Ghi tên các thành viên trong gia đình vào ‘sổ đỏ’ là ‘đẻ’ thêm thủ tục, phi thực tế

22/11/2017 - 20:18

PNO - Đó là khẳng định của GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ Trưởng Bộ TNMT và giới luật sư về quy định: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất, tại Thông tư 33/2017.

Quy định phi thực tế 

Trước đây, thời kỳ bắt đầu đổi mới, có quy định Nhà nước giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64 thì ghi rõ giao cho những thành viên nào trong gia đình. Lúc đó người nào được giao, người đó được viết tên vào giấy chứng nhận. Thực sự nó chỉ có ý nghĩa đối với đất nông nghiệp được giao mà không thu tiền sử dụng đất vào thời kỳ đổi mới.  

Còn hiện nay, về nguyên tắc cấp giấy chủ quyền là ai có đóng góp tạo lập thửa đất thì có quyền ghi tên vào giấy chủ quyền. Vì vậy, có thể đây là lý do Thông tư 33 quy định “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất” nhằm làm rõ thêm về quyền tài sản. Tức ai có đóng góp tạo ra tài sản thì người đó có quyền.

Ghi ten cac thanh vien trong gia dinh vao ‘so do’ la ‘de’ them thu tuc, phi thuc te
GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là ai sẽ hướng dẫn chi tiết để thực hiện trên thực tế quy định này. Bởi từ lý thuyết đến quy trình thực hiện không đơn giản. Chẳng lẽ từ nay mỗi khi đi làm giấy chủ quyền phải quy tụ cả gia đình? Chẳng hạn, nếu bố mẹ đứng tên trên giấy chủ quyền thì có cần các con ký tên xác nhận hay không và ngược lại. Hay hiện nay theo quy định pháp luật dân sự chỉ yêu cầu vợ hoặc chồng xác nhận tài sản chung, riêng khi mua bán đất, nhưng nay bố mẹ mua bán đất có phải yêu cầu các con phải viết vào đó là tài sản chung hay riêng không. Cụ thể của ai? 

Đó là chưa kể thực tế trong gia đình có đứa con không chịu có ý kiến thì sao? Hay có vài đứa con đang sống ở nước ngoài chẳng lẽ mỗi lần mua bán đất phải bay về nước để xác nhận? Rồi bản thân mỗi hộ gia đình không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”. Mỗi nhà mỗi cảnh, gia đình “lục đục”, con cái không chịu ký xác nhận thì sao?… 

Chắc chắn sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính. Bởi nếu không phát sinh thêm thì không thể chứng minh được tài sản đó thuộc về ai. Nhưng thủ tục này chắc chắn không đơn giản. Đáng ngại nhất là câu chuyện thực thi ở các địa phương, không khéo nhiều nơi sẽ đặt ra nhiều quy định phức tạp, làm khổ dân. 

Đây là những vấn đề bắt buộc phải đặt ra khi ban hành luật chứ không phải muốn quy định gì thì quy định.  

GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 

Quy định không giải quyết được gì mà còn làm rắc rối thêm 

Luật đất đai 2013 quy định rất chung chung, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Ghi ten cac thanh vien trong gia dinh vao ‘so do’ la ‘de’ them thu tuc, phi thuc te
Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TP.HCM

Như vậy, khái niệm đang sống chung, có quyền sử dụng đất chung cũng rất khó xác định. Tuy khái niệm hộ gia đình không rõ nhưng Luật đất đai không quy định phải ghi tên từng người ra. Giờ Bộ TNMT muốn rõ ràng, ban hành Thông tư 33 quy định chi tiết Luật đất đai. Nhưng việc ghi cụ thể hóa như vậy sẽ khó giải quyết đúng được vấn đề quyền lợi các thành viên trong gia đình. Bởi bài toán đặt ra làm sao xác định được thành viên trong hộ gia đình ai có đóng góp, ai không? Quy định này rất dễ dẫn đến bỏ sót người hoặc ghi tên người không phải là người có đóng góp. Nguy cơ dẫn đến tranh chấp ngay từ đầu thực hiện. 

Điều 212 của Luật dân sự 2015 đã có quy định về sở hữu chung của các thành viên trong gia đình. Trong đó quy định tài sản của các thành viên trong gia đình cùng sống chung với nhau là do các thành viên cùng đóng góp, tạo lập nên. Như vậy, việc ban hành Thông tư 33 không những không cần thiết mà còn nguy cơ gây rắc rối thêm, giải quyết sai đối tượng. Hậu quả này sẽ vô cùng nghiêm trọng.  

Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 5 Thông tư 33/2017 của Bộ TNMT có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, đối với hộ gia đình sử dụng đất, trên giấy chứng nhận sẽ thể hiện các thông tin hộ gia đình gồm: họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình và cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình.

Sau đó ghi thêm: cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Phan Trí (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI