Nạn nhân là đối tượng mà kẻ thủ ác nghi ngờ léng phéng với “nửa kia” của mình hay chỉ là những người vô tình ào đến can gián. Nhưng cũng không ít trường hợp đau thấu tâm can khi kẻ thủ ác xuống tay với chính vợ/chồng mình.
Mới đây, dư luận rúng động với vụ chồng đâm vợ mười mấy nhát dao đến tử vong trong khi chờ ly hôn ở Quảng Ngãi rồi đến vợ giết chồng, chặt xác phi tang ở Bình Dương. Tất cả chỉ vì một chữ ghen. Đó cũng là chủ đề Báo Phụ Nữ trao đổi với bà Ung Thị Xuân Hương - chánh án TAND TP.HCM.
|
Bà Ung Thị Xuân Hương |
Phóng viên: Nhiều người cho rằng do “nửa kia” đánh mất lòng chung thủy, chà đạp lên mối quan hệ, gây bất bình, bức xúc nên người bị bỏ rơi có hành động ghen tuông là đáng được thông cảm. Ghen tuông được xem là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng, thưa bà?
Chánh án Ung Thị Xuân Hương: Thời gian gần đây, tình trạng ghen tuông gây án hình sự khá phổ biến. Cơn ghen có thể đẩy chủ nhân của nó vào con đường lao lý với các tội danh: đe dọa giết người, làm nhục người khác, hành hạ người khác, cố ý gây thương tích, bức tử, giết người… Từ năm 2014 đến nay, TAND TP.HCM đã xét xử trên mười vụ án vì ghen mà phạm tội giết người, mức án được tuyên thấp nhất là 14 năm tù giam và cao nhất là tử hình.
Ghen tuông là nguyên nhân gây án, không phải là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng. Trường hợp ghen tuông có chứng cứ rõ ràng, ví dụ người chồng bắt tại trận vợ mình đang ân ái với nhân tình, còn lên mặt thách thức, người chồng gây án xuất phát từ một phần lỗi của những người liên quan, thì có thể bị truy tố tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” thay vì tội “giết người”.
* Theo bà, đâu là nguyên nhân ghen tuông gây án hình sự?
- Mỗi vụ có những nguyên nhân riêng nhưng mẫu số chung theo tôi là do sự nóng giận, thiếu bình tĩnh, thiếu hiểu biết pháp luật, tự cho mình cái quyền xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác. Nguyên nhân sâu xa là giáo dục gia đình có nhiều lỗ hổng, đạo đức xã hội xuống cấp, con người sống với nhau thiếu cái tình.
Gặp chút mâu thuẫn là dùng bạo lực để giải quyết: va quệt xe hoặc chỉ vì cái nhìn “đểu” cũng xảy ra án mạng, bảo mẫu đánh trẻ, học sinh tấn công nhau, cha mẹ con cái, vợ chồng dạy nhau bằng nắm đấm… Nhịp sống công nghiệp hối hả và nhiều áp lực cướp mất của người ta sự bình tĩnh, kiên nhẫn, ôn hòa.
|
Ảnh minh họa |
Tình cảm trong nhiều gia đình thời hiện đại ít gắn bó, bữa cơm gia đình không được coi trọng. Gia đình nhiều thế hệ mai một dần. Buổi tối, con đi học thêm, cha đi nhậu, mẹ dán mắt vào màn hình điện thoại. Hoặc cùng hiện diện ở nhà nhưng mỗi thành viên ôm một thế giới riêng. Sự xa rời về khoảng cách địa lý và khoảng cách tinh thần dần phá hoại niềm tin, ảnh hưởng cách xử sự của con người với nhau.
Đó là ngòi nổ của hiểu lầm, ngờ vực, ghen tuông và có hành động bất chấp, không nghĩ đến người khác, không nghĩ đến hậu quả, còn sự tiếp tay của bia bọt, ma túy làm mờ lý trí. Sự bùng nổ của công nghệ hiện đại, mạng xã hội cũng cung cấp cho người ta cơ hội lén lút tư tình nếu không kiểm soát mình, giữ giới hạn. Không phải mọi vụ án đều do ghen tuông vô cớ.
* Vì sao nhiều người trong cuộc vẫn không tránh được bi kịch dù đã có những dấu hiệu báo trước?
- Đúng là trước khi bi kịch xảy ra, đã có những mâu thuẫn, xung đột giữa các bên, đã có những lời hăm dọa, dằn mặt… Đỉnh điểm mâu thuẫn thường rơi vào giai đoạn nói lời chia tay.
Nhiều người sợ chia tay sẽ kích hoạt hành động điên cuồng của đối phương vì nghĩ mình chia tay để đến với người tình mới; vì thế mà cắn răng cam chịu tình cảnh bế tắc. Là nạn nhân của ghen tuông dai dẳng, người ta dần đánh mất tất cả mối quan hệ xã hội và mất luôn khả năng phản kháng.
Lẽ khác, ngoại tình, ghen tuông là chủ đề nhạy cảm, người trong cuộc khó mở lời chia sẻ để tìm sự trợ giúp vì sĩ diện, vì hoang mang không biết mình sẽ được thấu hiểu hay bị đổ lỗi. Đó là những rào cản khiến nạn nhân mãi không thoát được đòn ghen và kết thúc cuộc sống trong thảm cảnh.
Cũng cần nhắc đến chứng hoang tưởng ghen tuông. Nếu thấy bạn đời có những dấu hiệu bệnh lý về sức khỏe tâm thần, phải tìm cách đưa đi khám, điều trị và có những đối xử phù hợp.
* Đã có những giải pháp nào để giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc từ cơn ghen, thưa bà?
- Có nhiều hình thức tuyên truyền từ Hội đồng Phổ biến pháp luật thuộc Sở Tư pháp TP.HCM, các đoàn thể ở các quận, huyện. Những vụ án có yếu tố ghen tuông thường được tòa án tổ chức xét xử lưu động để tuyên truyền một cách trực quan đến đông đảo quần chúng. Ở đó, hội đồng xét xử lặp đi lặp lại lời cảnh báo rằng ngay cả khi bạn đời ngoại tình hay chuyện gì xảy ra thì cũng có cách giải quyết bằng pháp luật.
Nói không với bạo lực sẽ tránh được viễn cảnh đau lòng người chết hoặc bị tàn tật suốt đời, kẻ tù tội, bỏ con cái bơ vơ, bị bạn bè, xã hội ruồng rẫy… Nhưng xem ra tính hiệu quả của tuyên truyền chưa cao, chưa thấm, những vụ án mới rất dã man vẫn tiếp diễn… Đó là trách nhiệm nặng nề của tất cả chúng ta, của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng như giáo dục đạo đức, nhân cách của con người.
* Xin cảm ơn bà.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)
Ghen... đẹp
Theo chánh án Ung Thị Xuân Hương, ghen tuông là tâm lý bình thường của con người, có yêu mới ghen. Nhưng ghen như thế nào để không vi phạm pháp luật, không xúc phạm, xâm phạm đến người khác. Trong cuộc sống gia đình, mỗi người phải vun đắp, giữ “lửa” hạnh phúc, có những vấn đề khúc mắc thì kịp thời chia sẻ, giải tỏa một cách khéo léo, mềm dẻo.
Đối xử chan hòa với đại gia đình hai bên, bạn bè, đồng nghiệp. Nhất là phụ nữ cũng phải dành thời gian quan tâm chăm chút bản thân, chứ không chỉ hy sinh cho chồng con đến quên mình; trở nên bê bối, luộm thuộm, lạc hậu, kém hấp dẫn, vô tình đẩy chồng ra xa.
Trường hợp xấu phát hiện vợ/chồng có quan hệ ngoài luồng thì đối thoại, khuyên nhủ. Nếu có chứng cứ, tìm cách tác động đến người thứ ba. Dùng tình cảm vẫn không cải thiện được thì chọn giải pháp ly hôn êm thắm.
Tuyệt đối không kéo đến nơi làm việc của bạn đời hay kẻ thứ ba để quậy, cắt tóc, lột quần áo và những xử sự không hay; không xâm phạm bí mật đời tư, cài lén định vị, thuê người theo dõi hoặc “dạy một bài học để đời”. Bởi, đã không giải quyết được vấn đề còn rước nguy cơ phạm tội.
Có những người vượt qua sóng gió “ngoài chồng ngoài vợ” nhờ ghen đẹp, ghen nghệ thuật: tâm sự, viết thư cho bạn đời, gợi lại ký ức thuở mới yêu, nhờ sự khuyên ngăn của gia đình, đồng nghiệp giúp bạn đời qua cơn say nắng… Với những cách đó, bạn đời sẽ hiểu ai mới thực sự là bến bờ của mình.
Hoài Nhân (ghi)
|