Cuối năm, Huy nói: “Cho anh theo về quê chào cha mẹ em nghe?”.
Đã có một chàng trai nói với tôi câu này và thế là chuyện trở thành quá khứ. Tôi có buồn không? Có. Buồn nhiều lắm. Nhưng với Huy, nếu cũng xảy ra như vậy thì chắc là không chỉ buồn rồi thôi. Tôi không biết mình sẽ ra sao nếu Huy chỉ còn là kỷ niệm. Tôi hay nghĩ tới Huy, tôi nhớ Huy ngay khi chúng tôi vừa nói tạm biệt và hẹn sáng mai Huy đón tôi đi làm sớm. Hẳn là đau đớn lắm nếu tôi lắc đầu.
Nhưng làm sao gật đầu đây?
Ngày cuối năm, dòng người về quê náo nức viễn cảnh sum họp. Tôi xách va-li đi vô nhà, cố tỏ ra náo nức cho ông bà nội và cha tôi được vui nhưng thật tình là không biết nói gì. Tôi sợ nhất cảnh hàng xóm đến nhà chơi mà tôi không kịp tránh vô phòng, người đó kêu lên: “Chà, càng lớn càng xinh đẹp giống...”. Câu nói bị bỏ lửng như người nói sực nhận ra sự vô ý của mình hoặc là họ cố ý thì phải.
Năm tôi học lớp mười hai, một buổi trưa đi học về, tôi thấy trước nhà mình đông đúc nhốn nháo những người và người, quen và lạ, có cả những khuôn mặt hả hê. Mẹ tôi kiêu kỳ nên nhiều người ganh ghét, được dịp chê cười mẹ tôi cũng đáng cho ai đó hài lòng. Kiêu kỳ ngoại tình ngay tại nhà mà không biết là có đặt máy quay và chứng cớ đang được trình chiếu ngay trước cổng, bằng cớ rõ ràng đúng là mẹ trả treo khi dám nói nhà chồng vô cớ nghi ngờ xúc phạm mẹ.
|
Mẹ kiêu kỳ ngoại tình ngay tại nhà mà không biết là có đặt máy quay (Ảnh minh hoạ) |
Mặt đất dưới chân tôi sụp lở. Ai đó kéo tay tôi vào nhà. Ông bà nội và cha tôi giận dữ phừng phừng. Không thấy mẹ đâu. Mẹ biến mất từ khi đó. Nhục nhã đã cuốn mẹ đi mãi mãi. Nhục nhã cũng chấm dứt luôn thanh xuân hồn nhiên và việc học hành của tôi.
Mặc cha dỗ dành đủ kiểu, tôi nhất định không chịu đến trường nữa. Hai năm sau, trên chuyến xe đưa tôi về thành phố học nghề, cha nói cha rất hối hận vì trong cơn điên giận ghen tuông, cha quên nghĩ tới tôi. Tôi đã đáp lại là tôi không chỉ xấu hổ vì mẹ. Cha nín lặng. Giữa hai cha con tôi từ đó là sự nín lặng. Cho đến khi biết yêu và biết hờn ghen, tôi mới thông cảm được cho cha, nhưng cũng chẳng để làm gì.
Chia tay mối tình đầu, tôi hiểu ra con người ta phải học cách đối diện với những vết thương lòng. Có lẽ cha nên tự tha thứ cho mình. Được không? Tôi thì đã tha thứ cho cha từ lâu. Lâu lâu không thấy tôi về thăm nhà, cha điện thoại hỏi: “Con lại giận à?”. Câu hỏi làm đau lòng cả bên nói lẫn bên nghe.
Để chứng tỏ mình đã tha thứ, có lần tôi hỏi: “Sao cha không lấy vợ đi?”. Cha chỉ cười buồn. Khi đó tôi nghĩ, như trong những bộ phim tình cảm, sự phản bội khiến người đàn ông dửng dưng với tất cả phụ nữ trên đời... Nay thì tôi hiểu khác, có phải cha cũng sợ, như tôi sợ Huy biết về gia đình mình? Có người phụ nữ nào đủ sức thông cảm với người đàn ông chứng minh mình đúng bằng cách tàn nhẫn trưng ra chứng cớ vợ ngoại tình thật sống động trước bàn dân thiên hạ? Nghiệt ngã đến thế là cùng.
Có lẽ muốn làm lại cuộc đời thì cha cũng phải như mẹ, bỏ xứ mà đi.
