch UBND xã Đức Hòa) xây dựng chắn hết lối đi. Phía sau thửa đất của bà Hương tiếp giáp với vách núi cao gần 3m.

Hai bên thửa đất cũng đã được các hộ khác xây nhà kiên cố. “Không hiểu sao đất trên hành lang an toàn giao thông mà xã cũng để cho người ta xây dựng rồi bịt luôn đường đi của tôi như vậy. Giờ họ bảo tôi phải đi đường sau núi, làm bậc thang để xuống thì sao chấp nhận được” - bà Hương cho biết.

Nếu không thỏa thuận thì phải... chờ

Tháng 1/2020, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ có văn bản gửi UBND xã Hòa Lạc yêu cầu xã này giải quyết đơn của công dân. Lãnh đạo huyện Đức Thọ xác định bà Hương khiếu nại việc giải quyết của Chủ tịch UBND xã và yêu cầu UBND xã giải quyết, mở đường đi đối với thửa đất của bà là chính đáng và có cơ sở.

Đât của bà Hương nằm lọt thỏm giữa các hộ dân, phía sau là núi cao gần 3m
Đất của bà Hương nằm lọt thỏm giữa các hộ dân, phía sau là vách núi cao gần 3m

Ông Lê Tiến Thắng - Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc cho biết, năm 1991, chính quyền xã này cấp đất trái thẩm quyền cho một số hộ dân. Theo quy hoạch của xã năm 2001, đất của bà Hương thuộc dãy 2, có 1 con đường nhỏ đi phía sau, chứ không phải đi từ quốc lộ 8A vào.

“Cái này là lỗi của thời trước” - ông Thắng nói và cho hay hiện chỉ có cách duy nhất là giải phóng con đường phía sau cho đảm bảo rồi hỗ trợ bà Hương làm bậc thang để đi lên xuống. Tuy nhiên phương án này chưa nhận được sự đồng thuận do lo ngại sạt lở.

Lãnh đạo xã Hòa Lạc thừa nhận “không còn cách” để mở lại đường cũ theo yêu cầu của bà Hương. Chính quyền xã cũng đã từng làm việc với các hộ dân có đất ở dãy 1 - nằm trong hành lang An toàn giao thông quốc lộ 8A đổi đất đến nơi khác song không được những hộ dân này đồng ý.

Đường đi cao hơn mái nhà được xác định là đường vào đất của bà Hương
Đường đi cao hơn mái nhà được xác định là đường vào đất của bà Hương

Trước thắc mắc vì sao đất  nằm trong hành lang An toàn giao thông song xã Hòa Lạc vẫn để bà Du xây dựng ki-ốt kiên cố, ông Thắng nói “Ki-ốt mới sửa nhưng móng thì họ xây lâu rồi, sau này mới xây lên. Khi chúng tôi cấm thì họ cũng cam kết sẽ không nhận đền bù tài sản khi phải giải tỏa”.

Theo ông Thắng, trường hợp bà Hương muốn mở lối đi từ quốc lộ 8A vào thì buộc phải tự thỏa thuận với hộ dân có bất động sản ở phía trước đất của mình. “Cái này 2 bên phải tự thỏa thuận với nhau để mở đường thôi. Nếu không thì đành phải chờ đến khi có dự án, các hộ dân nằm trong hành lang an toàn giao thông được di dời đi nơi khác. Nhưng chờ đến khi nào thì chưa rõ” - ông Thắng nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI