Ghép tế bào gốc cứu sống bệnh nhi bị u hạch

13/09/2021 - 18:54

PNO - Ngày 13/9, cháu Nguyễn Xuân B (7 tuổi) bị u hạch Lymphoma Burkitt đã được ra viện.

Theo tiền sử bệnh án, trước lúc nhập viện điều trị, ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Trung ương Huế, cháu Nguyễn Xuân B., 7 tuổi, ngụ huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh khởi bệnh với biểu hiện sốt tái diễn kèm đau bụng thường xuyên. Chụp CT scan ổ bụng phát hiện một khối u lớn ở ruột. Sau đó, cháu được cắt bỏ khối u, làm hậu môn nhân tạo.

Thời điểm cháu Cháu Nguyễn Xuân B. đang được đội ngũ y, bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật
Thời điểm cháu Cháu Nguyễn Xuân B. đang được đội ngũ y, bác sĩ  thực hiện các công đoạn của ca phẫu thuật ghép tế bào gốc. Ảnh: Thượng Hiển

Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy cháu bị u hạch Lymphoma Burkitt và được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 theo phác đồ. Bệnh Lymphoma Burkitt  là một dạng của ung thư hạch bạch huyết mà ung thư bắt nguồn từ các tế bào miễn dịch gọi là các tế bào B. Được xem là khối u phát triển nhanh nhất ở người, u Lymphoma Burkitt làm hư hỏng hệ miễn dịch và người bệnh sẽ nhanh chóng tử vong nếu không được điều trị. 

Sau khi hoàn tất điều trị được 1 tháng, cháu không may bị tái phát bệnh trở lại. Để kéo dài sự sống cho cháu, cần phải tiến hành điều trị hóa chất liều cao kèm ghép tủy tự thân. Vì thế, bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục điều trị cho cháu theo phác đồ tái phát và gửi đến Bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành ghép tủy.

Sau 14 ngày tiến hành ghép tế bào gốc cho cháu Nguyễn Xuân B., dòng tế bào máu đã được phục hồi, cháu chính thức được xuất viện
Sau 14 ngày tiến hành ghép tế bào gốc cho cháu Nguyễn Xuân B., dòng tế bào máu đã được phục hồi, cháu chính thức được xuất viện. Ảnh: Thượng Hiển

Cháu Nguyễn Xuân B đến điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế trong thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành, việc thực hiện ghép tủy gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong thời điểm cấp bách, Ban giám đốc bệnh viện đã gấp rút tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa toàn viện để lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân với các bước cụ thể: Thu hoạch tế bào gốc, tấn công tiếp vòng thuốc thứ 3 còn lại theo phác đồ, đóng hậu môn nhân tạo, và sau đó tiến hành ghép tủy. Mặt khác, triển khai ghép tủy trong mùa dịch COVID-19 cũng gặp phải những khó khăn về tìm nguồn máu hỗ trợ. Có những thời điểm thiếu nguồn máu, đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện đã tình nguyện hiến máu để đảm bảo thành công cho ca ghép.

Việc ghép tế bào gốc cứu sống cháu Nguyễn Xuân B. bi u hạch Lymphoma Burkitt mở ra thêm nhiều cơ hội cho việc điều trị bệnh nhân nhi
Việc ghép tế bào gốc cứu sống cháu Nguyễn Xuân B. mở ra thêm nhiều cơ hội cho việc điều trị bệnh nhân nhi bị u hạch Lymphoma Burkitt tái phát . Ảnh: Thượng Hiển

Sau 14 ngày tiến hành ghép tế bào gốc cho cháu Nguyễn Xuân B., dòng tế bào máu đã được phục hồi, cháu chính thức được xuất viện, tiếp tục được theo dõi điều trị tại nhà và tái khám theo hẹn.

Hiện tại, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đang nỗ lực tiếp tục thực hiện nhiều ca ghép tiếp theo. Trong tương lai, ngoài ghép tủy tự thân, Bệnh viện sẽ triển khai thêm ghép tủy đồng loại để mang lại sự sống cho các bệnh nhi.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI