Giá điện tăng có thể gây tăng giá nhiều mặt hàng

19/10/2024 - 08:54

PNO - Giá điện đã được điều chỉnh tăng gần 5% từ ngày 11/10. Việc tăng giá điện ở thời điểm gần cuối năm có thể tác động đến giá cả các mặt hàng khác.

Hay tin giá điện tăng, chị Hoàng Kim Thùy - công nhân một công ty gỗ ở TP Thủ Đức, TPHCM - nghĩ ngay đến những khó khăn tài chính trước mắt. Gia đình chị tiêu thụ khoảng 200kWh điện mỗi tháng, đóng tiền điện khoảng 600.000 đồng. Ngay khi giá điện tăng, chủ nhà trọ nơi chị đang thuê phòng liền thông báo sẽ thu tiền điện lên 3.500-3.700 đồng/kWh từ tháng tới thay vì 3.000 đồng/kWh.

Chị nhẩm tính: “Như vậy, mỗi tháng, gia đình tôi sẽ phải trả tiền điện thêm 100.000 đồng. Điều tôi lo lắng hơn là khi giá điện tăng thì giá các mặt hàng khác cũng thường tăng theo. Mỗi thứ tăng một ít nhưng nó làm chi phí cả tháng tăng lên nhiều, trong khi thu nhập của tôi đang giảm do không được tăng ca như trước đây”.

Người dân lo giá điện tăng sẽ tác động làm tăng các chi phí sinh hoạt khác. Trong ảnh: Một hộ dân tại huyện Nhà Bè đang trao đổi với nhân viên điện lực - ẢNH: MAI CA
Người dân lo giá điện tăng sẽ tác động làm tăng các chi phí sinh hoạt khác. Trong ảnh: Một hộ dân tại huyện Nhà Bè đang trao đổi với nhân viên điện lực - Ảnh: Mai Ca

Cùng chung nỗi lo, anh Trần Ngọc Quyết - chủ một tiệm cắt tóc, gội đầu trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, TPHCM - cho biết, tiệm sử dụng rất nhiều thiết bị điện như máy ủ tóc, sấy tóc, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện… nên mỗi tháng tốn khoảng 9 triệu đồng tiền điện. Với mức giá điện mới, anh sẽ phải trả thêm 500.000 đồng/tháng. Anh than: “Từ đầu năm tới nay, chi phí mặt bằng, nhân công đều tăng trong khi số khách giảm nên mình phải xoay xở rất vất vả. Nay tiền điện tăng thì chắc chắn giá các nguyên vật liệu cũng tăng theo. Nhưng để giữ được khách, mình không thể tăng giá dịch vụ”.

Đối với các doanh nghiệp (DN), giá điện tăng cũng gây áp lực lớn. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xuân Nguyên - lo rằng, việc tăng giá điện đột ngột cuối năm sẽ khiến toàn bộ chi phí sản xuất của DN tăng lên. Đây là gánh nặng lớn cho DN bởi khó điều chỉnh giá các đơn hàng xuất khẩu do chúng đã được ký đến hết năm, còn hàng nội địa thì sức mua vẫn thấp nên chưa thể tăng giá bán. DN phải chấp nhận giảm lãi, cân đối lại các chi phí trong vận hành để giảm tổn thất.

Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, giá điện ảnh hưởng đến toàn dân nên việc tăng giá lúc này sẽ tác động ngay tới mức chi tiêu của người tiêu dùng, buộc họ phải cân đối lại, dẫn tới sức mua hàng hóa dịp cuối năm và tết có thể không tăng như mọi năm.

Đại diện một DN bán lẻ ở TPHCM cho biết, việc tăng giá điện lúc này có thể sẽ làm tăng giá thực phẩm, hàng tiêu dùng, dịch vụ phục vụ tết. Trước khi giá điện tăng, một số nhà cung cấp đã gửi thông báo yêu cầu tăng giá hàng hóa do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Vì vậy, cơ quan quản lý, đặc biệt là Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, quản lý, không để giá hàng hóa tăng vô cớ. DN này cũng sẽ bàn bạc kỹ lưỡng với nhà cung cấp để giữ giá hàng hóa ổn định.

Ngày 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố giá bán lẻ điện bình quân hơn 2.103 đồng/kWh, tương đương mức tăng 4,8% so với mức giá trước đó. Đây là lần tăng giá thứ ba kể từ đầu năm 2023. Theo EVN, hiện cả nước có 547.000 khách hàng kinh doanh, dịch vụ, 1,921 triệu khách hàng là hộ sản xuất, khoảng 691.000 khách hàng là công ty, xí nghiệp. Với mức tăng 4,8%, mức tiền điện của hộ kinh doanh, làm dịch vụ tăng 247.000 đồng/tháng; hộ sản xuất tăng khoảng 499.000 đồng/tháng; công ty, xí nghiệp tăng khoảng 91.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc EVN - cho hay, có 17,41 triệu hộ sử dụng điện sinh hoạt mỗi tháng từ 200kWh trở xuống, chiếm 61,35% tổng số hộ. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ diện trên là 13.800 đồng/tháng. Như vậy, mức tác động đến khách hàng phổ biến vẫn ở mức vừa phải, còn những nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn mới chịu mức tăng đáng kể.

Giá hàng hóa có thể nhích lên

Tôi cho rằng, việc tăng giá điện lần này đã được EVN tính toán kỹ lưỡng về mức độ tác động đến các đối tượng sử dụng điện. Dù vậy, sau cơn bão số 3 (bão Yagi), giá thực phẩm - đặc biệt là rau xanh - đã tăng mạnh, dẫn tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Trong khi đó, thị trường lại đang chịu tác động từ giá cả trên thế giới như giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào, phí vận chuyển… nên việc tăng giá điện lúc này có thể gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa theo hướng nhích lên.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Ngọc Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI