Giả danh shipper để lừa tiền người mua hàng online

12/08/2024 - 06:13

PNO - Khi shipper (người giao nhận hàng) gọi điện thoại báo nhận hàng, một số người không kiểm tra hàng mà bảo để hàng trước cửa nhà hoặc gửi ở quầy bảo vệ và vẫn chuyển tiền thanh toán. Lợi dụng điều này, kẻ xấu đã mạo danh shipper để yêu cầu chuyển tiền, sau đó còn chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Sau cuộc gọi báo nhận hàng, mất 12 triệu đồng

Chị V.H.T. (quận 3, TPHCM) kể, ít ngày trước, khi đang khám bệnh ở bệnh viện, chị nhận được cuộc gọi hiển thị tên AP-VN thông báo chị có đơn hàng quần áo, đề nghị thanh toán 165.000 đồng. Do không có ở nhà, lại thấy cuộc gọi hiển thị tên giống tên đơn vị vận chuyển, chị T. nhờ shipper quăng gói hàng vào sân rồi chuyển tiền như mọi khi.

Vài phút sau, shipper gọi điện thoại, xin lỗi vì đã gửi nhầm số tài khoản của công ty. Chị T. chuyển tiền vào đó có nghĩa là chị đồng ý với việc đăng ký thành công thẻ làm shipper, mỗi tháng sẽ bị khấu trừ 3,5 triệu đồng trong tài khoản. Nếu không thanh toán đúng ngày thì sẽ bị nợ xấu trên hệ thống ngân hàng.

Biết chị T. đang hoảng hốt, shipper này gửi cho chị một đường link chăm sóc khách hàng của dịch vụ giao hàng nhanh, tư vấn chị truy cập vào đó để yêu cầu hoàn lại tiền. Sau đó, một đối tượng khác tự nhận là bộ phận hành chính của Công ty Giao Hàng Nhanh hướng dẫn chị thực hiện các thao tác trên đường link để sớm làm xong thủ tục hoàn tiền. Sau khi chị đăng nhập thông tin tài khoản vào đường dẫn, xác thực gương mặt thì số tiền 12 triệu đồng trong tài khoản của chị cũng biến mất. Lúc này, chị T. tiếp tục nhận được cuộc gọi khác của một người tự xưng là cán bộ Công ty Giao Hàng Nhanh, hứa sẽ giúp chị T. lấy lại số tiền đã mất với lý do đây là “lỗi hệ thống”.

Các đối tượng lừa đảo mạo danh shipper nhắn tin lừa người đặt hàng - Ảnh do nhân vật cung cấp
Các đối tượng lừa đảo mạo danh shipper nhắn tin lừa người đặt hàng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị N.T.N. (quận 10, TPHCM) cũng nhận được cuộc gọi thông báo có đơn hàng quần áo trị giá hơn 1,4 triệu đồng, yêu cầu chị chuyển tiền thanh toán vào tài khoản tên Tạ Ngọc Danh, số tài khoản là 2077… Do đối tượng đọc đúng tên cửa hàng và đúng món hàng, số tiền nên chị N. chuyển tiền nhưng sau đó không nhận được hàng. Chị N. gọi đến cửa hàng quần áo kiểm tra thì được biết, đơn hàng của chị đang trong quá trình vận chuyển chứ chưa được giao. Chủ cửa hàng này còn dặn chị nên lên Facebook kiểm tra tình trạng đơn hàng trước khi chuyển khoản.
Khi nhận được cuộc gọi thông báo nhận hàng, một số người cẩn thận kiểm tra đơn hàng thì shipper viện cớ lãng tránh; có khách hàng gọi lại các số di động đã gọi cho mình trước đó để kiểm tra thì nghe nhân viên tổng đài nói toàn bằng tiếng nước ngoài.

Thu thập thông tin khách hàng để lừa đảo

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các đối tượng lừa đảo thu thập thông tin khách hàng theo nhiều cách, như tham gia các buổi live stream (phát sóng trực tiếp) bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, xem các bình luận và tin nhắn công khai trên live stream để xác định tên, địa chỉ, số điện thoại của những người đặt mua hàng. Chúng cũng thu thập được thông tin từ các cửa hàng hoặc từ các nhân viên giao hàng đã nghỉ việc nhưng còn giữ danh sách khách hàng. Thậm chí, chúng còn thu thập thông tin cá nhân từ những hộp hàng mà bên nhận hàng từng bỏ đi.

Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ Giao Hàng Nhanh (GHN) cho biết, thời gian qua, nhiều đối tượng đã sử dụng hình ảnh của GHN để tiếp cận và lừa đảo người mua hàng bằng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, chúng thông báo có đơn hàng chờ nhận, báo số tiền và yêu cầu người nhận chuyển khoản. Hoặc chúng báo đúng tên hàng, số tiền đơn hàng nên người nhận tin tưởng chuyển khoản, sau đó chúng thông báo đã đọc nhầm tài khoản hội viên, cung cấp link chăm sóc khách hàng rồi yêu cầu chuyển khoản thêm để không bị trừ tiền hằng tháng. Một số đối tượng mạo danh GHN giao hàng, yêu cầu người nhận thanh toán nhưng khách hàng đặt mua hàng từ các sàn thương mại điện tử, lại nhận được đơn hàng bên ngoài sàn.

Để bảo vệ khách hàng của mình, GHN đã che thông tin của khách hàng khi tra cứu đơn hàng trên website, trên phiếu gửi hàng; nhắn tin tự động đến khách hàng qua Zalo OA khi có đơn hàng đang giao để người nhận tiện theo dõi, kiểm tra. GHN cũng thường xuyên đăng các bài cảnh báo trên fanpage (trang trên Facebook) GHN. Bộ phận chăm sóc khách hàng của GHN cũng khuyên khách hàng nên kiểm tra kỹ thông tin đặt hàng trước khi nhận hàng.

Hiện nay, các nhà vận chuyển đều có website để tra cứu thông tin mã vận đơn. GHN khuyên người mua nên chủ động liên hệ nhà bán hàng hoặc kênh đặt hàng để theo dõi đường đi của đơn hàng và không chuyển khoản cho người lạ khi hàng chưa được giao đến. Khách hàng tuyệt đối không bấm vào các link lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Khách nên yêu cầu cho xem hàng trước khi nhận và nên cùng nhân viên giao nhận kiểm tra hàng hóa.

Đại diện Shopee cũng cho biết, có tình trạng giả danh nhân viên giao hàng của Shopee gọi điện thoại thông báo có đơn hàng online rồi yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Để không thanh toán nhầm cho bọn lừa đảo, Shopee khuyên người mua hàng nên chủ động theo dõi đơn hàng đã được cập nhật theo thời gian trong mục “đơn mua” trên Shopee. Người dùng có thể từ chối nhận hàng nếu thông tin trong bưu kiện gửi đến không trùng khớp với thông tin đơn hàng đã đặt về mã đơn hàng, mã vận đơn, tình trạng của đơn hàng. Nên nhận hàng trực tiếp và cùng người giao hàng kiểm tra hàng trước khi thanh toán tiền hàng. Thay vì thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng, người mua hàng online nên dùng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ tín dụng, ví điện tử ShopeePay hoặc internet banking thanh toán cho người bán trên sàn, không thỏa thuận thay đổi phương thức thanh toán với bất kỳ bên nào.

Vì sao nhiều người chọn “nhận hàng mới trả tiền”?

Tại diễn đàn “Kinh tế số - củng cố và phát triển tài chính ngân hàng và Fintech - dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp” cách đây ít ngày, ông Lê Anh Tú - đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank) - cho rằng, Việt Nam có khoảng 61 triệu người dân mua sắm qua thương mại điện tử. Mặc dù hiện nay có nhiều giải pháp thanh toán trực tuyến mới như ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc (NFC, QR code) hoặc ngân hàng điện tử nhưng đa phần người mua chọn hình thức nhận hàng mới trả tiền. Điều này do là người dân vẫn chưa tin tưởng vào sản phẩm được quảng cáo trên mạng, sợ mua phải hàng giả, hàng nhái...

Một báo cáo của Allied Market Research (đơn vị nghiên cứu thị trường dịch vụ và tư vấn kinh doanh) mới đây cũng cho thấy, tỉ lệ khách hàng mua sắm trên thương mại điện tử chọn thanh toán nhận hàng - trả tiền chiếm tới 80 - 90%. Lý do là người dân vẫn chưa tin tưởng vào sản phẩm được quảng cáo trên mạng, nạn hàng giả hàng nhái xuất hiện nhiều trên các sàn thương mại điện tử khiến người mua phải trực tiếp nhận hàng và kiểm tra, sau khi yên tâm thì mới trả tiền.

Cũng tại diễn đàn này, thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) - một lần nữa đưa cảnh báo, tội phạm mạng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua hàng online trên sàn thương mại điện tử, dẫn dụ họ nhập vào đường dẫn (link) giả mạo và cung cấp mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Trước tình hình lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp, lãnh đạo A05 khuyến cáo người dân cần phải nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia, giao dịch trực tuyến, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản cho bất kỳ ai.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI