Giá điện, thực phẩm... tăng đẩy CPI tháng 7/2023 tăng

29/07/2023 - 12:59

PNO - Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước.

 

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng tăng giá.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2023 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%).

Số liệu cũng cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, sang tháng 7 tiếp tục tăng ở mức thấp 2,06%.

Chỉ số giá vàng tháng 7/2023 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước. Giá USD tháng 7/2023 tăng 0,53% so với tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 và 7 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: Nguyễn Cẩm
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 và 7 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 29,68 tỉ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỉ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2023 ước đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 6,5% so với tháng trước và gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 67,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI