Ghi chép qua ngày đầu của kỳ thi THPT quốc gia

26/06/2019 - 07:18

PNO - Kết thúc ngày thi đầu tiên, kỳ thi vẫn được đánh giá an toàn, nghiêm túc. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng vẫn còn một vài “hạt sạn”...

Trước và trong kỳ thi, ban chỉ đạo kỳ thi cử tám đoàn thanh tra kiểm tra xuyên suốt hết 63 tỉnh thành, chưa kể thanh tra cắm chốt của các trường đại học. Có thể nói, trước và trong kỳ thi này, cả xã hội, nhất là ngành giáo dục cả nước phải chạy nước rút “bài binh bố trận” để ngừa tiêu cực. 

''Bài binh bố trận'' vẫn... lọt đề

Thị sát ngày thi đầu tiên tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi quốc gia, nhấn mạnh: phòng thi nào có camera cũng đã kiểm tra và niêm phong nhưng lưu ý trước khi bắt đầu mỗi buổi thi, yêu cầu các trưởng điểm thi, cán bộ mỗi phòng thi phải kiểm tra lại, tránh trường hợp qua đêm các niêm phong không còn đảm bảo. Thành phố là địa bàn có các điểm thi sát đường và gần khu dân cư, sau mỗi buổi thi cần rà soát... 

Ghi chep qua ngay dau cua ky thi THPT quoc gia

Thí sinh vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM)

Đi một vòng quanh các điểm thi trong ngày đầu tiên sẽ ghi nhận đủ sắc thái, nhưng phần lớn là căng thẳng. Cũng trong ngày thi đầu tiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT buổi sáng kiểm tra ở Đắk Lắk, chiều “bay” vào TP.HCM và dự kiến sẽ tiếp tục kiểm tra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Người làm công tác thi căng thẳng không? Có nhiều là đằng khác! Người đi thi áp lực không? Dĩ nhiên rất áp lực! Cha mẹ thí sinh tạm gác công ăn việc làm để đứng 2-4 tiếng trước cổng trường thi đợi con với tâm trạng bất an, lo lắng đến bật khóc... 

Dễ dàng nhận thấy cả ngành giáo dục vất vả dự đoán nhiều kịch bản tiêu cực và đề ra biện pháp để phòng ngừa. Thế nhưng, ở môn thi đầu tiên, một thí sinh tại Phú Thọ đã chụp đề văn phát tán ra bên ngoài dẫn đến đề văn xuất hiện trên mạng chỉ sau 2/3 thời gian làm bài.  

Đề bị “chê” nhàm chán

Có lẽ do quá tập trung vào khâu tổ chức, đảm bảo an toàn trường thi để tránh “hố đen” tiêu cực ở mùa thi năm trước mà đề thi cả hai môn trong ngày đầu bị “chê” cũ. 
Theo thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, đề thi ngữ văn quá an toàn, trong khi giáo viên, học sinh, phụ huynh kỳ vọng sự mới mẻ hơn so với mọi năm. Xét về tổng thể, đề thi năm nay không có sự thay đổi so với năm ngoái.

Theo thầy Đức Anh, câu đọc hiểu lựa chọn bản thơ, có câu hỏi tương đồng năm 2018 về thể thơ, hiệu quả của biện pháp tu từ. Cách hỏi của câu 2, 3 đôi khi khiến học sinh mơ hồ. Nhiều học sinh nói gặp khó khăn trong câu đọc hiểu khi đọc mà không hiểu gì.

Phần nghị luận xã hội yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống được giới chuyên môn tại TP.HCM cho là vấn đề khá cũ, vì từ lớp Sáu, Bảy học văn nghị luận đã được làm. 

Câu nghị luận văn học khiến học sinh lo lắng nhất, nó hơi khác biệt so với năm 2018 và đề thi minh họa năm 2019. Cách chọn thể loại bút ký cũng gây khó khăn cho học sinh hơn thể loại thơ hay văn xuôi. Nhiều giáo viên dạy văn tại TP.HCM nhận định đề văn chưa hay, chưa kích thích được nhiều hứng thú, sáng tạo với học sinh, nhất là học sinh khá, giỏi thi khối C, D. 

Theo thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du, đề toán có độ khó thấp hơn năm ngoái và nhẹ hơn đề thi tham khảo. Phạm vi kiến thức tập trung vào chương trình lớp 12, chỉ có vài câu kiến thức liên quan đến chương trình lớp 10 và 11 nhưng tổng điểm của các câu hỏi này chưa đến 1 điểm. Ở 30 câu hỏi đầu tiên chủ yếu là kiến thức cơ bản. Từ câu hỏi số 40 trở đi mới có sự phân hóa nhưng mức độ khó giữa các câu hỏi ngang bằng nhau chứ không tăng dần đều. 

Các giáo viên dạy toán cho rằng, đề năm nay khá dễ và an toàn, không có câu hỏi nào liên quan đến toán ứng dụng. Hầu hết các câu hỏi đều là dạng toán đã quen, không có tính thử thách, thí sinh học bài kỹ đều có thể làm được.

Đề thi là thước đo quan trọng của kỳ thi, đề hay mới đánh giá đúng chất lượng thí sinh bởi đây không chỉ là kỳ thi xét tốt nghiệp mà còn chọn người vào đại học. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI