Tự lo cho con từ A-Z
Vì thích có con nên chỉ sau 1 năm về chung nhà, tôi và chồng đã chào đón thiên thần nhỏ đầu tiên. Lúc ấy, tôi cũng chưa lên kế hoạch sẽ sinh bao nhiêu bé, chỉ nghĩ sinh 1 bé trước đã, vì mình cũng đã 29 tuổi. Nhưng rồi “vỡ kế hoạch”, tôi mang bầu bé thứ hai khi con trai vừa tròn 5 tháng tuổi. 4 năm sau, tôi lại “lỡ” mang bầu bé thứ ba.
|
Vợ chồng anh Nghĩa, chị Dung và 3 con trong một chuyến du lịch - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhưng “trong cái lỡ, có cái vui”, vợ chồng tôi đón nhận việc có thêm thành viên một cách rất bình thường chứ không hề áp lực. Tôi nhớ, khi có kết quả mang thai bé thứ hai, vợ chồng tôi đã ngồi lại nói chuyện với nhau và đưa ra quyết định tôi sẽ nghỉ hẳn công việc để chăm sóc, gần gũi các con; còn chồng sẽ cáng đáng kinh tế gia đình.
Với tôi, tài chính chỉ là điều quan trọng thứ ba. Cái quan trọng nhất là tâm lý và sau đó là sức khỏe. Mình có 10 đồng thì lo cho con theo kiểu 10 đồng, có 7 đồng thì lo cho con theo kiểu 7 đồng, chứ chờ đến khi đủ tài chính mới sinh con thì biết bao giờ mới đủ.
Hiện tại, bé lớn nhất của tôi đã 10 tuổi, bé giữa 9 tuổi và bé nhỏ nhất 5 tuổi. Suốt 10 năm nay, vợ chồng tôi tự tay lo cho con “từ A đến Z”, không thuê vú nuôi, cũng không nhờ sự trợ giúp của ông bà, dù ông bà đều sinh sống tại TPHCM. Những khi chồng đi công tác, tôi mới nhờ ông bà qua ngủ cùng 1, 2 hôm.
Tôi nghĩ, lý do quan trọng khiến tôi không “ngán đẻ” là vì lúc nào cũng có sự đồng hành của chồng. Từ lúc mang thai, sinh nở, đến nuôi dạy con, mọi giai đoạn đều có anh bên cạnh. Nhớ những lúc tôi sinh, anh đều thu xếp hẳn vài tháng không đi công tác để ở nhà phụ chăm con, nấu ăn cho vợ.
Bí quyết của tôi là “nương” theo con mà chăm sóc nên không bao giờ cảm thấy áp lực. Đặc biệt là đối với bé thứ hai, sau vài lần tập cho con ăn bột, cảm thấy con không chịu ăn thì tôi không tập nữa, mà chỉ cho con uống sữa mẹ. Song song đó, tôi tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để chọn thêm dòng sữa bột phù hợp nhằm bổ sung dưỡng chất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho con phát triển.
Đến khi các con lớn, mỗi lần đi du lịch, vợ chồng tôi cũng “nương” vào sở thích, nhu cầu của con. Chắc chắn sẽ có những lúc bất đồng sở thích giữa các bé. Khi ấy, tôi sẽ thỏa thuận với các con: hôm nay ưu tiên anh Hai, hôm sau đến chị Ba, hôm sau nữa đến bé Út. Thậm chí, có những lúc gia đình tôi phải dùng đến 2 xe để đi du lịch. Chồng tôi chở 2 bé lớn đi chơi ở núi, còn tôi chở bé nhỏ đi chơi biển.
Tôi luôn tâm niệm, mỗi chuyến du lịch không chỉ để con thư giãn mà còn là lúc để con tìm hiểu, học hỏi từ thực tế, từ chính những trải nghiệm của bản thân. Vì vậy, hễ đi là phải vui, phải cho các con thoải mái nhất có thể. Trong lúc nghỉ hè, có những đợt vợ chồng tôi dẫn con đi “lang bạt” khắp nơi, có khi nửa tháng, 3 tuần mới về.
“Chăm 3 đứa con cực lắm chứ vui sướng gì”. Đó là câu mọi người hay nói về tôi. Đúng là có cực, cực nhưng vui. Niềm vui của tôi đơn giản là thấy con lớn lên từng ngày trong vòng tay mình. Tôi nhớ như in cảm xúc vui sướng khi lần đầu thấy con biết lật, biết bò hay biết đi, biết nói. Hoặc sau mỗi lần con hết bệnh, con khỏe hơn, trưởng thành hơn, mình cũng rất vui.
Có lẽ vì vậy mà với tôi, việc sinh con không phải là hy sinh mà đó là thiên chức. Tôi không bao giờ “làm nư” với chồng hoặc kể lể việc “mang nặng đẻ đau” với con. Tôi cũng không có quan niệm sinh con để sau này con lo lại cho mình.
Tất nhiên khi mang thai, sinh con thì nhan sắc người phụ nữ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, thân hình cũng sồ sề hơn; nhưng nếu biết gìn giữ, chăm sóc thì không có gì đáng ngại. Tôi chọn chơi thể thao, chú ý chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt trong giai đoạn mang thai, tôi luôn áp dụng phương châm “ăn đúng nhu cầu, tuyệt đối không ăn cố” và tất nhiên, mình cũng phải biết “quản cái miệng” trước sự hấp dẫn của các loại đồ ngọt.
Việc ăn đồ ngọt quá nhiều không chỉ ảnh hưởng cho mẹ mà còn có thể gây tiểu đường thai kỳ, rất nguy hiểm. Nhờ vậy, chỉ 3-5 tháng sau sinh, tôi đã lấy lại được vóc dáng.
Dù bận rộn cỡ nào, phụ nữ cũng phải đẹp. Mình hoàn toàn có thể nhờ chồng chăm con giùm một khoảng thời gian để đi chăm sóc da, làm tóc… Và điều tôi thấy vô cùng quan trọng là người chồng phải sẵn sàng hỗ trợ để vợ có thời gian chăm sóc bản thân, bởi lẽ “muốn vợ đẹp, chồng phải tử tế”.
Tôi may mắn khi có một người chồng như vậy, thậm chí anh còn là người tìm kiếm và chọn spa làm đẹp cho tôi. Đến hiện tại, dù đã là mẹ 3 con, tôi vẫn rất tự tin với vẻ ngoài của mình.
Chị Trần Ái Dung
Hy sinh bớt thú vui để dành thời gian cho gia đình
Ngày xưa, tôi rất hay la cà với bạn bè, đồng nghiệp sau giờ làm. Cuộc vui có khi kéo dài đến gần sáng hôm sau. Nhưng khi có gia đình rồi, tôi hạn chế rượu, bia, chấp nhận gác lại những buổi gặp gỡ, tụ họp vào ban đêm để dành thời gian cho gia đình. Đến nỗi, bạn bè và ngay cả sếp tôi đều bảo: “Thôi, đừng gọi thằng Nghĩa giờ này. Gọi “cháy máy” nó cũng không ra đâu”. Còn những lúc bất đắc dĩ như tiếp đối tác thì cao lắm 20g30, 21g là tôi có mặt ở nhà. Có lẽ vì vậy mà từ khi lập gia đình đến nay, tôi được mọi người “ưu ái” đặt cho biệt danh là Nghĩa trà đá”.
|
3 đứa con khỏe mạnh, xinh xắn, ngoan ngoãn là tài sản vô giá của vợ chồng anh Nghĩa - chị Dung - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Không chỉ chấp nhận hy sinh các mối quan hệ bên ngoài, tôi còn phải chấp nhận những thay đổi nhỏ nhặt nhất. Khi chưa có con, vợ chồng muốn đi chơi là kéo nhau đi ngay. Nhưng khi có con rồi, đặc biệt trong giai đoạn ăn dặm, mỗi lần đi chơi là chiếc xe của tôi y như cái phòng di động. Tã là mang nguyên bịch, thuốc men lủ khủ, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn nước trên xe để lỡ con có đi vệ sinh là có sẵn để rửa, thay đồ cho con.
Lúc con nôn ói, khóc la, mình cũng phải chấp nhận. Có con rồi, không thể đòi hỏi lúc nào xe cũng thơm tho, yên tĩnh. Có lẽ vì vậy mà tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu khi trở thành ông bố 3 con. Trái lại, tôi còn thấy rất thoải mái khi được nuôi dạy và chơi cùng các con.
Mỗi buổi tối là thời gian tôi dành để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, tôi cũng muốn con chơi cùng để thắt chặt tình cảm gia đình. Thế là tôi phải linh động chọn bộ môn mà con có thể chơi được, thậm chí là theo “trend” để tạo hứng thú cho con. Hiện tại, chúng tôi đang chơi bộ môn pickleball và ngay cả vợ tôi cũng tham gia cùng.
Dù linh động và chấp nhận thay đổi theo con, tôi quan niệm không chiều con tuyệt đối. Sẽ có lúc các con đưa ra yêu cầu không hợp lý. Những lúc ấy, tôi sẽ giải thích, phân tích từ những dẫn chứng thực tế cho con hiểu chứ không áp đặt hay quát mắng.
Nhiều người đàn ông sẽ cảm thấy có con nhỏ rất phiền phức và cho rằng chuyện chăm con là chuyện của phụ nữ. Nhưng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm chia sẻ phần việc đó với vợ. Đó không phải gánh nặng mà thật sự là niềm vui, niềm hạnh phúc.
Anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa
Nhã Chân (ghi)