Mẹ không nhớ mình sao? Suốt hai năm trốn tránh bạn bè không dám gặp ai, tôi luôn tự hỏi vậy. Khi về thành phố học nghề, đi trên đường, tôi hay ngoái đầu lại với hy vọng nhìn thấy mẹ trong đám đông phía sau mà chỉ thấy những khuôn mặt bịt kín khẩu trang.
|
Suốt hai năm trốn tránh bạn bè không dám gặp ai, tôi luôn tự hỏi mẹ có nhớ mình không... (Ảnh minh hoạ) |
Mỗi khi về thăm nhà ngoại, tôi có cảm giác mẹ đang ẩn nấp đâu đó chờ tôi ngủ say... Đêm nào ở nhà ngoại tôi cũng lén uống cà phê đậm đặc rồi lên giường nhắm mắt chờ đợi nụ hôn cùng giọt nước mắt rơi xuống mặt và bàn tay nhẹ nhàng vuốt má mình... Nhưng không. Để rồi ban ngày tôi ngủ bù li bì, như để cố quên đi nỗi thất vọng đang làm mình héo hon từng ngày. Bà ngoại lo lắng hỏi, con học thứ gì ở thành phố mà về đây cứ ngủ ngày vậy hả?
Bỏ xứ mà đi thì tôi hiểu được nhưng quên bẵng có tôi trên đời thì tôi không sao hiểu nổi. Bà ngoại vừa khóc vừa nói, hay là cuộc sống mới của mẹ mày khổ sở quá cho nên... Người đàn bà kiêu kỳ không muốn ai biết mình thất bại thê thảm, có phải? Tôi không muốn tin vậy dù điều đó an ủi được tôi hơn. Tôi cầu mong mẹ giữ mãi được sự kiêu kỳ. Thậm chí tôi còn mong có ngày mẹ quay về thăm chốn cũ, sao cho ông bà nội phải hối tiếc...
Không có Huy mà anh vẫn hiện diện nơi đây bằng hộp trà xanh đặc biệt gởi mua từ vùng núi cao miền Bắc. Pha ấm trà, rót ra tách, màu nước biêng biếc như ngọc. Ông nội bưng tách trà đưa lên mũi hít một hơi thật sâu trước khi nhấp môi, còn bà nội thì nói: “Sao không đưa thằng đó về đây chơi cho biết hả con?”.
Tôi sợ vô cùng sự biết đó. Ông bà nội và cha muốn biết Huy thì anh cũng sẽ muốn biết về gia đình tôi. Thật đáng sợ. Cuộc đời tôi như chia thành hai phần, trước và sau buổi trưa đầy người nhốn nháo trước nhà hôm đó. Từ ngày có Huy, tôi nghĩ mình sẽ có thêm phần khác nữa, phần đời không còn có Huy. Trống hoác. Tôi không hình dung được gì để có thể chuẩn bị cho mình sự đối mặt ngoài nỗi trống hoác tận cùng. Người tinh tế là Huy sẽ tìm ra được một lý do cho tôi tránh được nỗi hổ thẹn. Tránh được không?
Nhà ngoại uống trà không sành điệu như nhà nội. Ông ngoại rót cạn ấm trà qua cái ca lớn và thổi phù phù cho mau nguội rồi trút nguyên khay đá vô ca mà lắc, vang tiếng lanh canh lanh canh. Nghe tôi kể loại trà hiếm có này phải nhờ người đi tới bản làng trên núi cao mua tận gốc để yên tâm là hàng nguyên chất, ông ngoại cười: “Nhiều chuyện vậy à?”. Đó là câu cảm ơn của ông ngoại khi biết ai đó phải tốn công tốn sức cho mình. Ông uống cạn ly trà đá và liếm môi cho tôi thấy ông không phí một tí xíu nào dù chỉ dính môi, còn bà ngoại thì cười hỏi: “Thằng đó đã giới thiệu con với gia đình nó chưa?”.
Chưa. Tôi nhớ ra Huy cũng chưa bao giờ ngỏ ý đưa tôi về chào cha mẹ anh. Và tôi chợt nhận ra chưa bao giờ nghe anh nhắc đến cha mẹ. Có phải vì tôi luôn né tránh đề tài này nên anh không có cớ kể về cha mẹ mình? Nhưng tôi nhớ anh thường kể về bà thím ở quê nấu món canh rau tập tàng rất ngon, những món ăn bình thường qua tay bà thím đều thành mỹ vị.
Anh kể từ khi còn nhỏ đã được ông chú dạy môn võ cổ truyền, mấy lần chân anh bị bong gân. Tôi cũng có chuyện bong gân kể anh nghe, đó là lần đầu tiên tôi mang giày cao gót đi vài bước bị trẹo chân, bác sĩ băng thun lại và tôi phải ngồi yên một tuần. Huy cười như tôi là một cô nàng ngố đang tưởng tượng anh ngồi yên ôm cẳng chân đau đớn suốt bảy ngày. Dân võ thuật có thuốc gia truyền, bong gân là chuyện tí ti thôi.
Tôi cố nhớ lại từ khi gặp Huy và những cuộc trò chuyện. Từ lúc còn vu vơ cho đến khi thổ lộ với nhau điều thầm kín. Ừ, đúng vậy. Chỉ nghe Huy kể về chú thím và mấy đứa em con của chú thím rất nghịch ngợm, Huy kể về võ đường vùng quê của Huy, nơi võ sinh phải tập chạy nhảy chân trần trên nền đất đầy sỏi dăm để luyện làn da bàn chân...
Không hề nhắc đến cha mẹ.
Có phải... Huy cũng đang che giấu một vết thương mãi không lành?
Tôi và Huy là hai mảnh của hai gia đình tan vỡ theo cách ồn ào khủng khiếp và âm vang của nó còn vọng mãi không chỉ với người trong cuộc. Nỗi đau là vĩnh viễn.
Ngày cưới, bà nội đứng ở vị trí của mẹ tôi, còn phía Huy thì chú thím của anh thay mặt cha mẹ của chú rể.
Mỗi khi ngắm nhìn lại album ảnh cưới, tới trang có tấm hình chụp cô dâu chú rể đứng giữa hai họ, tôi thường lật qua thật nhanh. Đã là mẹ của hai đứa con rồi mà vết thương vẫn sưng tấy.
Nhờ tình yêu, hai mảnh chúng tôi ghép lại thành một vẹn nguyên? Được không? Được. Huy quả quyết. Anh hứa không bao giờ để tôi và con phải buồn tủi. Và anh thêm, nói dại, nếu một ngày nào đó tôi không yêu nữa thì anh sẽ ở vậy suốt đời, dành trọn vẹn yêu thương cho hai đứa con mà thôi.
Vậy đó, chúng tôi yêu nhau biết mấy mà thay vì thề nguyện với nhau thì lại thề nguyện với con như thể bù đắp cho chính mình. Những khi nhìn Huy nựng nịu con, tôi có cảm giác như anh đang nựng nịu đứa bé trong anh.
Có phải những ai mà số phận xui khiến trở thành mảnh vỡ như tôi và Huy, đều có một đứa bé giấu trong tim?
Gió mùa lại về.
Đi làm đi học thì thôi, rảnh được chút nào thì gia đình nhỏ của chúng tôi đưa nhau đến chợ hoa. Huy nói tết từ khi bọn nhóc xôn xao thử áo quần giày dép mới chứ không phải đợi đến mùng một. Anh quyết sẽ làm mùa tết cho các con thật dài ngày.
Tôi cũng muốn vậy. Hơn nữa, đưa con đi chơi chợ hoa thì mình cũng được ngắm hoa. Lâu lắm rồi tôi đến chợ hoa không phải chỉ để mua hoa về cúng rằm. Lâu lắm rồi tôi mới lại thấy hoa là đẹp.
Hoa cúc, hoa mãn đình hồng, hoa lan, hoa thúy, hoa lồng đèn... Hai đứa trẻ thích thú tò mò muốn biết tên hoa và những câu hỏi về mùa xuân... Đứng trên cầu nhìn xuống những chiếc thuyền từ các nơi chở hoa về, mặt nước phản chiếu bao sắc hoa rực rỡ lung linh khiến dòng sông như một bức tranh lộng lẫy sống động.
- Kìa, sao đằng kia không có hoa hả mẹ?
Con chỉ tay đến nơi đang trưng bày những cành mai, đôi mắt đầy vẻ thương cảm cho dáng gầy trơ trọi.
- Hoa mai, nữ hoàng của mùa xuân đó con à - Huy vội nói ngay. Anh luôn sẵn lòng giải thích. Anh sợ con mình lớn lên ngốc nghếch gà công nghiệp chỉ biết học vẹt trong sách vở mà thôi.
Đứa trẻ thơ ngây mở to mắt hoài nghi và ngưỡng mộ:
- Nữ hoàng thật hả ba?
Rồi ngốc nghếch thắc mắc rất có lý:
- Sao mình biết chắc nó nở hoa đúng ngày tết hả ba?
Huy nheo mắt nhìn tôi. Tôi biết anh muốn gì rồi. Chúng tôi mới dọn về căn hộ chung cư, còn phải trả góp trong tám năm nữa mới xong, phải tiết kiệm hết sức. Tờ bìa cứng ghi giá bán dán ở vành chậu khiến tôi cắn môi.
Cuối cùng thì chậu mai cũng theo chúng tôi về nhà, để trả lời sống động cho một câu hỏi của con. Huy cười, cảm ơn con, nhờ hai đứa mà tết này nhà mình có nữ hoàng đến chơi. Ừ, những đứa con làm được điều kỳ diệu, như là khiến tôi chịu hào phóng. Mùa xuân cho tuổi thơ tính thành tiền là vô giá. Và kỳ diệu hơn nữa là nhờ con mà mỗi lần ngoái nhìn lại, tôi không để nỗi buồn gặm nhấm mình nữa, nhìn lại để biết mình phải khác...
Sáng nào khi thức dậy, hai đứa con cũng ngay lập tức chạy đến nhìn ngó từng cái nụ và reo vang khi nhìn thấy một cái chồi mới nhú...
Niềm trông ngóng thật hồi hộp háo hức làm sao.
Như nỗi chờ mong hạnh phúc. Mà sự chờ mong nào rồi cũng sẽ được đáp đền tương xứng, tôi luôn tin thế.
Nguyên Hương