Cuối năm, khi người dân nghèo đang tất bật tiết kiệm từng đồng về quê ăn tết thì ngành điện lại tăng giá.
Thuê phòng nhỏ xíu, mỗi tháng tốn tiền điện 600.000 đồng
Lúc giá điện chưa tăng, chị L., thuê trọ tại nhà số 43/2Q và 43/2R ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H. Hóc Môn (gần khu công nghiệp Vĩnh Lộc) đã phải đóng tiền điện với mức giá 3.000 đồng/kWh. Bình quân mỗi tháng, chị L. xài 121 - 196 kWh điện, nằm trong bậc 3 chỉ có giá 1.786 đồng/kWh, chủ nhà trọ lại lấy tiền quá cao. Mỗi tháng, giá thuê phòng 1 triệu đồng nhưng tiền điện hết 588.000 đồng.
Gặp chúng tôi trong những ngày cuối năm, chị L. đang ở nhà ôm con. Trong căn phòng tối om, ẩm thấp, diện tích khoảng 4m2, vợ chồng chị không có tài sản gì đáng giá ngoài cái tủ lạnh vừa mới được trúng thưởng. Từ Trà Vinh đến TP.HCM làm công nhân, vợ chồng chị L. kiếm được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Sau khi sinh, chị L. buộc phải nghỉ làm vì không ai chăm con. Toàn bộ chi phí nhà trọ, điện, nước, ba miệng ăn, sữa cho con… đều trông chờ vào tiền lương 5 triệu đồng/tháng của chồng chị. Điều khiến vợ chồng chị lo lắng nhất chính là giá điện.
“Mỗi tháng, chi phí nhà trọ, tiền điện, nước khoảng 1,7 triệu đồng, tiền sữa cho con 1 triệu đồng (do bé không bú sữa mẹ); tiền ăn cho cả ba người chỉ khoảng 1,5 triệu đồng; tiền gạo, mắm, muối, dầu ăn, bột giặt… chỉ gói ghém trong khoảng
300.000 đồng. Những khi con ốm đau, tôi phải chạy ngược xuôi mượn tiền bạn bè. Nếu tiền điện rẻ hơn, mỗi tháng, tôi cũng dư ra 200.000 - 300.000 đồng mua thêm sữa hoặc thức ăn cho con” - chị L. rưng rưng nhẩm tính.
|
Khu nhà trọ 37/3, đường số 9, P. Linh Xuân, Q. Thủ Đức của “Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ” thuộc Hội LHPN TP.HCM vẫn cố gắng không tăng giá điện của công nhân ở trọ |
Được biết, dù sử dụng điện nhiều hay ít, số lượng người bao nhiêu, người thuê trọ ở đây đều phải chịu chung mức giá điện là 3.000 đồng/kWh. Như trường hợp chị D., mỗi tháng chỉ sử dụng từ 60 - 70 kWh điện, nằm trong bậc 2 với giá quy định là 1.533 đồng/kWh nhưng vẫn phải đóng cho chủ trọ 3.000 đồng/kWh. “Hóa đơn” tiền điện, nước, tiền phòng mà chủ nhà trọ đưa cho chị L. và chị D. chỉ là một mẩu giấy trắng nhỏ xíu, không có thông tin nào ngoài dòng lưu ý “giữ giấy thu tiền để đối chiếu”.
Cũng đang chịu mức giá điện 3.000 đồng/kWh, chị P. , thuê trọ tại khu nhà 839 Lũy Bán Bích, P. Tân Thành, Q. Tân Phú hiện rất lo sẽ bị chủ nhà trọ tăng giá điện. Nhà chị P. gồm bốn người, mỗi tháng chỉ sử dụng 70 kWh điện nhưng vẫn đóng tiền ở mức này. Khi chúng tôi đến, chị P. đang soạn cóc, xoài, ổi, bánh tráng chuẩn bị đi bán dạo, không quên xúc theo bọc cơm để ăn trưa.
Theo quy định, người thuê nhà trọ trên địa bàn TP.HCM có thể hưởng định mức điện, nước. Cụ thể, đối với điện, do định mức được tính theo hộ nên cứ bốn người ở trọ được tính một hộ, được cấp 100% định mức riêng. Theo bảng giá hiện hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện giá điện có các mức: bậc 1, nếu sử dụng đến 50 kWh, giá 1.549 đồng/kWh; bậc 2, từ 51 - 100 kWh, giá 1.600 đồng/kWh; bậc 3: từ 101 - 200 kWh, giá 1.858 đồng/kWh; bậc 4: từ 201 - 300 kWh, giá 2.340 đồng/kWh; bậc 5: từ 301 - 400 kWh, giá 2.615 đồng/kWh; bậc 6: từ 401 kWh trở lên, giá 2.701 đồng/kWh.
Để được hưởng định mức, người ở trọ cần có xác nhận đăng ký tạm trú của chính quyền địa phương; sau đó, chủ nhà trọ sẽ cầm bản xác nhận này đến các công ty điện lực phụ trách địa bàn đăng ký.
Theo thông báo mới đây của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh); thời điểm điểu chỉnh là từ ngày 1/12/2017.
|
Tại khu bếp tối om om này, chúng tôi nhìn thấy một cái chảo với sáu con cá nục chiên, một nồi canh lá rau muống, nhưng chị P. chỉ đem theo cơm trắng, không lấy đồ ăn. Chị giải thích: “Sáu con cá để cho hai đứa nhỏ và chồng tôi ăn buổi trưa và tối. Tôi ăn cơm với muối tôm (muối dùng để bán xoài, cóc, ổi cho khách) là thấy ngon rồi”.
Chồng mất sức lao động, một mình chị P. phải tần tảo nuôi hai đứa con ăn học (một đại học, một cao đẳng). Ngày nắng cũng như mưa, chị P. luôn quàng đôi gánh nặng trĩu trên vai, dưới chân là đôi dép mòn vẹt rong ruổi khắp khu Bàu Cát (Q. Tân Bình) để bán ổi, xoài, đậu phộng, bánh tráng cho các quán nhậu, đến tận 1 - 2g sáng mới về, mỗi tháng kiếm được khoảng 6 triệu đồng.
Với số tiền này, chị P. phải dè xẻn trong mọi chi tiêu, với mong muốn đủ nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn. Nếu giá điện tăng thêm, kéo theo giá các loại thực phẩm khác cũng tăng, cả nhà chị P. sẽ rất khốn khó. “Mỗi khi báo chí đưa tin tăng giá điện, chúng tôi nhanh chóng được chủ nhà trọ thông báo tăng tiền điện. Ngày 15/12 tới đây, tôi mới biết sẽ tăng giá bao nhiêu. Nếu điện tăng thêm vài trăm đồng/kWh, cả nhà tôi phải ăn ít lại và cũng không được về quê ăn tết” - chị P. nói trong buồn tủi.
So với các khu công nghiệp và vùng ven thì giá điện tại một số nhà trọ ở khu vực trung tâm TP.HCM được xếp vào diện “cắt cổ” với mức 4.000 - 5.000 đồng/kWh. Anh T., ngụ tại 1/7B đường Phạm Hùng, P.4, Q.8 phải chịu mức giá 5.000 đồng/kWh dù vợ chồng anh sử dụng điện nhiều hay ít. “Nếu so với mức giá bán điện sinh hoạt cao nhất của ngành điện là 2.587 đồng/kWh (mức giá lúc chưa tăng) thì tiền điện chúng tôi phải trả cho mỗi kWh đã cao hơn gần 3.000 đồng. Tôi đã nghe phong thanh chủ nhà trọ sẽ tăng giá, nhưng chưa biết tăng bao nhiêu” - anh T. phập phồng.
“Nhà nước tăng giá thì mình phải tăng theo”
Hàng trăm công nhân thuê trọ tại các địa chỉ 59/6B, 59/6C, 59/6Z… ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H. Hóc Môn hiện đang chịu mức giá điện là 3.000 đồng/kWh. Bà Hy - chủ các dãy nhà trọ này - cho biết: “Nhà nước tăng giá thì mình phải tăng theo, đó là nguyên tắc kinh doanh”. Cũng theo bà Hy, người thuê trọ ở khu vực này đều là công nhân, tiền thuê phòng 900.000 - 1 triệu đồng. Nếu bà cho thuê với giá cao hơn, sẽ không ai ở. Do khó nâng giá phòng nên phải nâng tiền điện để kiếm lời.
Tương tự, chủ nhà trọ tại 43/2Q và 43/2R ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H. Hóc Môn nói: “Nếu Nhà nước tăng giá điện, chị cũng buộc phải tăng”. Một số chủ trọ khác lý giải, lấy giá điện cao là theo thị trường. Chủ nhà trọ 168 Nguyễn Cư Trinh, Q.1 phân bua, hầu hết nhà trọ ở Q.1 đều lấy mức giá từ 4.000 đồng/kWh điện trở lên, lấy cao hơn thì không sao nhưng nếu lấy thấp hơn, sẽ bị cho là “phá giá”.
Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), nếu người ở trọ bị áp giá cao hơn quy định, có thể phản ánh vào tổng đài chăm sóc khách hàng của công ty, đơn vị sẽ kiểm tra, xử lý và sẽ giữ bí mật tên người phản ánh. EVN HCMC cũng yêu cầu các công ty điện lực chủ động trong việc kiểm tra và phát hiện chủ nhà trọ bán điện với giá cao hơn quy định để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhiều phường tại TP.HCM cũng đã triển khai việc vận động các chủ nhà trọ cam kết bán điện cho người thuê trọ đúng giá quy định, tạo điều kiện cho người ở trọ đăng ký định mức với ngành điện; nếu chủ nhà trọ lấy giá cao hơn quy định, sẽ bị phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng.
Nhưng thực tế, các chủ nhà trọ không hề in hóa đơn tiền điện hằng tháng cho người thuê giữ mà chỉ đưa những mảnh giấy tập học sinh để tránh bị đem tố cáo. “Nếu chúng tôi gọi điện thoại tố cáo, cơ quan chức năng có xuống kiểm tra, cũng không thu được bằng chứng gì. Trường hợp cơ quan chức năng có đến tận phòng hỏi, chúng tôi cũng không dám khai thật vì sợ chủ nhà trọ sẽ gây khó dễ hoặc đuổi đi” - chị Hân, một người đang thuê trọ, lắc đầu.
Doanh nghiệp chới với vì giá điện tăng kiểu... độc quyền
Đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhất là với DN sử dụng nhiều điện năng, việc tăng giá điện gây lo ngại phát sinh chi phí sản xuất, từ đó tác động tới giá thành sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của DN.
Ngành dệt may luôn xếp vào hàng những ngành tiêu thụ nhiều điện năng nhất; nếu giá điện tăng, chắc chắn giá thành phải tăng theo. Ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng - cho biết, mỗi tháng, riêng mỗi xưởng in và xưởng cắt đã tốn 21 triệu đồng tiền điện, 3 xưởng may còn lại tốn gần 30 triệu đồng. Vị chi mỗi tháng, công ty phải trả gần 50 triệu đồng tiền điện. Đây chỉ là DN nhỏ, còn những DN lớn, đầu tư cả trăm tỷ đồng vào máy móc, công nghệ, nếu tăng giá điện, chắc chắn sẽ họ nhảy “lam-ba-đa” vì mỗi tháng phải tốn hàng trăm triệu đồng tiền điện.
Điện tăng giá, buộc DN phải chọn một trong hai giải pháp: tăng giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá và chịu giảm lãi. Trong bối cảnh hàng gian, hàng giả tràn ngập, nếu chọn giải pháp thứ nhất, người tiêu dùng sẽ càng quay lưng với sản phẩm may mặc trong nước. Còn nếu chọn giải pháp thứ hai, DN khó mà trụ nổi.
“Nhà nước luôn khuyến khích DN đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, cải tiến mẫu mã, tăng năng suất. Trong khi máy móc thuộc dạng “ăn điện” rất kinh khủng thì nhà nước tăng giá điện, lại chọn tăng giá vào cuối năm, chẳng khác nào ép DN vào đường chết” - ông Lý Thành Sinh bức xúc.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Saigon Food - cho hay, công ty dùng rất nhiều điện để chế biến và bảo quản sản phẩm. Với mức giá này, công ty sẽ phải trả thêm tiền điện khoảng 200 triệu đồng/tháng. Khi giá điện tăng, giá các mặt hàng khác cũng tăng theo như bao bì, nguyên vật liệu… “Giá đầu vào tăng nhưng giá đầu ra của chúng tôi không dám tăng theo, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay. Saigon Food phải ráng gồng mình giữ giá vì cạnh tranh thị trường quá gay gắt; nếu đơn lẻ tăng giá, sẽ mất thị phần. Hơn nữa, đang chuẩn bị vào mùa tết, DN có muốn tăng giá, chưa chắc được nhà phân phối đồng ý” - bà Lâm chia sẻ.
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - cho rằng, việc tăng giá điện phải được đưa ra phương án trước, để DN và người tiêu dùng tham gia góp ý kiến, nhưng lần này lại tăng một cách bất ngờ, vừa công bố là áp dụng ngay. “Điện là ngành độc quyền, do nhà nước định giá. Việc tăng giá như vậy là dựa vào cơ sở nào, có hợp lý chưa? Việc tăng điện đột ngột như hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân” - ông Long nhận định.
Hoa Lài
|
Thanh Hoa