Giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, gửi tin lừa khách xác thực sinh trắc học

04/07/2024 - 11:59

PNO - Lợi dụng việc khách hàng gặp khó khăn trong khâu xác thực sinh trắc học, các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng nhắn tin, gọi điện tiếp cận, lừa khách hàng xác thực qua các đường dẫn (link) giả mạo để chiếm đoạt tài sản.

Hiện nhiều người vẫn chưa hoàn tất việc cập nhật do ứng dụng ngân hàng bị lỗi, thiết bị điện thoại không có công nghệ cảm ứng NFC, thông tin trên CCCD chưa trùng khớp với thông tin mở tài khoản ngân hàng trước đó…

Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại, nhắn tin cho khách để hướng dẫn cập nhật sinh trắc học.

Loay hoay suốt mấy ngày qua, nhưng chị Kiều Thu (huyện Bình Chánh, TPHCM) vẫn chưa cập nhật sinh trắc học thành công. Chị định ghé ngân hàng nhờ nhân viên hỗ trợ thì thấy phòng giao dịch nào cũng đông khách ngồi chờ, nên chị đành quay về.

Lợi dụng việc người dân gặp khó khăn trong khâu quét CCCD, các đối tượng lừa đảo đã nhắn tin, gọi điện tiếp cận hỗ trợ cập nhật sinh trắc học nhằm chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Phùng Huy.
Lợi dụng việc người dân gặp khó khăn trong khâu quét CCCD, các đối tượng lừa đảo đã nhắn tin, gọi điện tiếp cận hỗ trợ cập nhật sinh trắc học nhằm chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Phùng Huy.

Mới đây, chị bỗng nhận được tin nhắn hướng dẫn chị truy cập vào một đường dẫn lạ để cập nhật sinh trắc học. Tin nhắn này còn cảnh báo, nếu không cập nhật sớm sẽ hết hạn, bị ảnh hưởng đến các giao dịch chuyển tiền sau này. “Do câu chữ trong tin nhắn bị lỗi, sai chính tả, tôi biết chắc đây là tin nhắn lừa đảo nên không thực hiện theo” - chị Thu kể.

Cũng do chưa cập nhật được sinh trắc học, ngày 1/7 vừa qua, chị Ngọc Tuyết (quận 3, TPHCM) có đăng tải trên Facebook cá nhân một bài viết phàn nàn các dịch vụ ngân hàng, kèm theo hình ảnh các thao tác cập nhật sinh trắc học bị lỗi. Một ngày sau, chị Tuyết nhận được cuộc gọi tự nhận là nhân viên ngân hàng Agribank, hỏi có phải chị đang gặp trục trặc trong khâu quét CCCD trên ứng dụng ngân hàng không?

Chị Tuyết kể, lúc đầu chị răm rắp làm theo các hướng dẫn vì “nhân viên” này thuộc lòng các thông tin cá nhân của chị. Sau đó, bỗng nhớ lại nội dung bài viết mà chị đã chia sẻ trên Facebook trước đó, chị Tuyết mới biết rằng đối tượng đã dựa vào bài viết này để nắm các thông tin cá nhân của chị, nên chị đã dừng lại kịp thời.

Một số người dùng thì nhận được tin nhắn từ các số máy lạ. Nội dung sử dụng các ký tự khó nhận diện, chỉ một số từ như quét khuôn mặt... hiển thị rõ ràng hơn kèm đường dẫn truy cập. Điều này khiến nhiều người tò mò có thể truy cập các đường dẫn.
Một số người dùng thì nhận được tin nhắn từ các số máy lạ. Nội dung sử dụng các ký tự khó nhận diện, chỉ một số từ như "quét khuôn mặt..." hiển thị rõ ràng hơn kèm đường dẫn truy cập. Điều này khiến nhiều người tò mò có thể truy cập các đường dẫn.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa phát đi cảnh báo về việc có một số đối tượng mạo danh nhân viên Vietcombank gọi điện thoại cho khách đề nghị hỗ trợ cập nhật sinh trắc học.

Bên cạnh đó, một số đối tượng tạo lập các tài khoản gây nhầm lẫn như “nhân viên ngân hàng”, “hỗ trợ khách hàng” và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang fanpage chính thức của Vietcombank, sau đó nhắn tin đề nghị khách hàng liên hệ riêng. Một khi khách hàng nhắn tin thì các đối tượng này sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hình ảnh CCCD, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng để được hỗ trợ.

Thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. “Các đối tượng còn đề nghị khách truy cập vào đường dẫn lạ để tải, cài đặt ứng dung hỗ trợ thu nhập sinh trắc học, sau khi lấy được thông tin của khách thì đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản” - đại diện Vietcombank khuyến cáo.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng phát đi cảnh báo tương tự. Agribank khẳng định đơn vị này không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Do đó khách hàng tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số,... cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng; tuyệt đối cảnh giác và không truy các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin. Đồng thời khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Các ngân hàng khẳng định, khâu xác thực bằng khuôn mặt chỉ có chính chủ mới thực hiện được, không thể hỗ trợ từ xa. Nếu khách hàng nào nhận được cuộc gọi đề nghị hỗ trợ thì đó là cuộc gọi lừa đảo.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI