Ghen, không phải ai cũng biết

29/05/2018 - 09:00

PNO - Ghen làm sao để “đánh vào lòng người” một cách êm thấm, không ồn ào mà đối phương phải giương cờ trắng đầu hàng.

Dù không còn yêu, không còn thương, mỗi lần nhìn thấy “cái bản mặt ấy” đã ngấy đến tận cổ, người ta vẫn cố thể hiện, khẳng định quyền sở hữu bằng mọi cách. Có thể nhìn ở một góc độ khác, tỷ như “ăn không được phá cho hôi”. Đó không phải ghen. Gọi đúng tên thì đó là sự trả thù của kẻ tiểu nhân.

Ghen, khong phai ai cung biet
 

Bản chất của ghen là gì? Là còn yêu thì mới ghen - nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là kéo nửa kia “về với chính nghĩa” - tức về với mình, “tung cánh chim tìm về tổ ấm/ nơi sống bao ngày giờ đằm thắm”. Thế nhưng, trên hành trình gian nan này, không phải ai cũng biết ghen một cách có… nghệ thuật.

Ngày hôm kia, sau một vài ly có chất men, anh bạn tôi cay đắng: “Phen này, dứt khoát, tớ phải ly hôn cho bằng được”. Tôi ngạc nhiên, bởi biết rằng, chuyện này nếu xảy ra, chẳng khác gì đang đi ngoài đường bỗng vấp phải cái va-li chứa đầy vàng. Vâng, chuyện ấy không thể xảy ra. Do đã rất thân thiết, tôi biết lâu nay tình cảm vợ chồng của bạn rất nồng nàn, hạnh phúc - chồng đâu vợ đó, dính nhau như sam. Vậy thì cớ gì bạn tuyên bố “xanh rờn”, hoành tráng thế?

Giây lát sau, bạn kể, đại khái, mới đây thôi, như mọi người đàn ông khác đã có vợ, hắn “say nắng”, cô bé mới được tuyển vào làm chung phòng trong công ty. Nhìn vóc dáng thon thả, thanh tân mơn mởn ấy, hắn thấy như đất lún dưới chân, trái tim đập thình thịch như… trai mới lớn.

Ghen, khong phai ai cung biet
Ảnh minh họa

Không rõ, lúc đó, hắn có tỏ tình bằng thơ của Huy Cận hay không. “Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn/ Tuổi hai mươi đến có ai ngờ/ Một hôm trận gió tình yêu lại/ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ”. Nhưng hắn đã tỏ tình, đã hẹn hò và mối tình ấy đã diễn ra ở công ty - nơi các đồng nghiệp đã rõ năm rõ mười.

Ghen tuông là lẽ thường tình, nhưng tiếc thay, lúc ấy, ít ai nghĩ đến một con đường cho đối tượng có thể “rút lui trong danh dự”. Nhiều người cứ nghĩ đơn giản rằng, hễ mình càng làm to chuyện, càng có nhiều người chứng kiến thì “nửa kia” sẽ phải quy hàng, chịu phép. Mấy ai nghĩ biện pháp ấy có thể dẫn đến điều tệ hại nhất: kích động tự ái khiến đối tượng bất chấp, muốn ra sao thì ra. Cái ngưỡng cuối cùng là ly hôn, họ chấp nhận nốt.

Rồi, không biết do ai mật báo mà vợ hắn biết. Tất nhiên là cô ấy ghen. Vào buổi sáng thứ Hai đầu tuần, khi mọi người có mặt đầy đủ ở công ty, cô vợ xuất hiện và làm một trận đánh ghen “ra môn ra khoai”. “Tớ còn mặt mũi nào nhìn đồng nghiệp?” - hắn ta hỏi. Tôi chẳng biết an ủi bạn thế nào, bởi đã làm thì phải chịu, nhưng chịu bằng cách này thì xấu mặt quá.

Tôi có anh bạn ham “đuổi hoa bắt bướm” trong nhà nghỉ. Ngờ đâu vào giây phút “Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian/ Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần” thì cửa phòng đập ầm ầm và trước mắt là… vợ, con của chàng đang đằng đằng sát khí. “Đẹp mặt” chưa? Bẽ bàng chưa? Xấu hổ chưa? Thử hỏi, với vai trò làm chồng, làm cha, bạn tôi phải giải quyết ra sao?

Khi nghe tôi kể lại chuyện này, chị bạn tôi bật cười khanh khách, nói gọn lỏn: “Ngốc”. Nói thế là vì chị cũng từng trải qua tâm cảnh “đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen” nên thừa kinh nghiệm. Chồng chị lúc ấy là đạo diễn nổi tiếng, đang làm nhiều bộ phim ăn khách, nên nhiều nữ diễn viên trẻ mới vào nghề sẵn sàng “tình cho không biếu không”. Trong số các mỹ nhân ấy, đáng kể nhất vẫn là cô X. Chị rất cáu, rất ghen nên nghĩ phải làm một trận cho ra trò.

Sau nhiều ngày thăm dò, biết rõ nhà riêng của tình địch, lựa lúc chồng chưa béng mảng tới, chị đã tìm đến. Không phải đi một mình, chị còn tay bồng tay bế, dắt ba đứa nhóc đi theo. Đến nơi, chị nhẹ nhàng bảo: “Nếu em và chồng chị thật sự yêu nhau, làm sao chị có thể cấm đoán, ngăn cản tình cảm của hai người. Chị rút lui và nhường chồng chị cho em”. Ngưng giây lát, chị gằn giọng rất kẻ cả: “Chị nhường đấy. Với điều kiện là cả hai phải nuôi dạy các cháu nên người. Nếu không…”. Bỏ lửng câu nói, chị đứng phắt dậy đi một mạch, bỏ lại mấy đứa con đang khóc chí chóe đòi mẹ.

Ngay sau đấy, chồng chị phải hớt hải chạy đến “tổ uyên ương” để đón các con về nhà. Kể đến đây, chị lại cười khà khà: “Chiêu này, gọi là “mưu phạt tâm công” đấy”. Tôi hiểu, tức là “đánh vào lòng người” một cách êm thấm, không ồn ào mà đối phương phải giương cờ trắng đầu hàng. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI