Giả bộ nấu xà bần

25/12/2024 - 16:14

PNO - Đó có lẽ là món ăn nhanh có lịch sử lâu đời nhất của đàn bà con gái miền Tây, nhưng đến đời con, đời cháu của tôi sau này, có lẽ món ăn ấy mãi mãi chỉ còn tồn tại trong lời kể.

Ngày còn nhỏ, trong những câu chuyện, tôi thường nghe má nhắc tới món xà bần. Tôi chẳng biết xà bần là cái gì. Có khi, đầu óc non nớt của tôi lại liên tưởng tới trái bần ngoài mé sông, lòng thầm hỏi không biết món ăn có cái tên lạ lẫm ấy liên quan gì tới cây bần hay trái bần chăng.

Tôi đem thắc mắc hỏi dì Ba, là chị của má, dì xoa đầu tôi, cười: “Xà bần là món tả pín lù, là cái gì còn dư thì đem nấu chung một nồi”. Thường chỉ ngày tết, khi trong nhà có nhiều món ăn không hết thì mới đem nấu xà bần ăn cho đỡ phí, mà cũng lạ miệng, đỡ ngán. Mà đó là nói chuyện tết xưa - tết của một thời khốn khó. Nhưng chắc đã mấy chục năm rồi, ngoại, rồi dì và má tôi… đã không còn nấu xà bần nữa.

Ngày ngoại đau, rồi yếu dần, có bữa ngoại nói với dì: “Sao má thèm xà bần quá con”. Thương ngoại, dì quay đi lau vội giọt nước mắt chực tràn nơi khóe mắt rồi làm giọng vui: “Giờ chưa tới tết, hay để con giả bộ nấu xà bần má ăn, nha má”.

Dì Ba thông báo mong muốn của má, dặn mỗi nhà làm một món tết, để dì gom nguyên liệu cho nồi xà bần. Vậy là mấy anh chị em, người phụ trách nồi thịt kho tàu, người làm khổ qua cá thác lác, người làm món dưa đầu heo, dưa cải, củ kiệu ngâm giấm… Duy có món chả lụa, lạp xưởng thì khá mất công, nên được đặc cách cho mua ngoài chợ.

Mỗi món, dì tôi lấy một ít, đem cắt miếng nhỏ cho giống với đồ ăn còn thừa, rồi đổ chung vô một nồi, chan thêm nước kho thịt cho xâm xấp mặt, rồi bật lửa riu riu lên kho.

Nồi xà bần, nhờ tổng hợp mùi vị của nhiều món, nên có vị ngọt ngọt, mằn mặn rất đưa cơm. Chờ cho các thứ thấm vị, dì mới múc một chén đem lên cho ngoại, chung với lưng chén cơm trắng. Ngoại móm mém cười, nói ngoại hông ăn cơm, chỉ thèm bánh tráng chấm nước xà bần.

Đúng rồi, những mùa tết xưa cũ, sau khi lo cúng kiếng rồi tiếp khách mệt nhoài, các bà, các chị thường chỉ kịp vô bếp, nhúng vội mấy cái bánh tráng rồi múc chén xà bần chấm ăn. Đó có lẽ là món ăn nhanh có lịch sử lâu đời nhất của đàn bà con gái miền Tây.

Ngày nào gửi ghe hàng mua giùm được ký bún ngoài chợ huyện thì bún chan xà bần cũng là món ngon khó cưỡng. Tết xưa, thời còn khó khăn, mỗi khi ăn hết phần cái trong nồi xà bần mà phần nước thịt vẫn còn, ngoại sẽ bỏ thêm củ cải trắng, khổ qua, măng tươi… để tiếp tục nối dài đời sống cho nồi xà bần cho tới hết mùng.

Nồi xà bần “giả bộ” của dì tôi nấu lần đó là nồi xà bần đầu tiên mà tôi được nếm, nhưng cũng là nồi xà bần cuối cùng trong đời ngoại. Ngoại mất, ngày tết cũng không còn ai kêu nấu món xà bần, phần vì bây giờ kinh tế khá giả, thức ăn phong phú, đâu ai còn phí thời gian để nhặt nhạnh nấu cái món lạ lùng đó nữa.

Đến đời con, đời cháu của tôi sau này, có lẽ món ăn ấy mãi mãi chỉ còn tồn tại trong lời kể của cha mẹ chúng về một thời đã xa.

Quang Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI