Cách đây 23 năm, tôi từng là bệnh nhân của nữ bác sĩ trẻ mới ra trường Võ Thị Bạch Sương. Hồi ấy, phòng mạch của chị nhỏ xíu, nằm trên con đường Trần Văn Đang cũng nhỏ xíu. Những buổi chiều ngồi chờ khám bệnh, tôi lặng lẽ quan sát đôi vợ chồng trẻ: chị khám bệnh, anh phát số, sắp xe cho khách.
Họ gọi nhau, trao đổi rất ngọt ngào, dịu dàng, dù công việc của cả hai chẳng mấy nhẹ nhàng. 23 năm sau, ghé lại phòng mạch của bác sĩ để phỏng vấn chị cho một bài viết, mới biết chị không còn ở con đường cũ nữa. Phòng mạch của chị chuyển về đường lớn, trong một biệt thự 400m2. Và vẫn là hình ảnh chị khám bệnh, anh phát số. Vẫn gọi nhau dịu dàng, ngọt ngào.
Yêu nhau chỉ bởi tính tình
Họ gặp nhau một cách rất tình cờ. Ngày ấy, chị Sương có cô em gái đang xin vào làm cho một công ty xuất khẩu thủy sản. Ngày phỏng vấn, em gái chị bị bệnh, không thể đến được, chị đành đi thay. Anh Phạm Văn Khánh khi ấy mới xuất ngũ từ hải quân ra, cũng tới đây để xin việc. Cùng ngồi chờ trước buổi phỏng vấn, họ trò chuyện với nhau. Chàng trai xứ Bắc thật thà hỏi cô gái Nam kỳ xinh xắn rằng cô có được ai giới thiệu không.
Khi nghe cô nói rằng không, chàng trai thật thà mách nước: “Thế thì khó đậu lắm, phải nhờ ai đó quen biết giới thiệu”… Phỏng vấn xong, ra về, thấy chị lơ ngơ, không biết đi đường nào về nhà, anh lại chỉ vẽ nhiệt tình cho chị đường đi ngắn nhất, an toàn nhất. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi, tình cờ nhưng khiến họ nhận ra điều gì đó tốt đẹp về nhau: ở anh là cái vẻ chất phác, hồn hậu của một người lính. Ở chị là sự thông minh, dễ thương và cách nói chuyện nhẹ nhàng. Thế là họ quen và yêu nhau.
|
Hồi ấy, gia đình chị Sương phản đối tình yêu của chị. Cũng chỉ là chút định kiến vùng miền. Ba chị Sương, những người thân của chị băn khoăn: “Con trai Bắc khéo miệng dữ lắm. Liệu con có yêu lầm người không?”. Chị hỏi lại ba: “Ba xem, từ hồi con còn là sinh viên, yêu người nào, chỉ cần đến nhà mình, thấy gia cảnh mình nghèo khó là họ đều bỏ đi. Anh Khánh tới nhà mình, ngay lần đầu tiên đã thấy em con bổ củi trước sân, nhưng anh ấy có bỏ đi không ba?”. Sau này, quen anh nhiều hơn, mọi người trong gia đình mới nhận ra anh chẳng hề khéo miệng, thậm chí còn quá thật thà, thật đến mức có khi khiến nhiều người phải giận nếu không hiểu, không biết anh.
Hồi yêu nhau, có lần anh tới chỗ hẹn trễ hơn hai tiếng đồng hồ. Chị Sương giận, nhưng vẫn kiên nhẫn nhỏ nhẹ chờ đợi và nghe anh giải thích. Hóa ra là anh đi đường, thấy kẻ cướp giật giỏ của người ta, anh và em trai đuổi theo, bắt cướp, rồi lại tới công an làm thủ tục khai báo nên mới chậm. Về sống với nhau, nhà hàng xóm cháy, anh dặn chị: “Em gom đồ, lo cho con, anh đi hộ đám cháy”. Thế là anh vội chạy đi giúp nhà người ta. Chị Sương cười bảo: “Sau này ba mình nói người có tính cách như anh rất hiếm hoi trong cuộc sống này. Nên ông thương anh dữ lắm”.
Đến với nhau từ hai cực của cá tính, người này thu hút người kia bởi điều mình không có, họ bắt đầu từ hai bàn tay trắng, anh - một bộ đội xuất ngũ, chị - cô sinh viên mới ra trường, họ đã cùng nhau đi qua những thất bại, những khó khăn, an ủi động viên nhau, nâng đỡ nhau để có được một cơ nghiệp vững vàng, một danh tiếng trong công việc, nhưng quan trọng hơn cả là một gia đình êm ấm, bình dị, hạnh phúc.
Đồng cam cộng khổ
Bây giờ đây, 23 năm sau ngày quen và yêu nhau, khi tên tuổi nữ bác sĩ Võ Thị Bạch Sương đã nổi như cồn trong chuyên ngành da liễu, thỉnh thoảng anh Khánh vẫn đùa trêu, nhắc chị: “Em phải nhớ là anh yêu em, lấy em khi em còn nghèo lắm nhé”. Thế nhưng lời nhắc đùa của chồng với chị là chẳng bao giờ cần thiết.
Chị là người nhớ và biết ơn anh hơn tất cả khi kể với mọi người: “Anh ấy đã phải hy sinh nhiều lắm cho vợ con, gia đình. Hồi đó, khi đến với mình, anh ấy đã có chiếc xe cúp, mình chỉ xe đạp cọc cạch. Anh là người mua cho chị cái xe máy đầu tiên. Căn nhà nhỏ ở Trần Văn Đang, nơi phòng mạch mở ra đầu tiên cũng là tiền bạc, công sức của anh, và từ đó mới có được ngày hôm nay”.
Xuất ngũ, anh xin được vào một chân lái tàu viễn dương. Với nhiều người, nhắc đến công việc ấy, thời gian và tiền bạc từ những chuyến đi ấy có thể là sự hãnh diện, tự hào. Còn chị Sương khi nhắc lại, hai mắt chị ngấn nước, ngấn tình thương của người vợ với những chèo chống của chồng. Anh vốn là người hiền lành, chân chất, có biết gì mấy chuyện buôn bán, làm ăn. Vì gia đình mà anh phải cố gắng. Có khi anh cầm cố cả nhà cửa để mua chút đồ đạc về kiếm tiền lời nhưng mất trắng vì không có kinh nghiệm, vì quá hiền, quá nhịn.
Trước những đau đớn vì bị lừa gạt, phản bội, chính chị là người đưa ra lời khuyên hết sức cứng rắn cho anh: Hoặc xin nghỉ, quay trở lại đời lính, có nhiêu, sống nhiêu, hoặc anh phải đối mặt, thể hiện bản lĩnh của mình trước những kẻ xấu xa, tham lam. Với sự động viên của chị, anh đã trụ lại được với công việc một thời gian, giúp gia đình có số vốn liếng đầu tiên.
Biết đủ là đủ, hiểu bản chất hiền lương của chồng mình, sau sáu năm anh đi tàu viễn dương, anh chị đã bàn bạc nhau và quyết định... lên bờ. Khi anh về làm ở văn phòng, cũng là lúc phòng mạch của chị bắt đầu có tên tuổi. Hàng ngày đi làm về, quăng cái xe là anh nhào ra giúp vợ: sắp xếp xe cho khách, phát số thứ tự cho bệnh nhân.
Tính anh cần cù, chịu thương chịu khó lại rất chu đáo nên bệnh nhân đến khám bác sĩ Sương hiếm người quên được anh. Biết vợ vất vả ở bệnh viện, rồi phòng khám, việc nhà có gì làm được anh đều dành hết, từ giặt giũ, ủi đồ, dọn dẹp. Những khi con còn nhỏ, chị khám bệnh xong, anh để chị ngủ yên, mình anh thức khuya trông con, pha sữa cho con. Chị đi về chỉ làm phòng mạch, việc nhà làm được gì thì làm, vào các ngày nghỉ, anh chẳng bao giờ cằn nhằn, đòi hỏi gì ở vợ.
Suốt hàng chục năm qua, bữa cơm chiều của hai vợ chồng thường diễn ra lúc 11 giờ đêm, khi đã khám xong những bệnh nhân đến từ các tỉnh xa, để họ kịp ra xe về nhà. Dù sức đàn ông có đói, có mệt bao nhiêu, anh cũng chờ chị cùng ăn. Những giọt nước mắt chia sẻ với nhau ngày anh còn đi làm xa, những bữa cơm tối muộn bên nhau ấy của họ chính là tình yêu thương họ dành cho nhau với trọn vẹn cái tình nghĩa đồng cam cộng khổ của vợ chồng.
Trên con thuyền hạnh phúc
Sẽ chẳng ai không ngạc nhiên khi biết vợ chồng bác sĩ Bạch Sương sống trong căn biệt thự lớn, làm việc tất bật từ sáng tới khuya, nhưng anh chị không bao giờ thuê người giúp việc. Nhìn chị, nhìn anh, người ta vẫn cảm nhận họ có cuộc sống bình yên, nhẹ nhàng. Anh vẫn có thời gian cho thú vui chăm mấy con chó cưng của mình, chị vẫn có thời gian đọc sách, nghe nhạc và cùng nhau chăm sóc những chậu kiểng, vườn rau nhỏ.
Có được điều đó, chắc chắn phải nhờ sự thu xếp hợp lý giữa hai vợ chồng và hai cậu con trai lớn. Nhà cửa mỗi người phải lãnh phần dọn dẹp nơi mình sinh hoạt và xung quanh đó. Phòng khách, sân vườn hay phòng khám bố mẹ chia nhau. Cơm nước bố mẹ chuẩn bị, con cái chia nhau dọn rửa. Những ngày nghỉ khám trong tuần, chị Sương nấu vài món ăn cho hai ba ngày, chia phần cất tủ lạnh. Nền nếp sinh hoạt trong gia đình từ hàng chục năm nay bao giờ cũng được tuân thủ rõ ràng và hết sức bình yên.
Ảnh hưởng nếp sống giản dị của ba mẹ, hai cậu con trai của anh chị rất hiền và ngoan. Từ nhỏ, các cậu bé đã lấy anh Nguyễn Thái Bình làm tấm gương: học làm sao cho giỏi để kiếm được học bổng, còn không thì cứ học trong nước. Suốt thời phổ thông, hai cậu bé đạp xe đi học, lên đại học thì đi xe bus. Chỉ đến khi chuẩn bị đi thực tập xa, ba mẹ mới mua xe máy cho các con. Một năm chị mua cho mỗi đứa một đôi dép, chẳng đứa nào đua đòi, so sánh gì với bạn bè. Niềm vui lớn nhất của gia đình họ là những bữa cơm bên nhau, vào những ngày phòng mạch nghỉ làm việc hay những chuyến du lịch cùng nhau.
Song Văn