Giá cước 3G sẽ còn tiếp tục tăng

18/10/2013 - 19:40

PNO - PN - Dù cả ba “ông lớn” của ngành viễn thông đã đồng loạt tăng một số gói cước 3G từ 20-40% nhưng theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và truyền thông, đây là việc “cần làm” và trong...

edf40wrjww2tblPage:Content

Gia cuoc 3G se con tiep tuc tang

Ảnh minh họa: internet

Từ ngày 16/10, Viettel, Mobifone, VinaPhone đồng loạt tăng nhiều gói cước 3G từ 20-40% khiến không ít người tiêu dùng (NTD) đặt câu hỏi, có không việc bắt tay nhau để khống chế thị trường? Tại buổi giao lưu trực tuyến Vì sao tăng giá cước 3G tại Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) ngày 17/10, ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) lý giải, sự trùng lặp này, về mặt thời gian, có xuất phát điểm từ chính cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Trung, cả ba doanh nghiệp (DN) đã có văn bản đăng ký điều chỉnh giá cước từ tháng 8/2013 và bổ sung, giải trình phương án trước ngày 13/9. Trên cơ sở giải trình của DN, Cục Viễn thông đã có văn bản chấp thuận vào cùng ngày 4/10. “Không rõ các DN có họp với nhau để ra cùng thời điểm hay không, nhưng xuất phát điểm là do Bộ đã ban hành văn bản chấp thuận trong cùng một ngày”, ông Trung nói. Đại diện Cục Viễn thông cũng cho rằng, sở dĩ việc tăng giá được chấp thuận là vì cả ba DN trên đều có thị phần khống chế thị trường. Theo Luật, các DN này không thể cung cấp dịch vụ dưới giá thành để chèn ép các DN mới. Ngoài ra, ông Trung khẳng định, giá cước viễn thông ở Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới từ 2-10%.

Theo Nghị định 116 hướng dẫn một số điều của Luật Cạnh tranh, những DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường không được phép tăng giá quá 5%/lần hoặc nhiều lần với tổng mức tăng quá 5% trong 60 ngày liên tiếp khi không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Trong khi đó, Bộ TT&TT xác nhận, mức tăng trung bình của các nhà mạng trong đợt này là khoảng 20%. Trước dấu hiệu vi phạm này, tại buổi giao lưu trực tuyến, Cục Quản lý cạnh tranh lại không đưa ra bất cứ nhận định nào. Ông Trần Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cho biết, vì thông tư quy định về giá thành của gói cước mới được Bộ TT&TT ban hành nên Cục vẫn đang trong quá trình... thu thập thông tin cần thiết (?).

Cũng theo Cục Viễn thông, đợt tăng giá cước lần này có thể sẽ không dừng lại. “Với giá cước như trước khi điều chỉnh thì việc DN điều chỉnh tăng cước là việc cần làm, nếu thị trường không có biến động lớn thì trong tương lai DN sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng cước như lộ trình đã đăng ký với Bộ để đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành, thị trường phát triển bền vững, tránh đổ vỡ”, ông Trung chia sẻ.

Lật lại vấn đề, theo Cục Viễn thông và các nhà mạng, việc tăng giá khủng là biện pháp để giá bán có thể tiệm cận với giá thành. Như vậy, lâu nay, cơ quan quản lý giá ở đâu khi Luật cạnh tranh vẫn cấm DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh?

Dù giá cước tăng cao và đột ngột nhưng trong thông báo của các DN tới khách hàng, chất lượng dịch vụ không hề thay đổi. Tại buổi giao lưu trực tuyến, cả Viettel, VinaPhone và Mobifone cũng không đưa ra được một cam kết nào cụ thể liên quan đến chất lượng 3G trong đợt tăng giá này. Đại diện của Mobifone chỉ nói chung chung: “Khi nhà mạng điều chỉnh cước, đồng nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội để tái đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng”.

Kết quả cuộc khảo sát mức độ hài lòng về dịch vụ 3G năm 2012 tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng (công bố vào tháng 5/2013), chỉ còn 64 điểm trên thang điểm 100, giảm bảy điểm so với năm trước. Trong đó, khách hàng đặc biệt không hài lòng về tốc độ 3G. Theo Cục Viễn thông, chất lượng 3G trong thời gian qua vẫn được thường xuyên kiểm tra nhưng chủ yếu là dựa vào cam kết của DN. Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, Cục sẽ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng 3G, không phải trên đánh giá của DN mà trên đánh giá của NTD. Cụ thể, Cục sẽ quy định rõ vùng phủ sóng, tốc độ đường truyền… để kiểm tra chất lượng dịch vụ cung cấp. Đồng thời, Cục đề nghị DN ngoài việc công bố gói cước thì phải công khai cam kết về chất lượng cho khách hàng biết.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI