Nỗi đau “người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh”
Ba giờ sáng ngày 15/5, chiếc xe tang đưa thi thể anh Thôi về tới quê Chánh Thiện, thôn Chánh Khoanh Tây, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ (Bình Định). Người nhà của anh đã ở đây, đã đợi anh về nhìn mặt anh lần cuối.
“Mất đi người thân là như mất đi một phần cơ thể, anh em tôi ai cũng đau xót trước sự ra đi của anh Thôi. Lúc này đây, nỗi đau buộc phải giấu vào trong, chúng tôi phải lo cho anh được an nghỉ để an ủi vong linh anh ở trên trời”, một người em của anh Thôi nói.
Nhận được tin con tử vong khi đuổi bắt cướp, ba mẹ anh Thôi ở quê không khỏi nghẹn ngào. “Đêm khuya ngày 13/5, tôi nhận tin thằng Thôi nó đuổi bắt cướp bị người tâm đâm chết. Nghe xong, vợ chồng tôi rụng rời chân tay. Bà ấy (mẹ anh Thôi) khóc lên khóc xuống mấy lượt. Tôi xót lắm, là trụ cột trong nhà nên phải gượng dậy chứ không thể gục ngã lúc này”, ông Nguyễn Bỉ (68 tuổi), bố anh Thôi nói.
|
Giấy khen của Quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) khen tặng hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi vì những đóng góp của anh và đồng đội trong nhóm hiệp sĩ |
Chia sẻ của ông Bỉ, gia đình ông đông con, từ nhỏ anh Thôi thiệt thòi, nghỉ học sớm vào miền Nam kiếm sống, phụ cha mẹ đỡ đần trong nhà. Tuổi 15, anh Thôi đã vào Sài Gòn, 27 năm mưu sinh xứ người, số lần anh về quê thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Lần nó về nhà gần nhất là cách đây 3 năm, khi đó nó còn đem bằng khen của Q.Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) khen thưởng hành động làm việc tốt của nó. Tôi với má nó không nói ra nhưng tự hào lắm, tự hào vì con làm việc tốt. Nhưng công việc này hiểm nguy, nhiều lần chúng tôi khuyên nó bỏ đi, nó cũng chỉ im lặng. Không ngờ nó…”, ông Bỉ cũng nghẹn ngào.
Ngồi sát bên chồng, bà Ô thẫn thờ. Sau 2 đêm dài thức trắng, nỗi đau hằn sâu vào đôi mắt của người mẹ già mất con. Bà lại khóc khi nhớ về con trai: “Lâu lắm rồi nó chưa về nhà, nó chạy xe ôm, kinh tế chẳng có nên mấy năm nay nó ở lại Sài Gòn luôn. Mẹ con chỉ kịp hỏi thăm tình hình sức khỏe qua những cuộc điện thoại cuối ngày mà thôi.
Nó làm không có nhiều nhưng đều đặn gởi tiền cho vợ nó chăm con, gởi tiền cho ông bà ở quê. Tính nó tội lắm, hồi giờ nó sống thiệt thà. Hoàn cảnh khó khăn phải mưu sinh xứ người, nương nhờ xứ người rồi cũng trả nợ lại xứ người bằng cả mạng sống của mình. Tôi mừng vì con tôi sống tốt nhưng đau đón khi người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh thế này”, bà Ô nói trong nước mắt.
|
Mẹ của hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi đau lòng trong hoàn cảnh "người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh" |
Trên chuyến xe đưa chồng cũ về quê, nặng lòng nhất vẫn là người vợ Nguyễn Thanh Dung và cậu con trai năm nay gần 10 tuổi. Về lại quê chồng sau nhiều năm, chị Dung không nghĩ lần về này là lần đưa tiễn cha của con chị về nơi xa. Chị tâm sự, vợ chồng anh chị ly hôn vài năm, chị nhận nuôi con trai vẫn dành cho nhau sự tôn trọng, quý mến và cùng nhau chăm sóc, nuôi dạy con.
“Hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi chọn lối đi riêng để cuộc sống bớt nhọc nhằn. Anh Thôi bản tính hiền lành, chịu khó làm ăn, sống có tình có nghĩa với mọi người. Dù chia tay, hàng tháng anh vẫn gởi tiền cho tôi nuôi con. Nghe tin ảnh gặp nạn, tôi và con trai hốt hoảng lắm.
Khi thấy ảnh nằm im ở đó, mẹ con tôi chỉ biết khóc mà thôi. Lúc đầu tôi tính giấu con, nhưng nó biết chứ, hàng ngày ba nó đưa đón nó đi học. Nay mai chẳng còn ai đưa đón nó, làm sao giấu cho được”, chị Dung nói.
|
Vợ và con trai của hiệp sĩ Thôi nghẹn ngào khi hay tin anh Thôi qua đời |
Xóm nhỏ ngậm ngùi tiễn người con xấu số
Sáng sớm ngày 15/5, ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Thôi chật kín người đến viếng, chia buồn cũng gia đình và đưa tiễn anh đoạn đường cuối cùng.
