PNO - Chiều 11/6,chúng tôi rời Sài Gòn đi về hướng Phan Thiết với một thôi thúc duy nhất: “Phải tận mắt chứng kiến hỗn loạn trước khi luận bàn về nó”,dù các kênh thông tin đã lần lượt đưa lên vô số hình ảnh từ vô số góc nhìn.
21g30, thành phố Phan Thiết “đón” chúng tôi bằng một loạt tiếng nổ, chừng như tiếng súng phát ra từ cầu Trần Hưng Đạo. Đám đông đứng đặc kín đoạn đường dẫn lên cầu. Cách đó chừng 250m, ngay đường Trần Hưng Đạo, người dân đã di chuyển chậm hoặc dừng xe, đứng nhìn về phía cây cầu.
Thấy tôi dáo dác hỏi, một người dân địa phương giải thích: “Một dàn đồng phục màu sậm trên cầu là cảnh sát, còn hai bên cầu là dân đó”. Tôi không thấy được “bên kia”, chỉ thấy bên này một đám đông chừng vài trăm người, có cả người đi bộ, đi xe đạp, xe máy.
Tôi hỏi: “Ai nổ súng?”. Người đàn ông vội vã nói: “Không không, pháo đó! Không phải súng”. Đồng nghiệp của tôi nhảy xuống xe, kiên quyết tiến gần đến hiện trường. Những quả pháo bùng sáng cả một vùng trời. Pháo khói từ cây cầu quăng ngược về phía đám đông. Đám đông bỏ chạy tán loạn.
Tôi băng qua bên kia đường. Đám đông từ hướng cây cầu đã tháo chạy xuống đến đây. Trước tiệm thuốc Hồng Hưng, quán cháo vịt vỉa hè vừa thấy khách đã la to: “Hết cháo”. Mấy người phụ nữ trung niên vừa chạy đến, nghe tiếng la to của chủ quán cũng nép ra sát đường. Nhưng chỉ chừng vài giây sau, cả đường phố như dừng chuyển động. Người ta ngoái nhìn về phía cầu xem tình hình.
Tình hình khá yên ắng. Dàn cảnh sát cơ động vẫn đứng trên cầu. Khoảng đường dưới chân cầu trống hoác do đám đông vừa bỏ chạy. Người dân lại hò nhau “hết rồi, lại coi tiếp đi”. Đoàn người lại dò dẫm “tịnh tiến” lại phía cầu. Bất ngờ, cả đường phố như cùng giật mình khi mấy chiếc xe máy nẹt pô, xé đám đông, chạy vút qua.
Đêm kinh hoàng ở Bình Thuận - Ảnh: Quang Hiếu
Trên vỉa hè ngay trước tiệm thuốc, hai người phụ nữ người địa phương giật mình núm níu áo nhau, rồi quay sang tôi, lí nhí: “Nó đó”. Giọng chị như gằn trong cổ họng: “Tụi nó làm mà mang tiếng cả dân Bình Thuận, rồi ai cũng nói dân Bình Thuận đốt ủy ban”.
Theo hướng chị nhìn, những chiếc xe máy đã vụt qua. Những người ngồi trên xe chừng như đều chỉ mới vị thành niên, với vẻ ngoài quen thuộc như mọi đứa trẻ vẫn ngông nghênh xé gió lao bạt mạng trên đường, ở mọi địa phương.
Đứng ở khu vực đó 2 giờ, tôi chứng kiến không dưới 10 lần mưa gạch đá được quăng đi, pháo quăng lại, rồi đám đông chạy tán loạn. Nhưng sau chừng dăm lần “giải tán”, đám đông đã dịch chuyển xuống nhiều hơn ở đoạn quanh quầy thuốc Hồng Hưng. Trên cầu chỉ còn lác đác một nhóm người.
Tiếng nổ lại vang lên. Nhóm người đứng sát cầu lại bỏ chạy. Một người đàn ông chừng 50 tuổi nhìn cảnh tán loạn, chậc lưỡi: “Trời ơi chúng làm vầy biết tới bao giờ mới yên?”. Những người đứng riêng lẻ gần đó nhanh chóng vây thành một nhóm quanh người đàn ông, một người phụ nữ nói: “Biểu tình thì cứ đàng hoàng xuống đường, ưng nói cái gì thì nói, mắc gì ném bom, đốt ủy ban vầy, mai mốt làm sao mà ăn nói với ai?”.
Nhóm thanh niên liên tục ném gạch đá, mảnh kính vỡ về phía Cảnh sát cơ động giữ gìn trật tự trên cầu Trần Hưng Đạo
Tôi vô tình trở thành một phần của nhóm người vừa bắt đầu xôn xao bàn luận. Một thanh niên hỏi tôi: “Hôm qua có đi coi không?”. Tôi lắc đầu. Anh hỏi tiếp, giọng đùa cợt: “Đàn bà con gái sao không ở nhà ngủ nghỉ đi, ham cái gì mà ra đây coi?”. Tôi cười, chưa biết trả lời thế nào thì anh bị cuốn vào cuộc luận bàn của những người dân địa phương quanh đó. Tôi lặng lẽ rời khỏi nhóm.
Ở đoạn đường “nóng” nhất Phan Thiết đêm đó, đi đâu bạn cũng gặp một nhóm người đang bàn luận và phỏng đoán. Pháo lại vừa dội sáng ở đầu cầu. Giữa đám đông đang bỏ chạy, những đứa trẻ vị thành niên lại vút qua. Một người phụ nữ lại đập đập tay tôi, nói: “Tụi nó ném bom đó”. Câu nói thầm thì đó chỉ đủ tôi nghe. Nhưng cả một đoạn đường đều nhìn theo nhóm trẻ.
Nhớ lại hai chữ “nó đó” run rẩy của người phụ nữ ban nãy, tôi lẩn vào đám đông, tiến gần về phía vẫn phát ra tiếng nổ cùng hướng lao xe của đám trẻ. Ngay lúc tôi đến, tình hình đang “yên”. Hầu như đám đông đã lùi về sau chỉ là… khán giả. “Trung tâm” lúc này là nhóm trẻ vị thành niên đang đối diện với lực lượng cảnh sát đang đứng dàn hàng ngang trên cầu. Hai bên cách nhau chừng 40m.
Những chiếc xe máy vút đi, rồi lại vút đến, chở theo những bao tải gạch đá để sẵn. Tháo miệng một bao đá, đám trẻ hè nhau: “Ném chết nó đi!”. Gạch đá vừa ném đi, Cảnh sát cơ động ném xuống một số pháo. Đám đông tràn lên vỉa hè, í ới: “Chết! Chết! Chạy! Chạy!”. Tôi đang thục mạng chạy trong cơn tán loạn thì lại nghe ra đám đông như đang đùa giỡn, chọc ghẹo nhau. Cả lời báo động “chạy, chạy” cũng giống như tiếng đùa giỡn trong một “trò chơi lớn”.
Chạy được ngay đến khu vực quanh tiệm thuốc tây Hồng Hưng, họ lại dừng lại, đứng trông chừng về phía cây cầu. Một nhóm 4 người trạc 40 tuổi đang bàn tán xôn xao, thấy tôi dáo dác, một nguời đàn ông trong đó nói: “Nhìn là biết ở đâu tới coi nè”. Tôi cười. Anh nhiệt tình nói: “Tui đảm bảo với chị, chỉ có mấy đứa mất ngủ như tui mới ra đây đứng coi chớ người ta đi ngủ hết rồi! Chị cũng mất ngủ đúng không?”. Nhóm bạn anh bật người.
Rất nhiều người dân xuống đường Trần Hưng Đạo đêm khuya chỉ để coi "biểu tình"
Một chị gái trong nhóm hỏi tôi: “Ủa chị đi một mình hả? Bạn chị đâu?”. Tôi đành tình thật: “Tôi ở trong kia ra đây coi biểu tình thôi!”. Đám người quanh tôi nhốn nháo. Chị gái nói giọng nửa đùa nửa thật: “Trong kia là trong nào? Ê dân miền khác tới là bị nghi tới xúi giục dân Phan Thiết làm bậy đó nghen! Đám ném gạch đá trong kia cũng toàn là dân “trong kia” ra không đó”.
Tôi bất ngờ hỏi: “Ủa những bạn đó không phải người Phan Thiết hả?”. Mấy người đứng gần lắc đầu: “Có biết ai vô ai đâu, không biết tụi đó ở đâu mà nói giọng lạ lắm. Nghe kêu ở Sài Gòn ra không đó”. Thông tin của chị gái lan ra những người đang đứng gần đó. Cuộc phỏng đoán lại nối dài. Những người đàn ông chậc lưỡi, than: “Nó ở đâu mà nhè lúc dân mình phản đối đặc khu tới kích động đốt trụ sở, ném bom xăng, đánh công an, chứ dân Phan Thiết ai mà đi đốt ủy ban tỉnh”.
Hàng chục cuộc chuyện trò suốt 2 giờ cũng không giúp tôi giải mã nguồn cơn của một “Phan Thiết quá khích”. Tất cả những lời thốt ra từ chính những người “xuống đường” đêm 11/6, ngay trên đoạn đường qua cầu Trần Hưng Đạo - cũng đều là những lời phỏng đoán.
Họ chắc chắn là dân Phan Thiết. Họ cũng chính là một phần của cái đám đông đang nổi tiếng trên mọi kênh truyền thông với hình ảnh tràn xuống các ngả đường Phan Thiết những ngày này. Chỉ có điều, họ không phải là những người ném bom, đốt ủy ban hay đối đầu với cảnh sát. Họ chỉ là “khán giả”.
Và vài chục người tôi trực tiếp trò chuyện đều chỉ biết về những người đốt phá, ném bom qua những đồn đoán. Còn những “nhân vật trung tâm” thì xa lạ trong một vẻ ngoài non nớt, ngông nghênh. Nếu không ném bom xăng, gạch đá về phía cảnh sát, thì bọn trẻ cũng lao xe bạt mạng, không thể đến gần.
“Dân Phan Rí” trong trụ sở điêu tàn
Ở Phan Rí thì khác. Sáng sớm 12/6, tại trụ sở Đội Cảnh sát phóng cháy chữa cháy (PCCC) Phan Rí Cửa (H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), khung cảnh hoang tàn được “đánh thức” khi một vài người dân đang vào bên trong, thăm coi tình hình. Từ trưa đến đêm 11/6, có tổng cộng 15 chiếc ô tô bị nhóm người quá khích đốt phá trong sân trụ sở.
Trụ sở Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Phan Rí Cửa bị đốt phá. Ảnh: Quang Hiếu
Từ bên ngoài sân cho đến bên trong phòng làm việc và phòng ở, mọi thứ đều bị đập đổ, vỡ vụn tan tành. Lực lượng bảo vệ bị nhóm quá khích tấn công, buộc cởi bỏ đồng phục rồi mới giải vây. Trụ sở Đội Cảnh sát PCCC Phan Rí Cửa trong chiều và đêm 11/6 như một “pháo đài” bị nhóm quá khích chiếm giữ.
Trời gần sáng, đã có chừng 10 người dân vào trong sân trụ sở, bắt chuyện, bàn luận. Nhiều người chậc lưỡi, lắc đầu, than: “Nó làm vầy là phá hoại tài sản của dân, rồi cũng nhân dân bỏ tiền ra sắm lại chứ ai?”. “Trời ơi, cả chục chiếc là cả chục tỷ rồi! Còn cả cái tòa nhà nát bươm nữa”.
Những dáng người lầm lũi lần giở những đống đổ nát, ngó nghiêng giữa một khung cảnh điêu tàn của 10 chiếc xe cháy trơ khung, 2 chiếc xe tải bị đập vỡ kính và tòa nhà ám khói bụi trong buổi sớm mai ảm đạm. Chỉ khi một người phụ nữ ăn to nói lớn bước vào, cuộc “tham quan” của bà con mới trở nên rộn ràng. Chị cầm tấm khiên nhựa có dán chữ “CSCĐ” dưới đất lên nói: “Tội mấy nhỏ chưa nè! Hôm qua nó bắt mấy nhỏ cởi đồ ra rồi nó mới tha. Tụi nó cởi đồ ra nhìn đứa nào đứa nấy trẻ măng hà! Xong rồi tụi tui mới dẫn nhỏ ra đường, kêu xe ôm chở đi đó”.
Nhóm người xúm lại quanh chị, hỏi han. Chị đứng diễn tả như hỏi một nhân chứng thứ thiệt, rồi lật đật chạy sang bên hông dãy nhà, la lớn: “Xe của tui mà nó đốt vầy đây trời”. Cả nhóm người dân lào xào: “Ờ, cũng xe của dân hết! Đốt xong thì cũng dân mua lại chứ ai”. Ở bên hông dãy nhà, hai chiếc xe dựng đó cũng bị đốt rụi.
Chừng 8g sáng, sân trụ sở đông nghịt. Người dân cẩn thận rà xe máy lại trước cổng ngóng tình hình rồi mới vào trong. “Nó đi hết rồi hả?”. “Ừ, còn người mình thôi!”. Mỗi khi được xác nhận an toàn, người ta lại yên tâm đưa xe vào bên trong, ngó nghiêng. Có người phụ nữ vừa trờ xe tới đã chậc lưỡi: “Chu cha, đám này mà là dân cái gì! Tụi nó có phá hoại chứ biểu tình với ai”. Người phụ nữ dừng xe gần đó quay sang gằn giọng: “Chị biết ai đốt không mà chị nói?”. “Nó đông vậy sao biết được, nhưng không phải công an đốt thì là dân đốt chứ ai?”.
Cảnh tan hoang bên trong trụ sở Cảnh sát PCCC Phan Rí Cửa sau khi bị đốt phá
Cuộc cãi vã lan ra cả những người đứng cạnh, mỗi người nói một câu cho đến khi một người phụ nữ như phát cáu: “Mấy người có tận mắt thấy dân đốt không? Biết có phải dân đốt không mà tự mình cũng nói dân mình đốt để mang tiếng cả cái Phan Rí này?”. Nói rồi, chị rồ xe máy chạy đi.
Tôi ngồi trong bộ bàn ghế đá đặt bên hông dãy nhà bị đốt ám khói. Ở đây, một vài người dân lần đầu chứng kiến quang cảnh sau 2 ngày kinh hoàng đó, cứ chậc lưỡi vu vơ: “Cái này là sở chữa cháy của Phan Rí sao lại đốt? Đốt của Phan Rí mình làm chi?”...
Có một người đàn ông chừng 45 tuổi, vừa uống rượu, vừa bàn luận với bà con về diễn biến hôm qua. Đang rôm rả, người đàn ông chợt thả chai rượu xuống bàn, nói: “Đám kia làm gì mà bịt mặt vậy kìa? Coi chừng chúng nha”. Theo hướng anh nhìn, có thể do mùi cháy khét mà rất nhiều người đàn ông, phụ nữ đeo khẩu trang. Nhưng từ bộ bàn ghế đá, hết thảy người dân đều như đang điểm qua từng dáng người đang “che mặt” đó với ánh mắt hồ nghi.
Ngồi bên cạnh tôi là một người phụ nữ mang thai, chị nói: “Ngay trong cái bàn này cũng không chắc ai tốt ai xấu nữa. Như tui cũng đâu biết mấy người là phe nào? Biết đâu giờ tui ngồi đây chứ chút nữa tui lại thấy tui trên Facebook”. Như bị “đụng chạm”, một người phụ nữ lớn tuổi nói giọng gay gắt: “Mày là ai mà người ta phải quay lén mày”. Nhóm người vừa cùng bàn luận chuyện quê nhà chợt cãi nhau inh ỏi.
Người đàn ông say rượu giảng hòa bằng cái giọng nhừa nhựa: “Đó thấy không? Người ta chỉ ví dụ thôi mà, có nói riêng ai đâu? Chừng này người ngồi đây mà nói một đằng hiểu một nẻo rồi, biểu sao mà không đập nhau, đốt nhà?”. “Các bên” tranh cãi dằn dỗi bỏ đi.
Vật dụng cá nhân của các chiến sĩ PCCC Phan Rí Cửa bị đập phá
Chỉ còn hai người trên bộ bàn ghế đá, anh quay sang tôi, hỏi: “Em bao nhiêu tuổi rồi?”. Tôi còn ngập ngừng thì anh nói tiếp: “Anh không biết em nhiêu tuổi, còn anh thì 45 tuổi đầu rồi. Chừng hai chục năm nữa anh cũng chết. Nhưng anh phản đối đặc khu 99 năm vì thế hệ con anh!
Đừng nhìn mấy chiếc xe cháy này mà phê phán người biểu tình! Xe cháy là do người đốt xe, không phải do người biểu tình! Em công nhận không?”. Mạch nói cứ ngắt quãng trong cơn ngà ngật say. Anh lại với sang hỏi một người đàn ông vừa mới bước tới: “anh công nhận không?”, rồi hỏi cả những thanh niên đứng gần đó. Có lẽ vì anh say rượu, ai cũng thờ ơ.
Tôi đứng lên khỏi chiếc ghế đá, phía trước, người dân ken đặc quanh những chiếc xe cháy. Ai cũng đứng trong một nhóm nào đó. Tất cả họ chỉ chung một sự ngỡ ngàng, xót xa, còn mọi cuộc bàn luận sâu hơn đều đi đến bất đồng. Những người “nhìn có vẻ lạ” đều bị soi xét. Nhiều cuộc trò chuyện dừng nửa chừng vì họ chợt giật mình nghi ngờ người đối diện. Vài người miễn cưỡng gạt bỏ nghi ngờ bằng tuyên bố: “Tôi không nói gì sai nên chẳng sợ người xấu”.
Rồi người ta chỉ dừng tranh luận khi một nhóm thanh niên lái xe ba gác vào. Nhóm thanh niên thu gom đồng phục cảnh sát và dụng cụ vứt vương vãi giữa bãi xe cháy. Người dân quan sát rồi quay sang bảo nhau: “cơ động Phan Rí mình đó”, rồi lặng lẽ nhìn theo cho đến khi nhóm “cơ động Phan Rí” rời đi.
Lúc nhóm cảnh sát cơ động mặc thường phục đưa xe ba gác đi ra khỏi cổng trụ sở, vài người thở phào, “cơ động quay lại gom đồ thì chắc chỗ này an toàn rồi”...
Ngay tại Bình Thuận, ở từng điểm nóng như Phan Thiết, Phan Rí, mọi thứ đều mập mờ. Tôi đã đến “một Bình Thuận đang rất nóng” trong một phỏng đoán về một cuộc phẫn nộ địa phương. Môi trường bị ô nhiễm, nền ngư nghiệp khốn đốn cho đến những vụ khiếu kiện đất đai quen thuộc. Tất cả những điều đó đang được dư luận đánh giá như một nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng quá khích ở Bình Thuận.
Nhưng đến tận nơi, nhìn tận mắt, chợt thấy cái “địa phương” nọ cũng là một cách gọi tên hàm hồ về chủ thể của cuộc náo loạn. Người địa phương ngơ ngác, phỏng đoán vì chính những sự việc được cho là có họ trong đó. Có thể, ở đây đã có bức xúc, đã có bất bình, và bây giờ có cả sự quá khích, gây hấn. Nhưng chúng không hẳn là nhân - quả của nhau.
Lấy những nguyên nhân xuyên suốt kia để lý giải cho những quá khích đang diễn ra ở Bình Thuận, e vẫn là một cách lý giải võ đoán. Nếu bạn đã cùng chạy loạn ở cầu Trần Hưng Đạo, hay chạm vào cái điêu tàn của Phan Rí vào buổi sớm mai đầu tiên sau đêm kinh hoàng đó, bạn sẽ thấy “người dân địa phương” trong cách gọi tên cuộc gây rối nọ, là một cái tên chung quá gượng gạo.
Bạn sẽ thấy nguồn cơn của cơn cuồng loạn đang ở mờ mịt đâu đó trên một đám đông bằng xương bằng thịt vẫn tràn ra đường mỗi ngày. Tôi không chạm được đến nó. Nhưng, là một bạn-đọc-đã-tận-mắt-chứng-kiến, tôi xin khước từ những nguyên nhân đang được dư luận lan truyền về “nguồn cơn của sự quá khích ở Bình Thuận”. Cũng như những người dân đã thẳng thắn khước từ đứng chung với nhóm người cuồng loạn, rằng “đừng gọi đó là dân Phan Rí”.
Trong khuôn khổ ghi chép này, tôi không phân tích hay phủ định về thực hư của những nỗi ấm ức của người dân Bình Thuận. Nhưng, nếu võ đoán mà đem nỗi ấm ức (có thể là) của họ để lý giải cơn “nhân tai” chính họ cũng đang bàng hoàng nếm trải - thì cũng giống một cuộc gieo oan đầy bất công với người Bình Thuận.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.