Ghét nhân vật, ghét luôn… diễn viên

29/08/2024 - 07:53

PNO - Khán giả yêu - ghét nhân vật nghĩa là họ quan tâm đến phim, nhưng bộc lộ cảm xúc bằng việc “tấn công” diễn viên là cách hành xử thiếu văn hóa.

Bộ phim truyền hình Đi giữa trời rực rỡ đang gây sốt màn ảnh nhỏ với câu chuyện tình “gà bông” của 2 nhân vật Pu và Chải.

Diễn viên Thu Hà Ceri (phải) đăng đàn xin khán giả đừng chửi mình vì vai diễn Pu trong Đi giữa trời rực rỡ
Diễn viên Thu Hà Ceri (phải) đăng đàn xin khán giả đừng chửi mình vì vai diễn Pu trong Đi giữa trời rực rỡ

Trong phim, nếu Chải chiếm cảm tình vì si tình một cách đáng yêu thì Pu lại gây ức chế vì không biết điều. Nhân vật Chải giúp tên tuổi của diễn viên Long Vũ tỏa sáng bao nhiêu thì nhân vật Pu lại khiến diễn viên Thu Hà Ceri bị ghét bấy nhiêu. Đến nỗi, cô đã bị nhiều cư dân mạng tấn công, buông lời khiếm nhã. Người thân của Thu Hà Ceri cũng bị chửi lây. Chưa hết, cô còn bị ghép video sai thực tế, lập tài khoản giả mạo để chia sẻ phát ngôn tiêu cực.

Trước phản ứng thái quá đó, nữ diễn viên đã phải viết tâm thư trên trang cá nhân, mong khán giả hiểu, theo dõi và ủng hộ bộ phim một cách tích cực nhất, để tránh gây tổn thương cho diễn viên vào vai. Nữ diễn viên nhắn nhủ người xem hãy là khán giả thông minh và có trách nhiệm với phát ngôn của mình.

Nữ diễn viên Vân Dung cũng từng lên tiếng mong khán giả đừng chửi, đừng mắng vì nhân vật chị đóng trong phim Người một nhà còn nhiều góc khuất và nỗi khổ tâm riêng. Nữ nghệ sĩ phân trần trên trang cá nhân: “Mọi người xem phim đừng mắng, đừng chửi tôi nhé, tội tôi lắm. Người mẹ này cũng biết thương con, chỉ là kiểu thương nó lạ, không giống ai cả. Khổ lắm”.

Trong phim, chị vào vai bà Thư - một người mẹ sống với nhiều dằn vặt vì đã bỏ rơi 2 đứa con khi chúng còn nhỏ. Đây là một vai tâm lý nặng và chị thể hiện tốt, xóa được định kiến chỉ diễn được dạng vai hài, đanh đá. Nhưng cũng vì tròn vai và vì số phận nhân vật được bộc lộ dần qua từng tập phim nên một số khán giả sốt ruột, ghét nhân vật và ghét lây diễn viên. Trong phim này, nữ diễn viên Thanh Hương cũng nhận “gạch đá” trên trang cá nhân vì diễn đạt vai cô em dâu ích kỷ.

Bị khán giả ghét vì diễn xuất tròn vai có lẽ là nỗi niềm của không ít diễn viên phim truyền hình. Trong khi lẽ ra, nếu hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, người diễn phải nhận được những lời khen chứ không phải bị chửi. Trên màn ảnh, diễn viên và nhân vật là một, nhưng không có nghĩa ngoài đời họ cũng là hiện thân của nhân vật.

Nghề diễn cần trải nghiệm, kinh nghiệm để nhập vai, nhưng không có nghĩa phải xấu tính mới vào được vai người xấu. Sự yêu ghét thái quá của một bộ phận khán giả, thể hiện qua việc ức chế với nhân vật bèn lăng mạ luôn diễn viên, cho thấy một thái độ ứng xử kém hiểu biết, thiếu văn hóa.

Trước khi phim lên sóng, dễ thấy các diễn viên tuyến phản diện thường tâm sự với truyền thông chuyện sẵn sàng nhận “gạch đá”. Chuẩn bị tâm lý là vậy, nhưng khi chứng kiến cảm xúc quá đà của một số người xem, không ít diễn viên vẫn thấy bức xúc và phải lên tiếng tự “minh oan”, nhất là trong trường hợp người thân của họ cũng bị xúc phạm lây.

Cũng có diễn viên im lặng vì thông cảm cho sự nhầm lẫn của khán giả giữa phim và đời, giữa nhân vật trên phim và diễn viên thể hiện nhân vật. Khán giả yêu - ghét nhân vật, chứng tỏ họ quan tâm đến phim, vai diễn. Đây là niềm động viên, khích lệ rất lớn với đạo diễn, diễn viên. Tuy nhiên, bộc lộ cảm xúc đó bằng việc “tấn công” diễn viên là cách hành xử thiếu văn hóa.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI