Gia đình chồng can thiệp quá sâu vào cách nuôi dạy con

07/09/2024 - 20:37

PNO - Cháu cần tranh thủ ý kiến của chồng. Anh ấy là người đứng giữa, có thể đóng góp, giải thích tốt nhất cho cả hai bên.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Gia đình nhỏ của cháu mới đón đứa con đầu lòng được 8 tháng. Nhà ba mẹ cháu ở tuốt ngoài Bắc, chỉ có gia đình chồng ở gần. Con cháu là cháu đích tôn của gia đình nên ông bà nội và mọi người rất quan tâm chăm sóc.

Tụi cháu cưới xong là có em bé, nhà cửa chưa có, ở thuê, lương vợ chồng không cao, nên từ khi cháu có bầu và đặc biệt là khi bé ra đời, cháu được nhà chồng giúp đỡ rất nhiều.

Mẹ chồng cháu có bệnh xương khớp nên không giúp chăm bé được, nhưng toàn bộ tiền viện phí sinh đẻ là ông bà cho. Hàng ngày ông bà vẫn mua cái này, cái khác cho mẹ con cháu, không hề tiếc tiền với mẹ con cháu dù chỉ có lương hưu, không giàu có gì.

Chị chồng cháu ngày đi làm, ngày nghỉ theo ca, hôm nào được nghỉ là tới phụ cháu cơm nước giặt giũ. Ngày nào chị cũng nấu đồ ăn cho cả 2 ngày, để hôm sau không có chị, cháu cũng không phải nấu. Đến chén bát, giặt giũ chị cũng bảo cứ bỏ dồn vào đó, để chị đến chị rửa, đừng đụng tay vào nước....

Cháu hết sức biết ơn gia đình chồng. Nhiều lần cháu kể với mẹ cháu, mẹ cứ khóc rồi gọi điện cám ơn mẹ chồng, chị chồng cháu mãi.

Nhưng bên cạnh đó, cháu cũng hết sức mệt mỏi và khó chịu vì sự can thiệp quá sâu của gia đình chồng vào cách cháu nuôi con. Mọi người cứ coi cháu là đứa trẻ không biết gì, dù cháu rất chịu khó đọc sách vở, nghiên cứu. Vả lại mỗi đứa trẻ đều có sự phát triển khác nhau, sao có thể mang kinh nghiệm của người này áp dụng cho người khác, phải không cô?

Nhà chồng cho là bé quấy khóc nhiều vì cháu hay chiều chuộng, ẵm bồng. Phê phán chuyện cháu cho uống thuốc tây (theo toa bác sĩ) mà không kiên nhẫn chữa bằng thuốc nam, hay chuyện cháu không tập cho bé ngủ riêng từ đầu...

Nói chung nhà chồng giúp được bao nhiêu, thì tạo áp lực cho cháu bấy nhiêu. Cháu rất khó chịu mà không biết làm sao, vì cảm giác mắc nợ họ, và quả thật không có nhà chồng giúp, cháu sẽ rất khó khăn.

Giờ bé đã 8 tháng, cháu không muốn mọi người cứ tới lui thường xuyên và ý kiến ý cò nữa. Cháu phải làm sao để thoát khỏi tình trạng này, mà không làm hao hụt tình thân và bị trách là "khỏi vòng cong đuôi"? Mẹ chồng cháu đã nói câu này, ý là cháu thấy con cứng cáp rồi thì không cần nữa.

Thu Mai

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cháu Thu Mai thân mến,

Mâu thuẫn với chồng, với gia đình chồng về cách nuôi dạy con là điều hết sức bình thường ở nhiều gia đình. Càng yêu quý con cháu bao nhiêu, càng mâu thuẫn bấy nhiêu. Thế nhưng nếu cả hai bên nhận ra rằng điều này chỉ phát xuất từ tình yêu thương, để có thể lắng nghe, phân tích những ý kiến của nhau, thậm chí cùng tìm hiểu ý kiến của các chuyên gia, thì mọi việc sẽ được thu xếp ổn thỏa thôi, cháu ạ.

Cháu không kể chi tiết, nhưng vài điều cháu liệt kê thì cũng có thể thấy rằng gia đình chồng cháu không có gì sai. Việc không nên quá nuông chiều, ẵm bồng con nhỏ, khiến nó quen hơi đòi bế, hay việc tập cho con ngủ riêng, cả việc dùng thuốc chữa bệnh... Tất cả đều là quan niệm của mỗi người. Và suy nghĩ của cháu: mỗi đứa trẻ cần có cách chăm sóc riêng, cũng có phần có lý.

Khi mọi việc khó phân định và cần phân định tùy theo sự vụ như thế, thì cần bình tĩnh lắng nghe nhau, khéo léo giải thích ý kiến của mình theo cách dễ nghe nhất. Không phải chê bai người kia, mà chỉ nói rõ điều mình mong muốn.

Trong việc này, cháu cần tranh thủ ý kiến của chồng. Anh ấy là người đứng giữa, có thể đóng góp, giải thích tốt nhất cho cả hai bên.

Việc cháu muốn nhà chồng bớt qua lại, tham gia vào chuyện nuôi dạy con cũng là điều dễ hiểu. Cháu có thể nói với gia đình chồng lòng biết ơn và sự ngại ngùng của mình khi để cả nhà phải vất vả nhiều tháng nay. Có thể từ chối dần dần sự giúp đỡ của nhà chồng, thể hiện tình cảm của mình một cách chân thành, rằng cháu cũng muốn cả nhà bớt dần mệt mỏi vì phải lo cho mẹ con cháu.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Hạnh Dung thấy hoàn cảnh của cháu còn rất nhiều may mắn và hạnh phúc. Xung đột với gia đình chồng của cháu vẫn rất nhẹ nhàng so với nhiều người khác. Lấy đó làm niềm vui mà bỏ qua những khó chịu của mình, cháu nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI