“Khổ như đi tù”
Bế cậu con trai vừa tròn hai tuổi trên tay, chị Đỗ Thị An Ninh sụt sùi: “Bố cháu đi từ hồi cháu 3 tháng tuổi, đến nay đã hai tuổi, cháu vẫn chưa một lần biết mặt bố”. Chị Ninh là vợ của thuyền viên Chu Trọng Cường, hiện đang chịu trách nhiệm phụ trách thuyền viên trên tàu Sea Eagle. Gia đình Cường có 9 người thuộc ba thế hệ đang phải sống trong khu đất có diện tích vẻn vẹn 30m2. Mẹ Cường năm nay ngoài 70 tuổi vẫn phải chật vật chống lại căn bệnh suy tim cấp do không có tiền mua thuốc chữa bệnh. Là hộ nghèo của xã Đông Sơn (Yên Thế, Bắc Giang) cả gia đình trông vào chuyến đi mang theo hy vọng đổi đời của Cường. Nhưng sau gần hai năm, không những không có tiền gửi về mà số phận của chàng thuyền viên vẫn đang lay lắt bên xứ người.
Không có gas, điện, các thuỷ thủ trên tàu Sea Eagle phải nấu ăn bằng bếp củi trên tàu. Nguồn ảnh: Laodong.com.vn.
Theo gia đình anh Cường, trong năm 2012, các thuyền viên thường xuyên phải sống trong cảnh bữa no bữa đói. Thời điểm hiện tại, tuy tiền ăn được cấp đều đặn hơn song cuộc sống của các thuyền viên vẫn rất chật vật, chịu đựng cái nóng như thiêu đốt do thiếu thốn điện nước.
Cùng hoàn cảnh với gia đình chị Ninh, bà Tào Thị Lý (Hoàng Hóa, Thanh Hóa) - mẹ của thuyền viên Tào Văn Huấn khóc hết nước mắt khi con trai phải sống trong cảnh “khổ như đi tù” (theo lời bà Lý). Bà Lý cho biết, Huấn ký hợp đồng với Vinashinlines từ tháng 6/2011, đến nay đã hết hợp đồng gần một năm nhưng vẫn trong tình cảnh “nhà không thể về, lương không có”. “Tối qua cháu vừa điện về, hai mẹ con chỉ biết khóc vì không biết bao giờ mới được gặp nhau”, bà Lý tâm sự.
Điệp khúc… đợi chờ
Ông Nguyễn Văn Thoa - Đại diện công ty cho biết, tàu Hoa Sen và Sea Eagle đã được Chính phủ đồng ý cho Vinashinlines bán để trả nợ. Sau khi bán, Công ty cam kết sẽ đưa thuyền viên về nước và chi trả toàn bộ lương đã nợ thuyền viên trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi hỏi phải đợi bao lâu nữa mới bán được tàu thì ông Thoa không thể trả lời chính xác: “Tưởng bán được ngay nhưng đùng cái, khi mình chào giá thì giá lại khác với bên trung gian. Việc này rất mất thời gian vì chúng tôi phải báo cáo, bàn bạc để đảm bảo tính minh bạch tài chính và đảm bảo không làm hao hụt ngân sách của Nhà nước”.
Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần thúc giục Vinashinlines hoàn thành việc bán tàu, đưa thuyền viên về nước. Hạn cuối được xác định là tháng 6/2013, nhưng đến nay, phía Vinashinlines vẫn chưa thể thực hiện. Lý giải điều này, ông Thoa nói: “Công ty đang bức xúc lắm chứ không phải không có động thái gì. Trong lúc vận tải biển khủng hoảng, một loạt tàu nằm không, chúng tôi cũng muốn bán lắm vì mặc dù lương nợ nhưng vẫn tính chi phí vào công ty”.
Trong khi đó, trước phản ánh của gia đình các thuyền viên về tình trạng khó khăn mà con em mình phải đối mặt, ông Bùi Trường Mạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Vinashinles lại khẳng định: “Về đời sống, tôi nghĩ chưa đến mức độ căng quá! Chính phủ đã chỉ đạo cho Đại sứ quán các nước nếu khó khăn thì xuống tận nơi tìm hiểu, giúp đỡ”. Ông Mạnh thừa nhận, trước tháng 12/2012, tình trạng thuyền viên bị đói là có, bởi Công ty gặp khó khăn chung về tài chính, toàn bộ cán bộ, nhân viên ở Hà Nội cũng bị cắt tiền ăn trưa và nợ lương. Hiện tại, tiền ăn cho thuyền viên, theo ông Mạnh vẫn được chi trả đều đặn ở mức 6$/người/ngày. Tuy nhiên, thay vì cấp khoảng 1,4 tấn dầu để duy trì mọi tiện nghi của tàu thì số dầu hiện tại mà hai con tàu này đang được cấp mỗi ngày chỉ còn vài chục lít. Với số dầu ít ỏi này, việc thuyền viên phản ánh với gia đình về tình trạng, hoàn cảnh sống khó khăn, nóng nực không phải là điều khó lý giải.
Với những lời giải thích “vòng vo” của Ban lãnh đạo Vinashinlines, ông Trần Văn Khiên, bố của thuyền viên Trần Văn Giang bức xúc khi không thể tiếp tục chờ đợi: “Con của chúng tôi đã hết hợp đồng lao động gần một năm nay, nếu cứ nói chờ bán tàu thì không biết đến bao giờ. Chúng tôi rất mong công ty cử người thay các cháu để các cháu về nước đoàn tụ với gia đình, đồng thời thanh toán toàn bộ tiền lương để có thể trang trải cho cuộc sống gia đình”.
Đáp lại những mong ước chính đáng này, phương án cuối cùng mà Vinashinelines đưa ra, đó là vẫn tiếp tục… “cùng chờ đợi”. Ông Mạnh cho biết, ngày 21/7 tới, Tổng Giám đốc của Vinashinlines sẽ trực tiếp làm việc với các thuyền viên của hai con tàu tại Trung Quốc. Không biết với chuyến đi này, số phận của các thuyền viên sẽ được quyết định ra sao? Hay như lời của lãnh đạo Công ty, các thuyền viên có thể trở về ngay trong tháng Tám nhưng toàn bộ số tiền lương đã nợ thì vẫn phải đợi tới khi bán được tàu.
HUYỀN ANH
Tàu Hoa Sen cùng doanh nghiệp chủ quản là Vinashinlines được chuyển giao từ Vinashin sang Vinalines. Đầu năm 2011, tàu Hoa Sen được đối tác nước ngoài thuê định hạn tàu trong 6 tháng. Sau đó, tàu bị giữ tại Hàn Quốc để làm tài sản đảm bảo giải quyết một vụ tranh chấp hàng hải khác của Vinalines. Tổng công ty này sau đó phải trả số tiền gần 4,3 triệu USD để chuộc tàu. Tuy nhiên, sau vụ kiện, đối tác thuê đã tự ý phá hợp đồng khiến tàu Hoa Sen cùng 9 thuyền viên phải ở lại Trung Quốc. Tương tự, tàu Eagle có 9 thành viên, nhận công tác từ ngày 23/8/2011 và chấm dứt hợp đồng ngày 30/6/2012. Theo ghi chép của thuyền viên, con tàu này đã phải neo đậu tại Chiết Giang, Trung Quốc từ năm 2008 và chưa được sửa chữa từ tháng 3/2011. Thành viên tàu Hoa Sen và Tàu Sea Eagle đã nhiều lần viết thư kêu cứu để được giải cứu khỏi cuộc sống lay lắt nơi đất khách quê người. |