“Năm đứa con trai ông Bỉ, bà Ô đứa nó cũng hiền lành, tốt tính, thằng Thôi cũng vậy. Nó xa quê từ nhỏ, mỗi lần về quê nó đều dành thời gian ghé thăm họ hàng, xóm giềng. Tính nó lành, chất phác, trước chỉ biết nó chạy xe ôm thôi chứ không biết nó tham gia nhóm hiệp sĩ bắt cướp.
Hôm qua nghe tin nó mất trong lúc đuổi cướp, cả xóm nhỏ này xôn xao, vừa thương nó, vừa cảm phục sự dũng cảm của nó”, bà Hà - hàng xóm của cha mẹ anh anh Khôi buồn nói.
|
Hàng xóm đến đưa tiễn người hiệp sĩ xả thân bắt cướp |
Theo ông Hà Văn Hài, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi, từ khi hay tin hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi tử vong trong lúc truy bắt cướp, địa phương đã cử cán bộ xuống gia đình chia buồn, động viên người thân của anh Thôi. Rất đông đảo người dân trong xã, các địa phương lân cận tìm đến gia đình anh Thôi để chia sẻ nỗi đau.
|
Thi thể anh Thôi được đưa về quê nhà để chuẩn bị lo hậu sự |
Anh Nguyễn Văn Đi, em trai anh Thôi cho biết, từ lúc gia đình vào Trung tâm pháp y TP. Hồ Chí Minh đưa thi thể anh Thôi về quê, nhiều tấm lòng hảo tâm, nhiều mạnh thường quân đến gởi lời động viên, chia sẻ khó khăn với gia đình anh.
“Anh Thôi mất đi là nỗi đau lớn của gia đình tôi. Song, việc anh Thôi là là việc thiện, việc đúng đắn nên chúng tôi cố gắng tiếp tục cuộc sống tốt. Bây giờ gia đình tôi chưa biết phải làm sao, trước mắt là lo liệu hậu sự chu toàn”, anh Đi nói.
Ngày 16/5, hai thành viên của nhóm hiệp sĩ TP.HCM cùng với người thân đưa thi thể anh Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi) – hiệp sĩ tử vong trong truy đuổi nhóm cướp xe SH tối ngày 13/5 tại TP. Hồ Chí Minh về quê Bình Định.
Anh Nguyễn Công Tường (28 tuổi), một trong hai thành viên của nhóm hiệp sĩ có mặt tại nhà của anh Thôi, gửi lời chia sẻ với gia đình anh và trao một số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng từ các mạnh thường quân, các tấm lòng hảo tâm cho gia đình anh Thôi.
Theo chia sẻ của anh Tường, anh Thôi tham gia nhóm hiệp sĩ Tân Bình khoảng gần 4 năm. Là một người lành, hòa đồng với mọi người, lại có tâm làm việc tốt nên anh Thôi được mọi người quý mến, sự ra đi của các đồng đội trong nhóm là nỗi đau rất lớn với các thành viên. Bao nhiêu năm mưu sinh xứ người, mỗi người một việc cùng chung chí hướng làm việc tốt nên quyết định tham gia nhóm hiệp sĩ đường phố.
“Mỗi người một việc, ban ngày chúng tôi làm công việc kiếm sống, tối đến tham gia nhóm hiệp sĩ nhằm bảo vệ sự bình yên, bảo vệ mọi người. Đúng là công việc này không phải của chúng tôi, nhưng phàm là người có tâm thấy việc bất bình sẽ không bỏ qua.
Những lúc đi đường, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ có con nhỏ, đang mang bầu bị cướp giật, té ngã, những người lớn đi xe bị xô đẩy, bị chấn thương… lúc đó, chứng kiến những chuyện đau lòng như vậy chúng tôi không ngồi yên được. Khi đi làm, chúng tôi “tay không bắt cướp”, thực vì cái tâm của mình. Thế nên, mất mát hôm nay là nỗi đau, là bài học cho chính nhóm hiệp sĩ chúng tôi”, anh Tường nói.
|
Anh Nguyễn Công Tường (phải) chia sẻ về sự ra đi của thành viên trong nhóm |
Theo anh Tường, 12 thành viên trong nhóm bây giờ đã mất 3 người, 2 người bị thương nặng, những người khác thay nhau về quê các đồng đội cùng gia đình lo hậu sự.
“Qua đợt này, anh em chúng tôi họp bàn lại, sẽ tìm cách để bảo vệ bản thân khi tham gia truy đuổi tội phạm. Chúng tôi là những công dân, mong muốn được nhận sự hỗ trợ của chính quyền địa phương với công việc mà mình đang làm”, anh Tường nói thêm.
Chia sẻ về một số ý kiến cho rằng các hiệp sĩ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, anh Tường nói: “Chúng tôi là con người bình thường, chỉ là giữa đường thấy việc bất bình không thể bỏ qua mà thôi. Ở đây, chúng tôi tự nguyện làm việc này để bảo vệ bình yên cho những người xung quanh, không phải hão danh hay mộng danh tiếng, vụ lợi gì ở trong chuyện này”, anh nói.
Sau khi đưa tiễn đồng đội về quê, các thành viên trong nhóm hiệp sĩ Tân Bình lên đường về lại TP.HCM. Họ cho biết, dù đau đớn, dù phải trải qua cay đắng, mất mát nhưng họ vẫn tiếp tục với con đường mà họ đã lựa chọn, đã cống hiến.
|
Thu Dịu