Ghen tị với… chồng

24/03/2024 - 07:21

PNO - Hóa ra có một thứ cảm xúc được gọi tên là “ghen tị với chồng”, đến từ việc một người cảm thấy sợ mất người kia. Nguyên nhân nỗi sợ đến từ việc cảm thấy mình không đủ tốt, thiếu hấp dẫn.

Trong ngày cưới, khi đợi nhà trai đến đón dâu, chị lỡ nói với bà dì: “Tụi cháu làm đám cưới rồi 2 ngày sau mới lên phường đăng ký kết hôn”. Bà dì tròn mắt rồi kéo chị lại một góc: “Phải ký giấy trước cho chắc chắn chứ! Làm đám cưới rồi lỡ chồng chạy mất, không chịu nữa thì sao?”.

Chị tưởng dì nói đùa, cưới rồi thì chạy gì nữa. Ngờ đâu dì bảo chị ngốc, là dì nói thật vì dì còn đi nói với nhiều người bên ngoại nữa. Từ không nghĩ gì nhiều, đến lúc chị bỗng thấy lời dì… có lý.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ừ thì chị mang bầu trước nên đám cưới mới diễn ra. Trong khi gia đình chị đều xuất phát từ ruộng đồng, làm chỉ đủ ăn thì gia đình chồng lại thuộc kiểu khá giả, có của ăn của để. Chị dáng người đậm, thô; chồng chị lại cao ráo, đẹp trai. Vừa ra trường, chị chưa có việc làm thì chồng chị đã học xong thạc sĩ, con đường sự nghiệp rộng mở. Anh là người yêu đầu tiên của chị nhưng chị thì chắc là bạn gái thứ n của anh.

Càng so sánh, chị càng thấy mình thua kém chồng. Về chung một nhà, chị bất giác phải gồng mình lên sao cho “cùng tầng mây” với chồng. Nhưng những gì chị có thể cố cũng chỉ là chuyện cơm nước sao cho ngon, nhà cửa gọn gàng vì chị ở nhà trông con, đâu phấn đấu được những chuyện khác. Niềm vui của chị đơn giản là anh về nhà ăn cơm đúng giờ và con không quấy khóc, để anh được nghỉ ngơi.

Thời gian dần qua, chị bắt đầu thấy cảm xúc rất khó chịu, miệng cười nhưng trong lòng không yên mỗi khi nghe chồng nói chuyện sẽ học lên cái này, cái kia, vừa tạo lập được mối quan hệ để làm ăn hay đi công tác ký hợp đồng.

Chị tự trách: “Mình bị sao vậy? Nếu chồng mình có nhiều cơ hội, kiếm được nhiều tiền thì chẳng phải là tốt à?”. Nhưng sự buồn bực, bức bối vẫn dai dẳng bên trong chị. Chị trở nên cau có, đọc trộm tin nhắn, email của chồng, tra khảo lịch trình của anh. Chị nghĩ, ngoài kia có đầy những cô gái xinh đẹp, thông minh hơn chị và chồng chị sớm muộn cũng tìm đến họ. Càng nghĩ càng sợ, chị càng buộc tội chồng lừa dối một cách vô cớ.

Cho đến một ngày, chị tình cờ đọc được trong sách cụm từ: “Ghen tị với chồng”. Chị thử lên mạng tìm kiếm nhưng người ta chỉ nói về ghen tị với bạn bè, với bà cô bên chồng, với đồng nghiệp… chứ chẳng ai nói chuyện ghen tị với chồng. Chị chợt nảy ra ý chuyển cụm từ này sang tiếng Anh thì bất ngờ khi có hàng loạt bài viết của các chuyên gia tâm lý hiện ra trước mắt.

Hóa ra có một thứ cảm xúc được gọi tên là “ghen tị với chồng”, đến từ việc một người cảm thấy sợ mất người kia. Nguyên nhân nỗi sợ đến từ việc cảm thấy mình không đủ tốt, thiếu hấp dẫn.

Chị nhận ra việc mình có cảm xúc này là không sai nhưng nếu bị nó điều khiển và gây ra những hậu quả đáng tiếc thì là sai. Không ít người vợ đã đẩy chồng mình đi xa hơn chỉ vì thói ghen tuông, kiểm soát vô cớ. Sự an toàn trong mối quan hệ sẽ không thể nào đến từ anh mà phải xuất phát từ chị.

Chị đề nghị với anh: “Vợ chồng mình dành một buổi nói chuyện sâu nhé!”. Rồi chị bắt đầu chia sẻ tất cả những cảm xúc, suy nghĩ đang chất chứa, tích tụ suốt mấy năm. Anh ngạc nhiên: “Sao em lại nghĩ như thế? Anh chưa bao giờ thấy mình hơn em và cũng không lừa dối em điều gì”. Nhưng chị vẫn tiếp tục nói với anh về việc muốn tìm lại giá trị, sự tự tin. Khi nhận được sự ủng hộ, chị thấy đó là tất cả những gì chị cần từ chồng.

Còn với bản thân, chị cần nhiều hơn thế. Chị cần có một công việc, lương thấp cũng được nhưng phải là công việc khiến chị muốn gắn bó và cống hiến. Chị sẽ đăng ký một lớp tập yoga mỗi sáng. Chị cũng sẽ học lái ô tô để thỉnh thoảng có thể tự lái xe về thăm cha mẹ thay vì phụ thuộc vào anh… Ngay lúc này, chị khao khát được phát triển bản thân hơn bao giờ hết.

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI