Gia đình bà Đỗ Thị Nhàn nộp khắc phục nhiều hơn 5,2 triệu USD nhận hối lộ

14/03/2024 - 12:24

PNO - Sáng 14/3, các luật sư tập trung xét hỏi các bị cáo là nhóm cựu cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các Ban kiểm soát Ngân hàng SCB.

Tại toà, luật sư Nguyễn Thị Hải Hương, người bào chữa cho bà Đỗ Thị Nhàn - Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - NHNN - cho rằng NHNN đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu SCB siết chặt tín dụng, dừng giải ngân các khoản vay cho dự án của bà Trương Mỹ Lan, đề nghị Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng cập nhật thông tin, đánh giá thực trạng tài chính và hoạt động của SCB nhưng SCB cố tình không thực hiện.

Bà Lan đã họp với lãnh đạo SCB yêu cầu thành lập 3 trung tâm gồm Kinh doanh khách hàng Wholesale; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối doanh nghiệp (có đơn vị trực tiếp là Hub kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp); Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân (có đơn vị trực tiếp là Hub cho vay bất động sản HCM 2) để trực tiếp phục vụ giải ngân các khoản vay của bà Lan.

Khi xét hỏi, trước câu hỏi việc quyết định thành lập này có đưa vào các cuộc họp cổ đông hay không, các bị cáo tại SCB đều nói không nhớ và không trả lời nội dung này.

Luật sư Nguyễn Thị Hải Hương hỏi bà Nhàn, bà có ý kiến gì khi SCB cố tình không thực hiện các yêu cầu của NHNN về siết chặt tín dụng, dừng giải ngân các khoản vay cho dự án của bà Trương Mỹ Lan. Bà Nhàn nói: “Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến SCB rơi vào tình trạng ngày hôm nay, không phải do các kết luận thanh tra”.

Luật sư Nguyễn Thị Hải Hương hỏi thêm, nhận 5,2 triệu USD của ông Võ Tấn Hoàng Văn - nguyên Tổng giám đốc SCB - nhưng không sử dụng, bà có giải thích thêm gì về nội dung này với HĐXX. Bà Nhàn khai, bà rất xấu hổ vì một phút nông nổi. Sau mỗi lần nhận tiền, bà thấy mình có tội nên không dám sử dụng, nhiều lần gọi ông Văn để trả lại nhưng không được. Khi mẹ mất, do phải đưa về quê an táng, lo sợ tiền để trong nhà không an toàn nên bà đã đem gửi người thân, trong đó có khoản tiền bán 3 căn nhà do mẹ bà để lại để lo cho con cháu sau này.

“Bà có biết số tiền mà bà đã cất giữ có con số khác với số tiền mà người thân đã nộp lại cho cơ quan cảnh sát điều tra hay không” - luật sư Hương hỏi. Bà Nhàn nói không biết.

Bà Nhàn nói rằng SCB đã có tình không thực hiện theo các chỉ đạo của NHNN thì SCB rơi vào ngày hôm nay không
Bà Nhàn tại phiên xét xử

Sau đó luật sư Hương liệt kê những tài sản mà gia đình bà Nhàn đã nộp, con số vượt xa số tiền mà bà đã nhận từ ông Văn.

Người thân bà đã nộp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1 dự án. Một người bà con của bà Nhàn tự nguyện giao nộp thùng sắt đựng tiền bà Nhàn gửi, số tiền là 3 triệu USD. Còn số tiền 2,6 triệu USD mà bà Nhàn đem gửi ở TP Nam Định, người nhận giữ đã mượn 1,4 triệu USD đi mua 1 mảnh đất rộng hơn 300m2 tại TP Nam Định và mở 10 sổ tiết kiệm. Khi bà Nhàn bị bắt, họ đã nộp 1,2 triệu USD, 10 sổ tiết kiệm và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng 600.000 USD để khắc phục hậu quả cho bà Nhàn.

“Như vậy tổng cộng người nhà bà Nhàn đã nộp khắc phục hậu quả 4,8 triệu USD. Phần còn lại gồm 10 sổ tiết kiệm, 1 miếng đất, 1 dự án do bà Nhàn đứng tên thì bà định giải quyết ra sao?” - luật sư Hương hỏi. Bà Nhàn nói sẽ nộp 10 sổ tiết kiệm để khắc phục tiếp số tiền còn lại. "Tôi muốn xin lại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm án phí thi hành án, mong HĐXX xem xét” - bà Đỗ Thị Nhàn trình bày.

Theo cáo trạng, bà Đỗ Thị Nhàn là trưởng đoàn thanh tra, người chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra. Còn ông Nguyễn Văn Hưng là người ra quyết định thanh tra, chịu trách nhiệm chỉ đạo giám sát nội dung hoạt động của đoàn thanh tra tại SCB. Bà Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD từ Ngân hàng SCB (thông qua ông Võ Tấn Hoàng Văn) để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB; bao che, bưng bít sai phạm của SCB. Hành vi của bà Đỗ Thị Nhàn đã phạm vào tội “Nhận hối lộ”.

Tuyết Hoa Bích

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI