Ghen tuông có phải là bệnh?

21/07/2017 - 11:44

PNO - Ghen là một biểu hiện của nhân cách ái kỷ, mà một trong các triệu chứng cơ bản là thiếu sự đồng cảm, không nhận thức và chia sẻ tình cảm, nguyện vọng của người khác...

Gần đây, nhiều vụ đánh ghen đã gây xôn xao dư luận vì mức độ dã man của các bà vợ trong cơn ghen như xát ớt, muối ớt vào vùng kín, rạch mặt, tạt axít tình địch đến cắt “của quý” của chồng… xay nhuyễn!

Ghen tuong co phai la benh?
Bị chém vì dám từ chối “tình yêu”

Cắt “của quý” chồng cho vào máy xay

Mới đây, dư luận rộ lên chuyện một phụ nữ tên Kiều Becker (Việt kiều Mỹ ở California) đã bị cảnh sát quận Cam bắt, cáo buộc tội đầu độc và cắt đứt dương vật của chồng. Theo lời khai của bà Kiều, vợ chồng bà đang làm thủ tục ly hôn, trong bữa cơm chung cuối cùng, bà đã bỏ thuốc mê vào thức ăn rồi trói chồng lại để “hạ thủ cậu nhỏ”. Khi “tóm cổ” được “cậu nhỏ”, bà cho vào máy xay hủy rác, xay nát!

Nhìn lại vài năm gần đây, tính dã man của những trận đánh ghen dường như đang ngày càng tăng. Cụ thể là vụ đánh ghen đình đám ở miền Tây năm 2016. Biết chồng và một phụ nữ gần nhà có quan hệ, chị Ng.H.T.M. (31 tuổi, ở Hậu Giang) đã cùng cha ruột tên T., 62 tuổi, đi tìm tình địch. Sau khi đánh đập, ông T. còn đưa dao lam cho con gái rạch nát mặt cô tình địch trẻ. 

Không chỉ vợ chồng ghen tuông, ngay cả những kẻ không được yêu cũng ra tay với người từ chối mình. Ngày 16/7, một người đàn ông tỏ tình không thành công đã “nổi điên” chém hai nhát vào mặt cô gái đã dám từ chối “tình cảm” của mình vì yêu người khác. Nạn nhân là chị N.T.H.K. (26 tuổi, ngụ Tây Ninh). Khoảng ba tháng trước, chị K. xuống TP.HCM làm quản lý một nhà hàng và gặp H.V.H. (hơn 30 tuổi). H. là khách quen của nhà hàng, đã thích chị K. ngay khi mới gặp. Bị chị K. từ chối yêu, sau nhiều lần đe dọa sẽ chết chung, H. đã dùng dao chém vào mặt “người yêu” vì “không ăn được phải đạp đổ”.

Một vụ đánh ghen do một người phụ nữ đang mang thai thực hiện cũng vừa “gây sốt” trên mạng xã hội. Biết chồng và người tình đang vui vẻ trong nhà nghỉ, bà mẹ mang thai này đã dẫn theo nhiều người xông vào bắt quả tang, hành hung tình địch. Chưa hả, chị còn mang găng tay vào, bóp nát những quả ớt mang theo và xát lên vùng kín của tình địch. Xong chuyện, những hình ảnh “hậu kỳ” được tung lên facebook, lại được một trang mạng đăng lại. Chỉ sau vài giờ, câu chuyện thu hút hơn 25 ngàn lượt thích, hơn 2.500 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận.

Tâm lý hay bệnh lý?

Ghen tuong co phai la benh?
Một trong những vụ đánh ghen dã man trong năm qua


Bác sĩ Trần Duy Tâm, BV Tâm Thần TP.HCM phân tích: Ghen tuông chia thành nhiều dạng khác nhau. Nếu người vợ chỉ gây sự, mắng chửi… chồng và tình địch thì đó là ghen kiểu tâm lý của một phụ nữ bình thường. Tuy nhiên, nếu người vợ đó dùng những hành vi độc ác để ra tay với chồng và tình địch như xát ớt vào vùng kín, cắt đứt “của quý”, dùng dao rạch mặt… thì đã chuyển sang dạng tâm lý cực đoan.

Người thuộc “trường phái” này thường suy nghĩ theo hướng “không ăn được thì đạp đổ”. Người phụ nữ chỉ được xác định là mắc bệnh lý tâm thần khi yếu tố tâm lý cực đoan này xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, chứ không chỉ dừng ở chuyện ghen tuông. Ví dụ, người phụ nữ có tính tình nóng nảy, thường có hành vi bạo lực với vật nuôi, “khó ở” với con cái… Có thể họ đang mắc chứng rối loạn nhân cách phi xã hội, còn gọi là rối loạn nhân cách chống xã hội. Khi mắc chứng này, lại rơi vào cảnh bị kẻ thứ ba giựt chồng, họ dễ đánh ghen rất độc ác.

Tiến sĩ Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, BV Quận 2, TP.HCM, cho rằng, về tâm lý, người ghen tuông thường là người phụ nữ thấy mình đã già đi, không còn hấp dẫn người chồng nữa. Nếu cộng thêm việc bị tình địch đe dọa, người bạn đời/bạn tình có quan hệ mới, đi sớm về khuya, sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng mức độ ghen tuông.

Ghen còn là một biểu hiện của nhân cách ái kỷ, mà một trong các triệu chứng cơ bản là thiếu sự đồng cảm, không nhận thức và chia sẻ tình cảm, nguyện vọng của người khác; luôn đố kỵ với người khác và tin rằng người khác cũng đố kỵ với mình. Do đó, người ghen tuông thường có thái độ, hành vi thái quá, muốn thỏa mãn ước vọng vô điều kiện, kèm theo là sự coi thường các chuẩn mực pháp luật và xã hội.

Một khi cảm xúc ghen tuông biến thành “hành động” nguy hiểm sẽ được xem là ghen tuông bệnh lý. Sự ghen tuông mang tính bệnh lý phổ biến ở cả hai giới. Các giải pháp chữa trị bao gồm việc nhận biết sớm, quản lý rối loạn tâm lý, giáo dục tâm lý, liệu pháp tâm lý nhận thức. 

  Phạm An

“Đàn ông ghen nhiều hơn đàn bà. Người thành phố ghen tuông hơn người sống ở vùng nông thôn. Mức độ và biểu hiện ghen ở nam nữ là như nhau. Không có khác biệt về mức độ ghen tuông của người có con hay người không có con” - TS Lê Minh Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI