Giá đền bù đất thu hồi phải tính cả vật chất và tinh thần

09/06/2023 - 14:37

PNO - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, phải đặt vào hoàn cảnh của người thu hồi đất mới giải quyết được bài toán trong đền bù.

 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng còn nhiều vấn đề trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ lần này

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng còn nhiều vấn đề trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ lần này

Phải đặt mình trong hoàn cảnh người thu hồi đất

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, sáng 9/6, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng còn nhiều vấn đề trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, vấn đề thu hồi đất được cử tri và đồng bào cả nước quan tâm. Ông đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đề nghị rà soát Điều 80 về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013. Không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”.

Về giá đề bù, dự thảo luật đang tiếp cận theo hướng phù hợp giá thị trường nhưng theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, nếu chỉ như vậy cũng không thể giải quyết được trong nhiều trường hợp. Ông lấy ví dụ, giá chuyển nhượng đất ruộng của người dân khoảng 500.000 đồng/m2. Khi thu hồi, nếu tính giá 600.000 đồng/m2, nhiều người nghĩ như vậy đã là tốt. Song với nhiều người dân, họ còn nhiều vấn đề không muốn bị thu hồi như tâm linh, gia đình, hàng xóm…

Do đó, khi tính giá đền bù, bên cạnh giá thị trường, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng phải tính thêm các yếu tố khác như tinh thần. Phải đền bù cho người dân việc họ phải di dời nhà cửa, cây trái, kỷ niệm, những thứ đã gắn bó vài chục năm…

“Đặt mình trong hoàn cảnh của người có đất bị thu hồi mới giải quyết được bài toán này” - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh. Theo ông, về đường lối, định hướng đền bù giá đất đã có nhưng cần cụ thể hóa vào luật.

Về bảng giá đất, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa khẳng định trách nhiệm xác định, cập nhật phải thuộc về Nhà nước. Hiện có tình trạng, xuất hiện tình trạng tiêu cực để thỏa thuận với nhau. Ông nêu quan điểm, giá thị trường là căn cứ quan trọng nhưng khi xử lý tranh chấp sẽ phụ thuộc vào bảng giá đất của Nhà nước quy định.

Có “né” quy định trong thu hồi để xây nhà thương mại?

Một trong những vấn đề được ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đặc biệt quan tâm là vấn đề thu hồi đất để phục vụ xây dựng nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5ha trở lên tại khu vực đô thị. Ông chỉ ra, trong chương thu hồi đất sẽ không tìm thấy nội dung thu hồi đất phục vụ xây nhà ở thương mại ở đâu cả. Nội dung này được dẫn chiếu sang quy định tại Điều 112 về nhà ở thương mại.

Ủy ban Kinh tế cũng đã nhìn thấy điều này và đề nghị rà soát quy định cụ thể, rõ ràng ngay tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

"Ở đây có phải “né” Nghị quyết 18-NQ/TW là nếu xây nhà ở thương mại thì phải thỏa thuận hay không?" - ông đặt vấn đề.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm, xây dựng nhà ở thương mại là việc tốt trong xã hội nhưng nếu quy định không rõ sẽ nhập nhằng.

Tương tự, trong việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trong nhiều trường hợp vẫn có yếu tố lợi ích tư nhân “nhảy vào”.

Ví dụ trong thu hồi đất để làm metro, khi kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, cho đối tác được kinh doanh các mặt bằng ở dưới tầng ngầm, siêu thị sang trọng… Ông cho rằng, phải xử lý được lợi ích đan xen ở đây. “Bà con bực bội, bức xúc vì lúc thu hồi không có gì cả nên được trả một giá thấp nhưng sau này, người ta kinh doanh, tạo ra lợi nhuận ở đó. Lợi nhuận này có được tính trước và chia một phần cho người dân hay không?” - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.

ĐBQH khẳng định, nếu thuần túy chỉ thu hồi đất phục vụ an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng sẽ không có người dân nào thắc mắc, mà thắc mắc chỉ có khi xuất hiện những lợi ích đan xen. Trong khi đó, ông cho rằng, lợi ích đan xen là điều không tránh được khi kêu gọi đầu tư xã hội và cần xử lý một cách thỏa đáng.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI