Có chồng nhưng phải ngủ một mình
Đoạn clip ghi lại tâm sự về cuộc hôn nhân đau khổ của một phụ nữ trẻ lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Chị giấu mặt, camera quay từ phía sau, với giọng nghẹn ngào. Rất nhiều người xem để lại bình luận thương cảm cho chị, đồng thời khó hiểu trước hành xử của người mẹ chồng.
Chị kể, đêm đầu tiên ở nhà chồng, anh bỏ vợ một mình, sang phòng nằm ngủ với mẹ. Cô dâu mới rất bất ngờ và khóc suốt đêm đó, cứ lo lắng, không biết chồng chê mình điều gì. Rồi chị tự an ủi, chắc mới cưới nên anh ấy còn ngại ngùng, từ từ tình hình sẽ thay đổi.
Nhưng những đêm tiếp theo, mọi việc vẫn cứ như vậy. Chị hỏi, anh mới giải thích, từ nhỏ chỉ có 2 mẹ con hủ hỉ với nhau. Mẹ hy sinh cả đời vì con trai. Từ khi được sinh ra đến tận bây giờ, anh đều ngủ với mẹ. Anh không muốn làm mẹ buồn lòng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Người chồng nói với vợ, anh và mẹ đã bàn với nhau, dự tính mỗi đầu đêm anh sẽ ở bên phòng vợ. Đến 9g, anh sẽ về phòng với mẹ, không thể để mẹ cô đơn một mình. “Nếu anh ngủ cả đêm với em, mẹ sẽ buồn, sẽ cảm giác bị em giành mất anh” - người chồng nói.
Chị vợ chết lặng, không thể tưởng tượng được mình rơi vào hoàn cảnh éo le như thế. Mẹ chồng không muốn chia sẻ “quý tử” với đứa con dâu vốn đích thân bà trầu cau cưới về. Chiều chồng, chiều mẹ, con dâu chỉ dám chôn chặt nỗi niềm cho gia đình êm ấm. Nhiều lần chị tỉ tê nhờ mẹ khuyên anh bớt chơi game, chuẩn bị mọi thứ để đón đứa con sắp chào đời. Nhưng vì quá cưng con, mẹ vẫn để anh tự do chơi đến gần như nghiện.
Đoạn clip kết thúc ở đó. Không biết phần tiếp theo của bi kịch gia đình chị ra sao. Người xem clip có cảm giác chuỗi ngày đau khổ của chị vẫn còn tiếp tục.
Chia tay vì bị mẹ chồng... đánh ghen
Được tin con nằm bệnh viện, Hằng vội vã đến thăm. Đó là lần đầu chị chạm mặt vợ mới của anh, dù họ thỉnh thoảng vẫn chat với nhau trên mạng. Từ lâu Hằng có cảm tình với Lan vì thấy cô yêu thương con gái chị như con ruột. Sau những e dè thăm hỏi xã giao, 2 người phụ nữ trở nên thân thiết hơn. Hằng tiết lộ, thật ra mâu thuẫn vặt vãnh của 2 vợ chồng chưa đến mức phải ly hôn. Cuộc hôn nhân đổ vỡ là do sự ghen tuông mù quáng của mẹ chồng.
Có một điều thầm kín của mẹ mà cả 2 người con dâu đều lần lượt biết: vì bị bệnh, từ rất lâu bà không còn có thể sinh hoạt vợ chồng với ba. Theo lời mẹ, ba vẫn có nhu cầu, thích nhìn phụ nữ, muốn tán tỉnh làm quen. Mẹ sợ ba có “phòng nhì”. Thực hư chẳng biết ra sao nhưng đã có vài trận ghen tuông ồn ào trong xóm.
Ghen với phụ nữ bên ngoài có lẽ cũng là chuyện bình thường. Mẹ bất thường ở chỗ ghen luôn cả với con dâu. Mỗi lần ba chồng phụ Hằng việc nhà là mẹ sa sầm nét mặt. Rồi mẹ tìm bằng được lý do nào đó để trách móc, chê bai, mắng nhiếc Hằng. Biết ý mẹ, chị cố gắng không tiếp xúc hay trò chuyện nhiều với ba. Nhưng sống chung một nhà, phận dâu con, lẽ nào cứ coi ba chồng là người xa lạ?
Một lần, trời nổi cơn giông, Hằng chạy vội lên sân thượng gom quần áo và mớ cá khô ở quê mới gửi lên. Sợ con dâu làm không kịp, ba chồng hối hả theo sau giúp một tay. Mưa ập đến quá nhanh, 2 cha con đều ướt sũng.
Chuyện chỉ có bấy nhiêu mà mẹ làm ầm ĩ. Hàng xóm mở cửa, tụm ba tụm bảy nghe ngóng bàn tán. Rất nhiều lời lẽ xấu xa, trái luân thường đạo lý trút lên Hằng từ mẹ chồng. Nếu ba và chồng không kịp can ngăn, có thể Hằng còn bị mẹ đánh. Chồng chị, đứa con trai hiếu thảo, dù hiểu rõ sự tình, vẫn chọn đứng về phía mẹ. Không chịu nổi, Hằng ly hôn.
Lan vỗ nhẹ vào vai Hằng an ủi. Hơn ai hết, cô hiểu rõ những gì Hằng kể. Chính cô cũng đang sống rất dè chừng mà vẫn không thể tránh khỏi sự xoi mói, khắt khe thất thường của mẹ chồng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Mong mẹ bao dung
Mẹ Lan cũng có con dâu. Mẹ đối xử với cô ấy bình thường, không quá nuông chiều cũng không xét nét. Mẹ cho em dâu Lan không gian riêng tự do thoải mái. 2 vợ chồng tự quản lý cuộc sống của nhau, muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi.
Mẹ thật thà thừa nhận, đôi khi cũng thoáng chạnh lòng khi thấy con trai mình cưng vợ quá sức và ít quan tâm đến mẹ. Nhưng bà xác định mẹ và vợ là 2 mối quan hệ khác biệt, ai lại đem so sánh rồi ghen tuông, giành giật. Thương con là phải tạo điều kiện cho con sống bên nhau hạnh phúc.
Cô em dâu của Lan đúng là số hưởng. Đi làm về đã có sẵn cơm ngon, mẹ chồng dễ tính, ba chồng cưng như đứa con gái út trong nhà. Ba Lan quản lý một cửa hàng thời trang ở siêu thị.
Thỉnh thoảng có phiếu giảm giá, ba lại sắm váy áo đẹp cho con gái và con dâu. “Ba chồng con mà làm như ba chắc mẹ chồng bên ấy quậy banh nhà” - Lan thầm nghĩ rồi thở dài cam chịu. Không biết đến khi nào bà mới hiểu con dâu đến với gia đình không phải để phá vỡ hạnh phúc hay tranh giành yêu thương? Khi hạnh phúc đến từ sự sẻ chia, chẳng những không vơi đi mà còn ngày một đầy thêm, bền vững hơn.
Việt Quỳnh