Gia đình luôn song hành cùng nữ doanh nhân "mo cau"

14/01/2025 - 15:07

PNO - Sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp, Trần Thị Ngọc An (sinh năm 1994) mê đắm hương đồng gió nội, mê sông nước miền Tây, mê những điều bình dị ở quê như bếp củi, xuồng chèo... Với cô, mái ấm gia đình luôn là điểm tựa trên hành trình phát triển của mình.

Ra đi để… trở về

Năm Ngọc An học lớp Mười một, chồng cô - Minh Hải (sinh năm 1984, quê ở Quảng Ngãi) đang là chỉ huy trưởng dự án xây cầu bắc qua con sông cạnh nhà. Hải là dân công trình lắp ráp bê tông, dãi nắng dầm mưa quanh năm, làn da đen nhẻm. Mỗi lần Hải ghé nhà An mua trái cây, mẹ An đều thấy thương anh thanh niên có làn da dãi dầu mưa nắng nên… vừa bán vừa cho. Hải có cảm tình với người miền Tây từ đó. Văn phòng công trình lại đối diện nhà An - cô gái mới lớn xinh tươi cứ lượn qua lượn lại trước gương ngắm nghía - nên Hải bị “say nắng” lúc nào không hay.

“Tôi đậu đại học, khăn gói lên Sài Gòn thì anh đi theo, rồi anh bôn ba công trình khắp nơi. Mỗi vùng đất anh đặt chân đến, tôi đều có dịp đến tham quan và thăm anh…” - Ngọc An tâm sự.

Dù bộn bề công việc nhưng với Ngọc An gia đình mới là điểm tựa cho mọi thành công
Dù bộn bề công việc nhưng với Ngọc An gia đình mới là điểm tựa cho mọi thành công

Quen nhau, Hải tính đợi An học xong rồi cưới nhưng khi An đang học năm thứ ba đại học thì… anh chờ hết nổi nên năn nỉ gia đình cho cưới. Ba mẹ, thầy cô, bạn bè An đều băn khoăn, riêng An lại quả quyết “cảm thấy tin tưởng anh và tin tưởng chính mình. Tôi biết trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn có cách để thích nghi và sống tốt”.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế TPHCM, Ngọc An ở lại thành phố làm việc. Dù có công việc thu nhập cao, cô gái miền Tây vẫn không thể thích nghi với sự ngột ngạt chốn thị thành. Cô bàn với chồng - cũng là người có niềm đam mê nông nghiệp, yêu thích cuộc sống bình yên - cùng về quê hương Đồng Tháp lập nghiệp.

Về quê, vợ chồng Ngọc An - Minh Hải mua miếng đất 1 hecta để trồng cau vì cây cau là biểu tượng của làng quê Việt Nam và cũng là hình ảnh thân thuộc của quê chồng An. Họ phân tích: Cây cau trồng ở miền Nam thường ra trái quanh năm nhờ khí hậu ấm áp, giá bán cao gấp 2 - 3 lần so với các vùng miền khác. Cây cau mang lại nguồn kinh tế ổn định. Những năm gần đây, trái cau xuất khẩu sang Trung Quốc được giá cao… Thấy được những ưu điểm đó, họ yên tâm đầu tư.

“Với cây cau, chỉ cần đầu tư nhiều ở giai đoạn chọn giống, chăm sóc lúc mới trồng. Khi cây cứng cáp, chỉ cần tưới nước là cây sinh trưởng và cho trái đều đặn. Cau có tuổi thọ trung bình đến 40 năm nên trồng cau từ lâu đã là một mô hình kinh tế hiệu quả khi chi phí thấp, thu nhập cao và hầu như không có rủi ro” - Ngọc An nói về ngày đầu khởi nghiệp.

Duyên nợ với cây cau

Với số vốn tích cóp được, vợ chồng An mua hơn 7.000m2 đất, làm một ngôi nhà nhỏ, diện tích còn lại để dành trồng hơn 10.000 cây cau. Dù việc bán trái, bán cây cau giống vẫn tốt nhưng mỗi khi ra vườn, nhìn những tàu mo cau rụng lả tả khắp nơi, Ngọc An lại thấy tiếc. Cô nung nấu ý tưởng tạo nên những sản phẩm từ mo cau để mang lại những lợi ích thiết thực hơn.

Cây cau đã bắt đầu cho ý tưởng nghiệp của vợ chồng Ngọc An
Cây cau đã bắt đầu cho ý tưởng nghiệp của vợ chồng Ngọc An

“Trong quá trình mày mò chế tạo sản phẩm, nhiều lúc chúng tôi gặp khó khăn vì đây là sản phẩm từ thiên nhiên, không có tính đồng nhất. Vậy nhưng hương thơm mo cau thoang thoảng lại thôi thúc tôi tiếp tục” - Ngọc An chia sẻ.

Sau 1 năm dày công nghiên cứu, quy trình sản xuất đã hoàn chỉnh. Mo cau gom trong vườn được rửa sạch, phơi thật khô rồi ép ở nhiệt độ 120oC tạo nên hình dạng sản phẩm cố định. Khi mo cau ra được sản phẩm theo khuôn, An chọn lọc lại, loại bỏ sản phẩm lỗi rồi đóng gói, đưa ra thị trường. Cứ thế, các mẫu mã lần lượt ra đời, ban đầu là những cái quạt mo được cắt dập bằng máy móc sắc cạnh rồi tới những chiếc dĩa hình vuông, hình tròn, hình trái tim... nhiều kích cỡ.

Hiện tại, cơ sở Cau Việt của vợ chồng Ngọc An sản xuất được 15 mặt hàng (chén, dĩa, muỗng, quạt...). Sản phẩm từ mo cau có màng bọc tự nhiên chống thấm nước nên có thể đựng được thức ăn lỏng còn khi đựng thức ăn khô thì có thể tái sử dụng nhiều lần, dùng được cho cả lò vi sóng. Sản phẩm phân hủy tự nhiên trong khoảng 6 - 7 tháng, tạo chất hữu cơ tốt cho đất, giảm bớt gánh nặng rác thải cho môi trường.

Những mo cau thường bị bỏ đi thì nó đã được vợ chồng Ngọc An biến thành sản phẩm hữu ích và cả xuất khẩu.
Những mo cau thường bị bỏ đi thì nó đã được vợ chồng Ngọc An biến thành sản phẩm hữu ích và có thể đi xuất ngoại.

Dù vậy, sản lượng còn hạn chế vì đặc thù tính mùa vụ của nguyên liệu tự nhiên. Những lúc đi thu mua thêm nguyên liệu ở các vùng khác, An thường nghe bà con nói: “Cô ơi, cho tui đi lụm mo cau với. Tui muốn kiếm tiền mua gạo, mua sữa cho con”, “Cô ơi, cho bà lụm mo cau với. Bà già rồi không ai thuê mướn nữa”… Các chị em ở xưởng của An cũng có thêm thu nhập từ công việc ép mo cau, đóng gói... để nuôi con đi học, chăm lo gia đình. Đó đều là động lực giúp cô vượt qua khó khăn, tiếp tục công việc.

“Gần đây, việc phát triển các sản phẩm phục vụ sức khỏe con người đồng thời bảo vệ môi trường ở Việt Nam rất được đón nhận nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Mỗi khi đi ngang những con kênh, dòng sông thấy hộp xốp, khay nhựa trôi lềnh phềnh hay những bãi rác cao ngút trời, tôi lại muốn nhanh chóng tiếp thị tới mọi người sản phẩm chén dĩa từ mo cau để thay thế những hộp nhựa kia nhằm giảm bớt sức ép cho môi trường” - Ngọc An trăn trở.

Hạnh phúc bên những điều bình dị

Hơn 10 năm qua, dù luôn bận rộn, Ngọc An vẫn dành thời gian cố định để vun vén tổ ấm. An luôn chú trọng việc đồng hành cùng các con, rèn kỹ năng tự lập cho các con, muốn con có tuổi thơ ấm áp bên ba mẹ. Cô cho các con vui chơi lấm bẩn với đất cát, cỏ cây hoa lá để gần gũi với thiên nhiên, học tập từ thực tế… Cuối tuần, vợ chồng An gác lại công việc để đưa các con đi học bơi, học ngoại ngữ, học năng khiếu...

“Tôi cũng dành thời gian đưa các con đi dạo trong vườn, ngoài xóm, đến siêu thị… Những lúc đó, tôi sẽ giới thiệu, mô tả, diễn đạt những gì các con nhìn thấy, hy vọng con được mở mang đầu óc, biết về thế giới xung quanh nhiều hơn. Có những chuyến đi từ miền Tây về miền Trung quê nội bằng ô tô, qua nhiều tỉnh thành, nhiều khung cảnh khác nhau. Dù mất nhiều thời gian và mệt mỏi nhưng các con rất hào hứng…” - Ngọc An kể.

Sản phẩm Cau Việt đã có mặt ở nhiều nơi trên thị trường Việt Nam và thế giới.
Sản phẩm Cau Việt đã có mặt ở nhiều nơi trên thị trường Việt Nam và thế giới.

Sau gần 14 năm quen và cưới nhau, An bộc bạch về cuộc hôn nhân của mình: “Tôi nhận thấy khi nào cuộc sống gia đình cũng có những khó khăn riêng. Lúc mới về sống cùng thì trở ngại nhiều hơn vì 2 con người, 2 vùng miền cách xa có những khác biệt cơ bản về tập tục, lối sống... Theo thời gian, những mâu thuẫn dần được dung hòa, vợ chồng thấu hiểu nhau hơn nên cuộc sống ngày càng dễ chịu hơn”.

Vườn cau nhà An nay đã cao lớn, bao phủ và che mát khắp căn nhà vào những ngày nắng nóng, còn khi mưa to gió lớn thì chắn gió chắn mưa vô cùng vững chãi. Vợ chồng An đang cải tạo khu đất trước nhà, đào ao trồng dừa và bông súng, neo thêm cái xuồng, dựng mái lá rồi đặt bếp củi vào. An thường nghĩ về những ngày rảnh rỗi, vợ chồng cô sẽ rủ bạn bè về câu cá uống trà, làm mấy cái bánh quê...

Theo An, mỗi vùng quê trên đất nước Việt Nam đều có thế mạnh, đặc trưng riêng. "Nếu người trẻ chịu suy nghĩ, tìm hiểu, tận dụng kiến thức đã học rồi trở về quê hương làm du lịch, giới thiệu đặc sản địa phương, kế thừa và phát huy ngành nghề truyền thống theo hướng hiện đại… thì không những giúp được bà con nghèo ở quê mà còn giảm bớt áp lực đông đúc, chật chội cho các thành phố” - Ngọc An kỳ vọng.

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 0966182727.

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI