Gia đình có 5 cựu chiến binh vượt 1.000 km về TPHCM dự đại lễ

30/04/2025 - 08:32

PNO - 5 người trong gia đình từng đi qua chiến tranh, giờ cùng ngồi bên nhau giữa phố cờ hoa TPHCM rực rỡ để nhìn đất nước trong hòa bình.

Trong dòng người đổ về trung tâm TPHCM nhân dịp 30/4, giữa những sắc cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng sớm, có hình ảnh lặng lẽ nhưng đầy tự hào của những cựu chiến binh, những người từng đi qua khói lửa chiến tranh, nay trở lại thành phố mang tên Bác để sống lại khoảnh khắc hào hùng của dân tộc.

Bà Phạm Thị Tiệm (80 tuổi) -  thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước chia sẻ về những ký ức gian khổ trước năm 1975 và niềm tự hào hạnh phúc khi đất nước giành được độc lập - Ảnh: Thanh Tâm
Bà Phạm Thị Tiệm (80 tuổi) - thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước chia sẻ về những ký ức gian khổ trước năm 1975 và niềm tự hào hạnh phúc khi đất nước giành được độc lập - Ảnh: Thanh Tâm

Gần 2 giờ sáng 30/4, trong khi nhiều người vẫn còn say giấc, gia đình bà Phạm Thị Tiệm (80 tuổi, nguyên thanh niên xung phong, quê Quảng Bình) cùng hơn 10 người thân đã có mặt ở TPHCM, chuẩn bị chỗ nghỉ tạm ven phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mệt mỏi sau hành trình suốt 24 tiếng đồng hồ bằng xe khách, nhưng trong mắt ai cũng ánh lên niềm hân hoan, bởi hôm nay là ngày trọng đại – kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ nhiều ngày trước, gia đình bà đã thu xếp công việc, chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt này. Không phải đi du lịch, không phải vì tò mò, họ trở lại để tưởng nhớ một thời tuổi trẻ gắn liền với bom đạn và lý tưởng sống vì Tổ quốc.

Bà Tiệm từng tham gia mở đường Trường Sơn từ năm 1960. Đơn vị bà đóng tại đèo Đá Đẽo (tuyến đường 15A), nơi bị địch đánh phá dữ dội. Ngày nào cũng có tiếng phản lực rít gào, bom đạn trút xuống dày đặc.

“Bữa cơm trưa còn thấy đồng đội ngồi bên, chiều đã có người hy sinh. Sự sống lúc đó được tính từng giờ, từng phút” - bà nhớ lại.

Không quản đường xa, không ngại tuổi cao, ông Phạm Quốc Cảnh trở lại thành phố mang tên Bác để xem buổi lễ diễu binh sáng 30/4 - Ảnh: Thanh Tâm
Không quản đường xa, không ngại tuổi cao, ông Phạm Quốc Cảnh trở lại thành phố mang tên Bác để xem buổi lễ diễu binh sáng 30/4 - Ảnh: Thanh Tâm

Em trai bà – ông Phạm Quốc Cảnh (73 tuổi), cựu chiến binh từng chiến đấu ở vùng Quảng Bình và bán đảo Sơn Trà từ năm 1972 đến 1978 cũng không giấu được xúc động. Gần đến ngày lễ, xem qua truyền hình thấy hình ảnh các chiến sĩ trẻ tập luyện dưới nắng, ông liền nói với con cháu: "Phải vào TPHCM! Phải một lần đứng giữa khí thế của ngày non sông liền một dải!”.

Cả nhà đồng lòng lên đường. Trên hành trình đó còn có bà Trần Thị Khai, vợ ông Cảnh, cũng là cựu chiến binh. Nhắc về ngày 30/4 lịch sử, bà rơm rớm nước mắt: “Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Cả đơn vị ôm nhau khóc. Sau bao hy sinh, đất nước đã thống nhất, Nam – Bắc sum họp một nhà".

Giữa lòng TPHCM những ngày lễ, hình ảnh các cựu chiến binh từ xa trở lại, lặng lẽ hoà mình vào dòng người mừng thống nhất khiến nhiều người xúc động - Ảnh: Thanh Tâm
Giữa lòng TPHCM những ngày lễ, hình ảnh các cựu chiến binh từ xa trở lại, lặng lẽ hoà mình vào dòng người mừng thống nhất khiến nhiều người xúc động - Ảnh: Thanh Tâm

Giữa đám đông hôm nay, hình ảnh những mái đầu bạc trang nghiêm hướng về buổi lễ diễu binh, ánh mắt tự hào khi quốc ca vang lên, khiến nhiều người trẻ xúc động. Không kèn không trống, không phát biểu, không ồn ào… nhưng sự hiện diện của họ là lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị của hòa bình và độc lập.

“Được ngắm máy bay bay qua trời xanh trong thời bình, được thấy lá cờ Tổ quốc tung bay giữa thành phố hiện đại, với tôi là niềm hạnh phúc lớn nhất. Bao nhiêu xương máu đã đổ xuống mới có ngày hôm nay” - bà Tiệm xúc động nói.

Thanh Tâm

 
TIN MỚI