Giá cước Grab tăng, tài xế vẫn hụt doanh thu

30/05/2018 - 08:16

PNO - Sau khi Uber về tay Grab, giá cước tăng nhưng thu nhập của tài xế “taxi công nghệ” vẫn giảm. Vì sao?

Giá cước tăng vọt

Chị Trịnh Thu Nguyệt - nhân viên pháp lý của một công ty luật tại Q.1, TP.HCM - cho hay, cũng một quãng đường từ Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) đến công ty của chị trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), trước đây, nếu gọi xe qua ứng dụng Uber hoặc Grab, giá cước chỉ khoảng 60.000-65.000 đồng/lượt, nhưng từ khi Uber “về tay” Grab, cước phí lên 80.000-83.000 đồng/lượt.

“Nếu đặt xe vào giờ cao điểm, lúc trời mưa, giá cước tăng thì còn có lý, đằng này tôi đi ở khung giờ cố định vào buổi sáng” - chị Nguyệt nói.

Gia cuoc Grab tang, tai xe van hut doanh thu
Nhiều vấn đề nảy sinh sau khi Grab mua lại Uber - Ảnh: Internet.

Cách đây chưa lâu, chính đại diện của Grab lên tiếng cho rằng, hãng này chưa điều chỉnh giá cước; mức giá cao có thể do đặt xe vào thời điểm nhu cầu đi lại tăng, lượng đặt xe quá nhiều.

Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng sử dụng ứng dụng này lại cho rằng, giá cước thời gian qua tăng vô tội vạ.

Anh Trần Văn Định - ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM - cho biết, nếu như khung giờ được xem là cao điểm như khoảng 7g30 -9g, 16g30-18g, giá cước có thể cao hơn vài chục phần trăm, hoặc ngang bằng giá cước của các hãng taxi truyền thống thì những khách hàng như anh sẵn sàng chấp nhận.

Nhưng hiện “giờ cao điểm” để tính giá cước cao ngất ngưởng lại không có khung giờ cố định. Có những chuyến xe đường không đông, không kẹt xe, mật độ các xe chờ khách đặt trên giao diện ứng dụng cũng không nhiều, nhưng giá cước vẫn cao khác thường.

Rất nhiều khách hàng sử dụng ứng dụng Grab nhận xét, giá cước của hãng này trong khoảng hai tháng trở lại đây (trùng với thời điểm Grab mua lại Uber) đã điều chỉnh tăng đáng kể, mức tăng phổ biến vào khoảng 20-25%. Đặc biệt, vào lúc cao điểm như mưa lớn, giờ tan tầm, giá cước có khi tăng từ 200-300%.

Một nữ khách hàng ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết, chiều tối 19/5, bà có bắt xe qua ứng dụng Grab từ siêu thị về nhà, khoảng cách chưa đầy 3km nhưng cước phí lên đến 97.000 đồng. “Vẫn biết giá tăng vào giờ cao điểm, nhưng tôi không nghĩ lại tăng nhiều đến vậy, vì thường ngày cũng quãng đường này, cước phí chưa đầy 30.000 đồng” - bà này lắc đầu.

Tiền không vào túi tài xế

Nhiều tài xế thuê hoặc mua xe trả góp gần đây bị hụt doanh thu, buộc phải bán xe hoặc chuyển sang làm tài xế cho các hãng taxi truyền thống.

Dù khách hàng liên tục phàn nàn giá cước tăng cao, nhưng các tài xế đang là đối tác của Grab lại khẳng định, kể từ khi mua lại Uber, doanh thu chạy xe cho Grab sụt giảm đáng kể, do mức chiết khấu cho hãng cao (28,6%), xăng liên tục tăng giá, hàng loạt chính sách thưởng tiền theo số cuốc hay doanh thu của tài xế không được Grab áp dụng như trước. 

Hoàng - một tài xế taxi Grab - cho biết, mấy ngày trước, anh chạy được 1,3 triệu đồng nhưng sau khi hạch toán, trừ chi phí, anh chỉ còn 113.000 đồng cho 12 giờ làm việc liên tục.

Với thu nhập như vậy, anh khó lòng tiếp tục công việc. Theo tài xế này, từ khi Uber rút, các tài xế Grab không còn được thưởng khung giờ vàng, bạc, trong khi giá xăng lại tăng, chi phí chiết khấu cho hãng quá cao nên hầu như tài xế làm việc không công.

Thêm vào đó, trước đây, cánh tài xế thường chạy hai ứng dụng là Grab và Uber, giờ chỉ còn một mình Grab, xe nhiều mà khách không tăng nên tài xế cũng ít việc hơn, càng khiến doanh thu sụt giảm. 

Như một phản ứng dây chuyền, lượng tài xế Uber đổ sang Grab đông nên số chuyến ít đi, phía nhà cung ứng có thêm nhiều đối tác nên không còn đáp ứng các ý kiến từ tài xế như trước đây.

Điều này khiến các tài xế chỉ phản ứng với hãng cung cấp công nghệ bằng những cách họ có thể nghĩ ra, chẳng hạn cùng nhau tắt ứng dụng, tụ tập xe ở những cung đường cho phép, đặt cuốc ảo… 

Khách hàng và tài xế chia rẽ

Một tài xế Grabcar tên Văn cho hay, tài xế hụt doanh thu, những đề nghị tối thiểu với Grab không được đáp ứng, trong khi khách hàng thường xuyên than cước phí cao nên tài xế đôi khi cũng giảm nhiệt tình phục vụ.

Tài xế Văn thừa nhận, với những cuốc xe có cự ly ngắn, mức giá 25.000-30.000 đồng, nhiều tài xế không thèm nhận khách. Một số khách thanh toán bằng thẻ visa, nếu giá cước trên 100.000 đồng thì hãng cung cấp ứng dụng mới chuyển tiền ngay cho tài xế, còn ít hơn thì họ phải nhận sau một vài ngày. 

Tài xế bất mãn với hãng cung cấp ứng dụng, khách hàng tố Grab độc quyền cước phí tăng cao, thái độ phục vụ của tài xế đi xuống… đang khiến khoảng cách giữa giới tài xế với nhà cung cấp ứng dụng, giữa tài xế với khách hàng, giữa khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ ngày một lớn. 

Từ hai, ba ngày nay, trên những diễn đàn của cánh tài xế Grab, nhiều tài xế kêu gọi nhau tắt ứng dụng như một cách đình công, phản đối những chính sách bất hợp lý của hãng này. Tuy nhiên, chính các tài xế cũng phải thừa nhận, với số lượng hàng chục ngàn xe đang chạy cho Grab, chỉ một nhóm “đình công” sẽ khó làm thay đổi được các chính sách của Grab.

Những ứng dụng của các hãng xe trong nước không ổn định, thường có sự cố và vẫn ít được người dùng biết đến nên các tài xế chỉ cài đặt như là ứng dụng phụ. Nếu chuyển hẳn sang chạy một ứng dụng, chẳng hạn như Vato, nhiều tài xế cho rằng, khó khăn còn lớn hơn.

Chẳng hạn, chưa có nhiều người dùng các ứng dụng nội địa nên khi có khách gọi, tài xế cũng không hào hứng vì chở khách đến nơi rồi, gần như chấp nhận chạy xe trống về. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI