Ghép tạng xuyên Việt, thắp nguồn sống cho nhiều cuộc đời

22/07/2024 - 15:05

PNO - Kỹ thuật ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Huế giờ đã thành một kỹ thuật thường quy. Việc vận chuyển tim, thận… cả ngàn cây số để ghép, cứu sống bệnh nhân diễn ra như kỳ tích.

Nối dài những kỳ tích

Trong số hàng chục nhân viên bảo vệ làm việc tại Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, ít ai biết có một người từng là bệnh nhân được thay tim. Anh Trần Mậu Đức - năm nay 38 tuổi - chính là bệnh nhân đầu tiên được ghép tim tại BV Trung ương Huế vào năm 2011. Đây là ca ghép tim đầu tiên do bác sĩ Việt Nam thực hiện, trái tim được lấy từ người cho bị chết não.

Tại nhà riêng trên đường Nguyễn Công Trứ (TP Huế), anh Đức kể: “Sau ngày thay tim, tôi về phụ vợ bán rau. Nhưng để có tiền thuốc thang, tôi chuyển sang làm bốc vác cho một đại lý sữa. Trong những lần tái khám, các bác sĩ lo ngại tôi làm việc nặng nhọc ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế là lãnh đạo BV nhận tôi vào làm bảo vệ, vừa có thu nhập ổn định vừa tiện theo dõi sức khỏe”. Năm 2013, vợ chồng anh Đức sinh thêm 1 bé gái. Hạnh phúc giản dị càng nhắc anh phải sống tốt để xứng đáng với trái tim người đã khuất đang đập trong lồng ngực mình.

Sức khỏe bệnh nhân Phạm P.T. quê Quảng Trị sau khi ghép thận tiến triển tốt
Sức khỏe bệnh nhân Phạm P.T. quê Quảng Trị sau khi ghép thận tiến triển tốt

Sau anh Đức, đến lượt ông Trần T. (ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được ghép tim. Ông T. ghi “dấu ấn” khi trở thành bệnh nhân đầu tiên của BV Trung ương Huế được thực hiện quy trình kỹ thuật ghép tim xuyên Việt. Ở tuổi 58, ông T. vẫn khỏe mạnh và đã trở lại với nghề xây dựng. Ông chia sẻ: “Tôi thở khỏe hơn, sống tốt hơn, ngày đi làm, tối về sum vầy với con cháu. Đời tôi tưởng chấm hết, nhưng nay đã hồi sinh”. Qua một chương trình cầu truyền hình, ông T. được gặp gia đình người đã hiến tim cho mình. Bây giờ, ông có thêm người thân ở một quê hương mới. Trái tim không chỉ cho ông cuộc sống mà còn giúp ông cảm nhận sâu sắc tình người cao đẹp.

Ngày 20/6 vừa qua, ông H.Q.B. - 58 tuổi, quê ở tỉnh Phú Thọ - nhập viện vì tai nạn giao thông, phải thở máy hoàn toàn và không qua khỏi. Sau khi được tư vấn, gia đình người bệnh đồng ý hiến tạng cứu người. Chị Huỳnh T.S. - con gái bệnh nhân - xúc động kể: “Lúc còn sống, bố tôi luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Ở giây phút cuối đời, bố tôi có thể cứu giúp một ai đó là điều ông mong mỏi từ lâu”. Nhờ vào tấm lòng của gia đình bệnh nhân chết não, 2 thanh niên bị suy thận mạn giai đoạn cuối ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị được “nối dài” sự sống. Hành trình vượt gần 800km đưa tạng hiến về ghép thành công có sự chung tay của nhiều đơn vị. Thận hiến được xe cấp cứu đưa đến sân bay và được cảnh sát giao thông dẫn đường về TP Huế lúc 22g22 khuya 20/6. 2 ê kíp cùng lúc tiến hành ghép thận cho 2 bệnh nhân. Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển ra phòng hồi sức. 1 ngày sau ghép, 2 bệnh nhân tỉnh táo, các thông số huyết động ổn định, các chỉ số sinh hóa dần cải thiện…

Thực hiện 200 ca ghép tạng mỗi năm

10 ngày sau ca ghép thận xuyên Việt tại Trung tâm Tim mạch - BV Trung ương Huế, chúng tôi gặp bệnh nhân Đặng N.T. - 33 tuổi, tỉnh Thừa Thiên - Huế - và thấy anh ăn bữa cháo dinh dưỡng chỉ trong 5 phút. Đã lâu rồi, anh mới có được cảm giác ăn uống ngon lành. 4 năm trước, anh phát hiện bị suy thận sau khi rời quân ngũ. Mỗi tuần, anh phải lọc máu 3-4 lần. Cha làm công nhân, mẹ nội trợ, để chạy chữa cho anh suốt mấy năm qua, gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Do không được uống nhiều nước, cơ thể anh luôn trong tình trạng mỏi mệt, suy dinh dưỡng và yếu dần. Thế rồi, điều kỳ diệu xảy ra. Trong số hàng ngàn bệnh nhân suy thận cả nước đang chờ đợi thì N.T. nhận được điện thoại báo vào BV làm thủ tục ghép vì đã có thận hiến tặng. “Giờ đây, em khỏe ra, ăn cái gì cũng thấy ngon và cảm nhận cuộc đời thật tươi đẹp. Ra viện, em muốn thực hiện chuyến du lịch bù lại cho quãng thời gian bệnh tật” - anh trải lòng.

Bình phục nhanh sau ghép thận, bệnh nhân Phạm P.T. - 32 tuổi, ở tỉnh Quảng Trị - đang háo hức chờ ngày ra viện. Sau ghép 8 ngày, sức khỏe của anh tiến triển thấy rõ, tăng cân 3kg, các chức năng sinh hoạt trở lại bình thường. Anh P.T. kể: “Vừa về tới nhà sau đợt lọc máu, nhận được điện thoại thận hiến tương thích và sẽ được ghép ngay, em tức tốc vào Huế. Mừng như trúng số. Giờ em cảm nhận rõ ý nghĩa của một cuộc đời mới. Xin được cúi đầu cảm ơn gia đình người hiến thận. Khỏe lại, em sẽ tìm thăm, tri ân ân nhân của đời mình”.

Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đại Quyền - Phó trưởng khoa Gây mê - Hồi sức tim mạch BV Trung ương Huế - sau ghép, các bệnh nhân hồi phục tốt. Đến nay, BV đã thực hiện hơn 1.800 ca ghép mô tạng từ người cho sống và người cho chết não. Mỗi năm, đơn vị triển khai trên dưới 200 ca ghép tạng song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu bệnh nhân ở Huế, khu vực miền Trung và cả nước. Những năm gần đây, dù có sự thay đổi trong nhận thức về hiến tặng mô tạng song số ca đồng thuận hiến trong số người chết não còn thấp.

Anh Trần Mậu Đức làm nhân viên bảo vệ tại Bệnh viện Trung ương Huế
Anh Trần Mậu Đức làm nhân viên bảo vệ tại Bệnh viện Trung ương Huế

Giáo sư Phạm Như Hiệp - Giám đốc BV Trung ương Huế - cho biết: “Cấy ghép mô tạng là hoạt động thường quy vì chúng tôi vận hành quy trình lấy tạng, hiến tạng chuyên nghiệp. Đội ngũ cán bộ cũng làm chủ được kỹ thuật ghép mô tạng. Mỗi ngày ở Việt Nam, số lượng người chết não, chết tim khá lớn. Mô tạng của những bệnh nhân này vẫn có thể giúp ích cho các bệnh nhân bị suy tạng khác. Đã đến lúc cần thay đổi luật hiến - ghép mô tạng để mở rộng biên độ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn ở lĩnh vực này. Có như vậy, ngành y tế mới thực hiện được nhiều ca ghép, thắp lên nguồn sống cho nhiều cuộc đời”.

Ghép tạng Việt Nam không hề thua kém thế giới. Mỗi năm, Việt Nam ghép được khoảng 1.000 ca, nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ ghép tạng trong khu vực. Tuy nhiên, lĩnh vực này gặp nhiều thách thức do nguồn hiến tạng chưa nhiều, hầu hết là từ người cho sống. Trong khi ở các nước phát triển, con số hiến tạng từ người cho chết não nhiều hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy, nhất là trong công tác vận động hiến tạng. Các đơn vị y tế từng bước xây dựng đội ngũ tư vấn viên, xác định nguồn tiềm năng để tiếp cận, thuyết phục các trường hợp được chẩn đoán chết não.

Sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động hiến tặng mô tạng, có rất nhiều người hưởng ứng và lan tỏa hành động cao cả đến cộng đồng. Chúng ta cần hoàn thiện thể chế, pháp chế cũng như tạo cơ chế về hành chính, tài chính cho công tác ghép tạng; tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật và tiếp cận công nghệ mới để đưa ghép tạng của Việt Nam tiến xa hơn.

Giáo sư Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế

Thuận Hoá

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI