Ghép tế bào điều trị da loang lổ vì bạch biến

10/08/2021 - 06:24

PNO - Với những người không may gặp phải làn da loang lổ, lốm đốm vì bạch biến, ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy được xem là một giải pháp với cơ hội thành công lên tới 70 - 80%.

Lấy lại dung mạo 

Khi lên sáu tuổi, N.L.P. (TP.Hà Nội) xuất hiện vài đốm trắng nhỏ trên mặt. Sau đó rất nhanh, những đốm này lan ra toàn bộ vùng trán, xuống miệng, cổ và tay của cô bé. Suốt nhiều năm, mẹ của bé tìm đủ loại thuốc uống, từ tây y tới đông y nhưng không có kết quả. Mỗi lần nghe bạn bè trêu ghẹo là “đốm”, “loang”, P. chỉ biết ôm mặt khóc và càng trở nên khép kín, tự ti.

Ngỡ cả cuộc đời phải chịu đựng gương mặt ấy, tuy nhiên, phương pháp ghép tế bào điều trị bạch biến đã mang lại cuộc sống mới cho cô bé. Sau gần một năm thực hiện, tới nay, toàn bộ vùng da được ghép tế bào trên mặt của P. đã hoàn toàn hồi phục, da đều màu, trắng mịn và không thể phát hiện cô bé từng bị bạch biến trước đó.

N.T.H.H. tự tin với vùng da mới không còn loang lổ sau khi được ghép tế bào điều trị bạch biến
N.T.H.H. tự tin với vùng da mới không còn loang lổ sau khi được ghép tế bào điều trị bạch biến

Tương tự, N.T.H.H. (ở tỉnh Lào Cai, 25 tuổi) gây ấn tượng với vẻ bề ngoài bằng nước da trắng mịn và khuôn mặt xinh xắn. Có lẽ không ai ngờ, hơn một năm về trước, cô gái ấy thường xuyên phải trang điểm để che được phần nào những tổn thương do bạch biến để lại trên vùng má và trán. “Vùng da ghép hiện tại của tôi không còn loang lổ, song tối màu hơn một chút so với vùng da không bị bạch biến. Dù vậy, chỉ cần một lớp trang điểm mỏng, nhẹ hoàn toàn có thể che đi khuyến điểm, như da mặt bị mụn vậy”, H. chia sẻ.

Trường hợp của P. và H. chỉ là hai trong số nhiều bệnh nhân mắc bạch biến tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã lấy lại được dung mạo nhờ phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy. Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày của bệnh viện, cho biết, đây là phương pháp mới nhưng mang lại hiệu quả cao và an toàn.

Các bác sĩ sẽ lấy da ở vùng hông hoặc mặt trước đùi đưa vào dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào, sau đó sẽ ghép vào vùng da bị bạch biến. Vùng da này sẽ được bào mòn bằng tay hoặc dùng laser. Sau khi tế bào ghép vào sẽ được dùng gạc, cố định lại và tháo ra trong vòng một tuần. Bệnh nhân có thể đi làm ngay mà không cần phải nghỉ dưỡng.

Hiệu quả lên tới 70 - 80%

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm lưu ý, phương pháp ghép tế bào này chỉ có thể áp dụng với các bệnh nhân mắc bệnh bạch biến đã ổn định ít nhất một năm. Nghĩa là trong một năm, bệnh nhân không có tổn thương nào mới hoặc những tổn thương cũ không còn lan rộng. Bệnh nhân cũng phải không có tiền sử sẹo lồi do chấn thương. “Mặc dù được đánh giá an toàn, song bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như: sẹo lồi, nhiễm khuẩn, tăng sắc tố sau viêm… Tỷ lệ gặp tác dụng phụ sẽ liên quan tới lựa chọn bệnh nhân, kinh nghiệm của bác sĩ”, bác sĩ Hoàng Văn Tâm nhấn mạnh. 

Qua hàng trăm bệnh nhân được ghép tế bào để điều trị bạch biến, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã thống kê và cho thấy, hiệu quả lên tới 70 - 80%, đặc biệt trong bạch biến đoạn - một tổn thương phân bố theo đường đi của dây thần kinh. Còn với bạch biến thể thông thường - các mảng đốm riêng rẽ, xuất hiện thành các mảng trên nhiều vùng cơ thể, tỷ lệ tái phát cao hơn, từ 10 - 20%. Thông thường, các bệnh nhân chỉ cần ghép một lần, tuy nhiên, các bác sĩ nhấn mạnh, nếu ghép lần hai thì hiệu quả sẽ tăng hơn. 

Rất nhiều bệnh nhân sau khi ghép cũng tỏ ra nóng ruột vì sau khi tháo băng 1 - 2 tuần vẫn chưa thấy hiệu quả. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, thời gian để đạt hiệu quả thường sau 1 - 2 tháng, tối đa sau 6 - 12 tháng, do đó, không nên lo lắng. 

Sau khi ghép tế bào, để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân kết hợp với điều trị bằng ánh sáng trị liệu. Chi phí điều trị phương pháp này dao động 25 - 35 triệu đồng, tùy diện tích tổn thương. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI