Ghen tuông “xé toạc” hôn nhân

26/04/2013 - 16:54

PNO - PN - Dẫu “ghen tuông thì cũng người ta thường tình” (Truyện Kiều), nhưng nếu ghen cuồng, điên loạn, ám ảnh, bệnh hoạn thì lại là những khối u ác tính đục khoét tình yêu. Ghen bóng ghen gió, đánh ghen ầm ĩ hòng xúc phạm, nhục mạ...

* Nguyễn Thị L.M. (30 tuổi, buôn bán nhỏ ở P.14, Q.4, TP.HCM): “Tự cầm tù để có sự êm ấm giả tạo”

Ghen tuong “xe toac” hon nhan

Lúc mới quen, tôi nghĩ có yêu, có sợ mất mới ghen. Nhưng sự theo dõi, kiểm soát của ông “Hoạn Thư” ngày càng tăng theo thời gian và theo sự nhượng bộ của tôi. Chồng quy định tôi bước ra khỏi nhà, gặp ai, làm gì phải xin phép. Đi làm, chồng gọi điện các nhà lân cận để kiểm tra tôi. Là kỹ sư công nghệ thông tin, chồng ăn cắp mật mã để đột nhập email cá nhân của tôi. Anh ấy thường bấm lại các số điện thoại mà tôi đã gọi trong ngày, có khi chỉ gặp bà bán gạo, khiến tôi vô cùng xấu hổ, bất mãn. Có lần chồng ép buộc tôi bẻ sim điện thoại để không còn danh bạ. Anh âm thầm gắn camera và máy ghi âm tại nhà để quản lý tôi. Vốn là cán bộ Đoàn, quan hệ rộng rãi, tôi phải tuyệt giao bạn bè để tạo niềm tin nơi chồng nhưng cũng vô ích. Khổ nhất là tôi vì chồng ghen cuồng mà không thể làm việc hay học hành tiếp được. Tôi hỏi bài ai là người đó “mang họa”. Tôi xin việc bán hàng, chồng cứ đến gần gọi điện thoại bắt tôi phải ra cửa đứng trình diện. Tôi làm ở đâu cũng bị chủ đuổi việc. Tôi bị stress, mất ngủ triền miên, cứ nơm nớp lo “chiến tranh” bùng nổ vô cớ. Những hình ảnh tốt đẹp mất dần đi, anh ta trở nên tầm thường và đáng sợ. Trong nhà, tôi là nô lệ, chồng thì “làm luật”. Tôi nhiều lần đến tòa nộp đơn ly hôn nhưng sợ con xa cha lại thôi. Tình cảm đã cạn kiệt, tôi phải cố sống chung, chịu đòn ghen. Tiêu cực nhất là tôi ngày càng mất ý chí phản kháng, thậm chí, tôi tự cầm tù mình để đổi lấy sự êm ấm giả tạo, nhất thời.

* Lê Văn H. (tài xế, ở P.15, Q.8, TP.HCM): “Hôn nhân “chết oan” vì ghen tuông”

Ghen tuong “xe toac” hon nhan

Một lần tôi và cô bạn gái - là một nữ giám đốc - đang mua đồ trong siêu thị thì bất ngờ có hai người phụ nữ nhào tới túm tóc, đánh, tát cô. Họ còn dùng những lời lẽ tục tĩu để chửi mắng, hạ nhục. Hàng trăm cặp mắt đổ dồn về phía chúng tôi. Tỉnh hồn lại, tôi nhận ra hai “hung thủ” chính là vợ và chị vợ của tôi! Sau chuyện lùm xùm, tôi cương quyết kết thúc cuộc hôn nhân của mình và đã chính thức ly hôn một năm sau đó. Lẽ ra, hôn nhân của tôi đã không kết thúc sớm như vậy. Dù vợ chồng có nhiều khác biệt, mâu thuẫn nhưng vẫn không đến nỗi cạn tình nghĩa. Dù tôi có quen bên ngoài nhưng vẫn chưa sâu đậm.

Vụ đánh ghen là “giọt nước làm tràn ly”. Tôi không thể chấp nhận sống với người vợ hồ đồ, lỗ mãng, dùng bạo lực để giữ chồng. Gia đình vợ lại không biết chuyện, còn góp tay đánh ghen, làm cho tôi không còn đường quay lại. Đặt trường hợp có bắt tại trận tôi với tình nhân đang ở khách sạn đi nữa, vợ cũng phải khéo léo, tế nhị, có văn hóa, mới kéo được tôi về. Phải chi cô ấy giữ tôi bằng vẻ đẹp, sự đảm đang chứ không phải bằng… đánh ghen ầm ĩ. Nói thật, nếu mấy ông chồng đã chán vợ thì sẽ lẹo tẹo hết cô này đến cô khác, các bà vợ sức đâu mà “tìm diệt” cho hết?

* Lê Thị N.T. (sinh viên Đại học Đà Nẵng): “Đánh mất mình trong cơn cuồng ghen”

Ba tôi bỏ vợ con đi theo bà L. từ năm 2005. Khuyên chồng không được, mẹ tôi tìm mọi cách tác động đến bà L. nhưng bà ta không sợ, lại còn dùng đủ chiêu trò để khiêu khích mẹ con tôi. Trước những trò lố lăng của ba mình và nhân tình, tôi đã lên kế hoạch và thuyết phục mẹ đánh ghen.

Biết tình địch hay đi chợ buổi sáng, tôi cùng mẹ đứng gần chợ phục sẵn. Bà L. vừa xuất hiện, hai mẹ con tôi ập tới, lôi bà vào giữa chợ, đánh đập, chửi bới. Người dân ở quanh khu chợ Đ. vốn chướng mắt với cảnh bà L. cứ lấy chồng người, nên chẳng ai can ngăn mà còn nhiệt tình… làm khán giả. Đến khi mẹ con tôi lột hết quần áo, định xát ớt bột vào vùng kín của bà kia thì mọi người mới can ngăn. Lúc đó, bà L. đã tơi tả, nhưng mẹ con tôi cũng thấy ê chề. Ba tôi nghe nhân tình kể chuyện bị làm nhục, bèn đi uống rượu thật say rồi đằng đằng sát khí xông về nhà, đánh đập vợ con. Bà L. thì thuê giang hồ gọi điện hăm dọa mẹ con tôi mỗi ngày. Suốt một năm trời mẹ tôi sống trong sợ hãi, chị em tôi không dám ra đường buổi tối. Chứng kiến tất cả những chuyện ấy, tôi rất hận ba mình. Cuối cùng, ba tôi ly hôn mẹ tôi, dọn về ở với bà L.

Gia đình tan vỡ, ba tôi thuộc về người đàn bà khác, tôi mới đau đớn hiểu ra, khi cơn ghen đã bột phát thành hành động, kẻ ghen tuông trở nên hung dữ không kiểm soát được, không còn là chính mình. Bây giờ, mẹ tôi vẫn tiếc nhớ ba tôi, bà ước mình biết nhẫn nhịn hơn thì chị em tôi không mất cha. Thực ra, chính tôi mới là người góp phần đẩy mẹ vào chỗ cô quạnh. Phải chi ngày ấy mẹ con tôi biết dùng sự ôn hòa để đối mặt, thì dẫu cuối cùng mọi sự đổ vỡ, bản thân cũng bớt đi cảm giác mất mát, hối tiếc.

* Chị L.T.C.H. (KP.2, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM): “Bằng chứng “bắt ghen” chẳng để làm gì”

Ghen tuong “xe toac” hon nhan

Tôi kết hôn năm 1989. Chồng có công ty xây dựng riêng nên tôi chỉ ở nhà quán xuyến nội trợ. Ba đứa con lần lượt chào đời. Gia đình đang rất đầm ấm thì đùng một cái, việc làm ăn của anh thất bại, nợ nần chồng chất. Anh trở nên bẳn tính, thường xuyên quát vợ, chửi con. Gia đình lục đục vì những trận cãi vã. Năm 1998, anh bỏ mẹ con tôi ra ngoài sống. Khách nợ tìm chồng không thấy, chuyển sang đe dọa, bắt vợ gánh nợ thay. Từ đỉnh cao rớt xuống vực sâu, tôi rất chán nản. Cơn bĩ cực chưa qua thì tôi nhận tiếp một cú giáng khác: anh có bồ! Đau khổ, ghen tuông, sợ mất chồng, một nách ba con, tôi tìm đến tận phòng trọ nơi anh sống với tình nhân để đánh ghen, muốn năn nỉ anh quay về vì vợ cần chồng, con cần cha. Lúc thấy anh từ phòng trọ đi ra, lòng tôi đau nhói. Cơn ghen che mờ lý trí, tôi buông lời chửi rủa thì cô gái từ trong phòng lao ra mạt sát, túm đầu tôi đánh. Cô còn kêu thêm người xung quanh hùa đến đánh tôi. Phần sợ hãi, phần con thơ khóc lóc, tôi cầu cứu anh. Anh nhếch mép, bênh vực tình nhân, chửi đuổi mẹ con tôi về.

Điều đau đớn nhất là gia đình chồng luôn cho rằng tôi chỉ ghen bóng ghen gió, sau này, xác định anh có tình nhân thật, họ lại quay sang đổ lỗi “vợ sao chồng mới vậy”. Tôi đau lắm, cần một chỗ dựa tinh thần đã không có, cô em chồng còn buông lời: sung sướng thì hưởng một mình, đau khổ về đây than. Mẹ con tôi khóc, tự hứa với nhau sẽ không nhờ cậy, không cần sự giúp đỡ nào nữa từ gia đình chồng. Tôi lao vào làm ăn, khi bán bánh mì, lúc chạy xe ôm để trả nợ và nuôi con ăn học. Các con rất ngoan, luôn động viên, an ủi mẹ. Tiền hết, tình tan, chồng tôi trở về. Vợ chồng lại sum họp. Thế nhưng, vết thương lòng chưa lành thì lần nữa lở loét, anh lại có bồ, lại dọn ra ngoài sống. Tôi cạn nước mắt, muốn buông xuôi song lòng hờn ghen khiến tôi lại đi tìm anh, bằng mọi giá “bắt tại trận” để đay nghiến, chửi rủa cho hả dạ. Cuối cùng, lấy đó làm bằng chứng ly hôn. Hàng tháng trời chầu chực, vậy mà cuối cùng, cũng như lần trước, người ê chề, đau đớn lại là tôi. Người ta ghen ngược, dùng mũ bảo hiểm đánh tôi thương tích, công an phải đến can thiệp.

Bằng chứng ngoại tình của anh lần này tôi đã có, song để làm gì khi tôi vẫn rất yêu chồng và không muốn ly hôn? Trong lúc tôi tuyệt vọng, hết sức chán nản giữa quyết định sẽ ly hôn hay không thì anh đi rình… bắt ghen tôi lại. Thấy ai đi cùng tôi, kể cả người đáng tuổi con cháu, anh cũng lao vào chửi rủa, đánh đập, vu tôi ngoại tình. Có hôm giữa đường, tôi bị anh lao vào đạp cả người lẫn xe đổ ngã. Các con tôi hận cha đến không thèm nhìn mặt, khuyên tôi ly hôn. Rời xa anh, cuộc sống dần ổn định, tôi bắt đầu thấy tiếc quãng thời gian ngụp lặn trong đau khổ vì bị anh phản bội, rồi đánh ghen để níu kéo, để lập bằng chứng trước tòa nhưng chẳng để làm gì. Tôi nhận ra, khi người ta đã thay lòng, mọi nỗ lực níu kéo chỉ là tạm bợ, ghen tuông và đi bắt ghen chỉ khiến mình bị coi thường, đau khổ, nhục nhã hơn.

 Diệu Hiền - Tuyết Dân - Minh Trâm
(thực hiện)

Luật pháp phải chế tài nghiêm khắc mọi hành vi suy đồi

Việc đánh ghen dẫn đến nhục mạ, gây thương tích hoặc tước đoạt sinh mạng của người khác đã được luật pháp chế tài cụ thể, không cần thiết phải kêu gọi xử lý nghiêm minh, cứ chiếu theo luật mà thực thi.

Vì sao ngày càng có nhiều vụ đánh ghen manh động đáng tiếc đến vậy? Thậm chí, nghe nói đi đánh ghen là nhiều phụ nữ quen lạ đều sốt sắng ủng hộ, từ bày mưu tính kế đến tham gia trực tiếp, sẵn sàng đánh thay chửi ké cho bõ ghét! Phải chăng do tính bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng của luật pháp còn yếu kém, dẫu biết rõ chồng mình dan díu với người đàn bà khác nhưng rất khó khép họ vào tội, càng khó có thể xử phạt, mà nếu phạt được thì chế tài cũng chẳng thấm vào đâu, nên người ta cứ ung dung vi phạm, thậm chí thách thức cả người vợ danh chính ngôn thuận. Phải chăng chuyện ngoại tình bây giờ nhan nhản, từ tình công sở đến tình online, từ chuyện “ăn phở” để thay đổi khẩu vị của đàn ông đến chuyện nhiều bà lấy việc chinh phục chồng người khác làm thú tiêu khiển… khiến người vợ chung tình không khỏi lo lắng chồng mình ra khỏi nhà là ngoại tình được ngay (!?). Làm vợ chính thức, lao tâm lao lực gầy dựng cơ nghiệp, đầu tắt mặt tối quán xuyến gia đình, để chồng rảnh rang phản bội, để phụ nữ khác thong dong khai thác tiền, tình của chồng mình, nỗi đau thấu trời! Cùng quẫn họ không còn tin vào luật pháp thì đành tự bảo vệ hôn nhân của mình bằng những hành động bột phát để rồi vi phạm pháp luật, có người quẫn trí tự tử càng thiệt thân hơn.

Người mất chồng lăng nhục kẻ cướp chồng thật ra chẳng sung sướng gì, chỉ hả hê thoáng chốc, nhưng trước và sau đó vẫn là nỗi đau đớn ê chề. Lúc nóng giận vì bị phản bội, họ lu mờ lý trí làm chuyện hại người hại mình, để rồi khi bình tâm lại thấy thật sự không đáng chút nào.

Kẻ cướp chồng bị đánh ghen có đau nhục đó, nhưng càng được người đàn ông kia yêu thương hơn vì thấy phải hy sinh gánh đỡ. Hiếm vụ việc nào oan ức thật sự, ít nhiều có lửa mới tạo khói. Nếu đúng là phụ nữ đoan chính họ chẳng thèm ngó ngàng đến kẻ đang có quan hệ tình cảm với người khác, càng chẳng bao giờ cho phép kẻ đang vướng bận hôn nhân cận kề chăm sóc để rồi gây khó hiểu cho mọi người. Thật sự khi lòng mình không mở, không muốn, đố ai vào quấy nhiễu được.

Bài viết này không nhằm bao biện cho lối hành xử ghen tuông thô bạo, song rất mong Quốc hội đưa vào luật những hành vi suy đồi đạo đức ở khía cạnh hôn nhân gia đình và thẳng tay trừng trị cả những hành vi đã đẩy người khác vào thế hành xử nông nỗi. Có vậy mới góp phần bảo vệ gia đình, đồng nghĩa góp phần dựng xây xã hội yên bình và phát triển.

Kim Oanh
(Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI