Giá điện tăng sốc: máy móc vô tội!

28/06/2020 - 17:41

PNO - Máy móc, công nghệ không có tội. Cái chính nằm ở những con người vô cảm trước "nguồn sáng" của nhân dân.

Tại Vân Đồn, Quảng Ninh, từ số tiền điện thực tế 368.000 đồng, một hộ dân đã nhận hóa đơn tăng gần 90 triệu đồng. Tại Hà Tĩnh, tiền điện tháng Năm là 70.000 đồng, qua tháng Sáu, vọt lên 13,5 triệu đồng. Tại Nghệ An, từ con số thực xài 501.000 đồng, nhảy một phát lên 16 triệu đồng. Hay một hộ dân ở Quảng Bình, bị tính nhầm gấp 33 lần, ở Hà Nội, tiền điện tháng Sáu của một hộ dân tăng 200% so với tháng trước...

Trong câu chuyện giá điện tăng đến “bốc hỏa” thời gian qua, máy móc, công nghệ không có lỗi (Ảnh minh họa)
Trong câu chuyện giá điện tăng đến “bốc hỏa” thời gian qua, máy móc, công nghệ không có lỗi (Ảnh minh họa)

Những con số cứ thi nhau nhảy múa trong cùng tháng Sáu, khi ai nấy chưa kịp “hoàn hồn” qua cơn sống sót bởi con COVID-19, khi thói quen tiêu dùng, sinh hoạt “bình thường mới” hầu như phải thắt buộc, gói ghém thì đùng một cái, bốc hỏa với hóa đơn điện!

Lý do đưa ra: với công tơ (điện kế) điện tử, việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa, nhưng trước một ngày cập nhật chỉ số điện, tại địa bàn (trường hợp ở Vân Đồn, Quảng Ninh) có mưa dông, tín hiệu không đảm bảo nên dẫn tới cập nhật chỉ số và lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác. Với công tơ cơ, nhân viên trực tiếp ghi chỉ số điện, chụp ảnh mặt công tơ, truyền về hệ thống. Hiện tượng tăng vọt giá điện xảy ra vừa qua là do “sai sót cá nhân, không liên quan đến công tơ đo đếm và quản lý kỹ thuật" - khẳng định của lãnh đạo EVN.

Nghĩa là máy móc, công nghệ đảm bảo, mọi hỏng hóc dẫn tới sai sót là do con người, cụ thể là nhân viên ghi điện, là khâu chịu trách nhiệm quản lý hệ thống giám sát chỉ số cập nhật… Giờ thì hàng loạt lãnh đạo, cán bộ đang bị đề xuất đình chỉ công tác, cách chức.

Nhưng, từ đây, nhìn lại cái lõi của câu chuyện giá điện vốn “tăng nóng” từ năm ngoái đến nay, cũng chẳng liên can gì đến máy móc mà chính là “công nghệ” tính toán biểu giá điện bậc thang của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong 6 bậc thang ấy, giá điện thấp đến mức… vi diệu là bậc thang 1-2 lại chẳng thuộc về số đông, mức tiêu thụ khối lượng dưới 50 Kwh - dưới 100 Kwh/tháng chiếm con số rất nhỏ. Trong khi bậc thang 3 - 4 tức từ 300 - 400 Kwh/tháng là phổ biến thì giá điện lại rất cao.

Tôi nhớ, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng Tư, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải sửa đổi biểu giá điện bậc thang đang gây nhiều tâm tư, bức xúc trong nhân dân. Ông Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải hôm ấy còn hùng hồn truyền đạt lời Thủ tướng rằng, bất cứ quy định nào thấy cần sửa, dù cho mới ban hành đi nữa, thì kiên quyết sửa. “Đây cũng là chỉ đạo hôm nay của Thủ tướng. Sửa thì phải theo hướng tốt hơn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”.

Hơn một năm đã trôi qua, “kiên quyết sửa” vẫn còn lưu lạc đâu đó thì mong gì quyền lợi người tiêu dùng được chiếu cố, nên rốt cuộc, máy móc, công nghệ là vô tội, chỉ con người - từ người trực tiếp ghi chỉ số điện tiêu dùng tại các hộ dân vừa qua đến người chịu trách nhiệm điều hành năng lượng điện quốc gia - là vô cảm trước "nguồn sáng" của nhân dân.

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI