Dù mới yêu hay khi có 2 con, chị Võ Biên Thuỳ (37 tuổi, sống ở Hà Nội) vẫn đam mê diện đồ đôi hoặc thời trang "dress code" (quy tắc trang phục) cho gia đình.
Sở thích cá nhân đã thành niềm vui, tạo sự gắn kết cho cả gia đình. Bộ sưu tập đồ quần áo giống nhau của gia đình chị Biên Thuỳ rực rỡ như… 7 sắc cầu vồng.
Chị kể: “Tôi thường đùa rằng ai đi du lịch với tôi cũng phải theo dress code. Thực ra việc mặc gì không quan trọng bằng không khí cùng nhau chuẩn bị, cùng nhau lên ý tưởng, rồi í ới: “Mai mặc màu gì em ơi/ con ơi?”. Những món đồ tôi mua đều rẻ tiền, không tốn kém như mọi người nghĩ. Như có cái quần short trắng của chồng tôi, anh mặc từ hồi chưa cưới đến giờ 15 năm rồi”.
Gia đình chị Biên Thùy luôn có những bức ảnh chụp chung đủ mọi màu sắc |
"Dress code" được ứng dụng nhiều nhất là khi gia đình chị Thuỳ đi du lịch. Các thành viên gia đình chị đều chung sở thích du lịch, khám phá cảnh đẹp quê hương đất nước. Theo quan điểm của chị Thuỳ, một chuyến du lịch chỉ trong 5 - 7 ngày thực sự không đáng nhớ cho lắm. Nhưng nếu cầu kỳ một chút thì bố mẹ anh chị em có chủ đề chung để bàn tán, chuẩn bị trước cả tháng: "Con ơi, mẹ đang đi mua cho bố cái áo này, màu có đúng không nhỉ?", "Cô ơi! Xanh này hay đậm hơn"?, “Năm nay màu gì cô ơi? Để em đi ngó nghiêng săn sale luôn”... Nhờ vậy, sau mỗi chuyến đi, gia đình có nhiều bức ảnh đẹp để xem, nhiều kỷ niệm để nhớ.
Thay vì mua set đồ gia đình có sẵn tại các shop, chị Thùy thường "tự làm khó" bằng cách lên ý tưởng phối đồ và chị thường phải trăn trở rất nhiều. Sau khi xong phần ý tưởng, chị đi tìm đồ khắp các cửa hàng, từ trực tiếp đến qua mạng. Có những sản phẩm trên ảnh đúng tông màu chị cần, nhưng khi nhận về thì lệch hoàn toàn. Vượt qua rất nhiều khó khăn, chị Thùy đúc rút được cho mình nhiều kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị đồ cho gia đình.
|
Gia đình chị Thùy không mua đồ có sẵn mà thường tự phối |
“Hãy chủ động soạn đồ trước ngày đi càng sớm càng tốt. Tôi thường chuẩn bị trước ngày đi khoảng 2 tuần, để nếu bị thiếu thứ gì thì có thời gian mua bù cho kịp. Vì gia đình ham đi chơi và đam mê "dress code", nên kể cả trong chuyện mua sắm quần áo hàng ngày, tôi cũng sẽ luôn lựa mua những tông màu mà chồng hoặc con đang có rồi để khi cần phối với nhau được ngay. Ngoài áo quần, thi thoảng tôi phối phụ kiện như túi, mũ, giầy dép... để tăng sự sinh động. Phục trang theo "dress code" không hề tốn kém nếu chọn được những món đồ ứng dụng được cao. Ví dụ chiếc quần short đen và trắng là 2 màu “bất tử”, 90% các set đồ là đều cần đến, có thể mặc qua nhiều mùa chứ không phải mua mới”, chị Thùy hào hứng chia sẻ chiêu phối đồ.
Đặc biệt, trong những chuyến đi dài ngày, khi "kho" ý tưởng đã cạn, chị Thùy luôn ứng dụng bí quyết "mỗi người một màu", vừa nhanh vừa dễ. Chị cũng nghiên cứu trước nơi sẽ đến để lên đồ cho hợp lý. Ví dụ nếu đi Phú Yên, kế hoạch ở khách sạn có hoa giấy rực rỡ, chị Thùy chọn set đồ màu hồng hoa giấy. Hay nếu đi ngọn hải đăng, chị tìm hiểu trước thì thấy mặc sắc ngọn hải đăng là đỏ - trắng, gia đình chị đã lên đồ đúng tông màu. Hoặc khi gia đình đi vào rừng, chị sẽ chú ý tránh mặc màu xanh lá, vì dễ khiến mình chìm nghỉm trong không gian cỏ cây và vào ảnh sẽ không đẹp.
Phía sau những bộ ảnh chị Thùy “đạo diễn” là một anh chồng luôn chiều mọi ý tưởng của vợ. Vợ chồng chị quen nhau và yêu nhau từ năm thứ nhất đại học, là bạn trước khi là người yêu, nên rất đồng điệu.
“Chúng tôi vẫn nói vui là “tình phí” không có nến, chẳng có hoa hồng hay quà sang xịn mịn gì mà chỉ “đi qua đường dạ dày. Chúng tôi ăn miết, hẹn hò hay những ngày kỷ niệm là chúng tôi "xách nhau" đi ăn... sập Hà Nội. Vì bằng tuổi nên vợ chồng dễ chia sẻ trên tinh thần công bằng; cùng quan điểm, cùng sở thích nên phần lớn mọi việc chúng tôi dễ dàng vượt qua. Tôi thuộc típ người lãng mạn, sến súa, còn anh thì cũng típ người gia đình, vì vậy tôi không quá khó khăn trong việc đưa ra yêu cầu, bởi anh luôn đáp ứng”.
|
Hai vợ chồng chị Thùy thường xuyên dành thời gian lãng mạn cho nhau |
Đương nhiên, trong cuộc sống vợ chồng khó tránh những mâu thuẫn. Nhưng chị Thuỳ chia sẻ, vợ chồng chị chọn cách nói chuyện với nhau để tháo gỡ. Có những quan điểm và thói quen xấu của bạn đời, nếu mình không thể thay đổi được thì sẽ học cách vui vẻ chấp nhận.
“Chồng tôi nghiện đá bóng. Ngày xưa yêu nhau, 10/10 lần chúng tôi giận nhau là vì bóng đá. Thử nghĩ xem, vào ngày sinh nhật hoặc ngày kỷ niệm của 2 đứa, mặc dù đã hẹn nhau rồi, nhưng nếu có bạn rủ đi đá bóng, anh sẵn sàng cho tôi ngồi đợi 2 - 3 tiếng đồng hồ rồi đến chỗ tôi trong bộ dáng lem nhem sau trận đấu. Cho đến bây giờ cũng vậy.... Rất nhiều ngày quan trọng, anh vẫn ra sân với bạn rồi về kỷ niệm sau. Vì không thể "kiểm soát" đam mê đấy của anh nên thôi, tôi đành học cách chấp nhận. Nếu ngày kỷ niệm rơi vào đúng ngày anh đi đá bóng thì tôi sẽ tổ chức lệch ngày, ai cũng thoải mái và có niềm vui trọn vẹn hơn”, chị Thuỳ bộc bạch.
Chị Biên Thuỳ chia sẻ, cứ nhẹ nhàng, không đặt áp lực cho nhau, ưu tiên trải nghiệm vui của cả gia đình vậy thì cuộc sống sẽ rất dễ thở. Chồng chị vẫn trêu chị: "Lấy em đến giờ, áp lực lớn nhất với anh là "chụp ảnh”. Để có được những bức ảnh đẹp lung linh, dừng ở đâu chụp ở đấy, gia đình chị Thùy luôn mang theo chiếc chân máy ảnh. Cả gia đình xác định tâm thế luôn đi chơi, diện đồ với tinh thần vui vẻ, tích cực để có những tấm ảnh rạng rỡ và hạnh phúc nhất.
Hãy cùng ngắm những bộ ảnh rực rỡ màu sắc của gia đình chị Biên Thùy:
|
Anh chồng luôn chiều theo mọi ý tưởng thời trang từ vợ |
|
Những bộ ảnh gia đình được chụp từ khi em bé còn bé xíu đến bây giờ |
|
Gia đình yêu thích du lịch khám phá cảnh sắc Việt Nam |
|
Những khi đi du lịch dài ngày và bí ý tưởng, chị Thùy sẽ chọn cách: Mỗi người một màu |
|
Gia đình nhỏ xác định vừa làm việc phấn đấu vừa tận hưởng cuộc sống |
|
Đi đến đâu, chị Thùy cũng tìm hiểu trước về điểm đến để lên ý tưởng trang phục cho phù hợp |
|
Điều quan trọng nhất là chuẩn bị một tâm thế vui vẻ nhất, tích cực nhất khi diện đồ, chụp hình cùng nhau |
Linh Nguyễn