PNO - PNCN - Người ta nói căn bệnh hay ghen của chị em xuất phát từ sự thiếu tự tin, lo sợ đổ vỡ mất mát và cả từ sự cô đơn nữa.
Nhưng có nhiều cơn ghen, nhiều trận đánh ghen thì ngược lại, xuất phát từ sự… quá tự tin, lại được cổ vũ bởi sự bao đồng, người đánh ghen cũng không hề cô đơn mà có đôi có cặp, có bầy đàn hẳn hoi. Đó là cơn ghen… giùm, vốn là xuất phát điểm cho nhiều trận đánh ghen… giùm trời ơi đất hỡi.
Sao không biết ghen?
“Sao bà không biết ghen gì hết trơn vậy?” là kết luận hết sức phẫn nộ và thật lòng của một đồng nghiệp dành cho chị Hạnh, khi cô ta thông báo có người đang “thích” anh Cường - chồng chị Hạnh. Mở trang blog của “con kia”, cô ta đọc thành tiếng những dòng thơ người đàn bà ấy viết tặng một “C.” nào đó, vừa đọc vừa phân tích, chì chiết mỉa mai. Chị Hạnh ban đầu còn ngỡ ngàng, sau đó mặt sạm dần, rồi giằng con chuột từ tay bạn, mở đọc tất cả những trang mùi mẫn ướt át của “tình địch”, và cuối cùng là hằm hằm xách giỏ bỏ ra khỏi phòng giáo viên. Cơn ghen được châm ngòi. Những ngày tiếp sau đó, chị Hạnh và bạn dấm dúi thì thào, bàn bạc. Theo lời kể của cô bạn thì “cả trường đều biết “nó” thích chồng chị, chỉ riêng chị là không biết gì”. Anh Cường vừa lên chức tổ trưởng bộ môn Toán. Anh thông minh, đẹp trai, lại có máu văn nghệ, còn chị, đường đường là giáo viên giỏi, chẳng lẽ nhắm mắt làm ngơ trước cảnh vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình! Chị quyết định “tiên hạ thủ vi cường”, đề nghị công đoàn nhà trường can thiệp. Đến chừng công đoàn hỏi chứng cớ đâu, chị cũng hùng hồn dẫn ra… một mớ thơ, do người… ghen giùm cung cấp.
Không chỉ các bà các chị trí thức mới lo xa nghe rộng, chị em chòm xóm cũng hay có màn “ghen giùm” ngoạn mục. Chị Tư phát hiện chồng hay uống nước mía chỗ “con nhỏ” mới mở xe nước mía siêu sạch, gần chỗ anh đậu xe ôm chờ khách. Mà “con nhỏ” trông cũng “siêu sạch” thiệt: nước da trắng, dáng người tròn lẳn, vận bộ đồ bông thun coi cũng nuột. Anh còn chở con nhỏ đi lấy mía, mà nghe nói đi hơi lâu. Chị mấy lần muốn “dằn mặt” con nhỏ, nhưng ngại chồng vốn cũng dữ đòn. Bữa đó, tình cờ mấy chị em cùng hội tiểu thương gặp nhau, thấy chị Tư buồn buồn, hỏi biết chuyện, chị Bảy, chị Mừng, chị Chín… phừng phừng lửa giận, quyết “oánh một trận” cho “con nhỏ” chừa cái thói giựt chồng người. Bốn bà ầm ầm tiến quân trên một chiếc taxi, tới nơi ra tay một trận, tan tành cái xe nước mía, cô chủ tội nghiệp “chạy mất dép”, ly tách, thùng mốp đựng đá… rơi vãi đầy đường. Tới chừng Hội Phụ nữ phường mời bốn chị lại nói chuyện, mới hay người đàn bà kia và anh Tư xe ôm hoàn toàn không có tình ý. Vốn liếng mấy triệu bạc Hội cho chị kia mượn để thoát nghèo, bốn bà đã “ra tay tận diệt” gần hết. Hỏi ra, chị Tư cũng chỉ nghe người ta nói vậy, rồi “nhìn bản mặt thấy ghét”, lại được mấy chị em cổ vũ nhiệt tình, nên mới ra nông nỗi.
Chuyện nhờ chị nhờ em mà biết ghen, rồi cũng nhờ chị nhờ em mà biết đánh ghen, biết quậy tưng làng xóm ngày nay nhiều lắm. Dạy gì thì khó, chứ dạy ghen thì mấy bà “học một biết mười”. Chồng mình mình ghen đã đành, chồng người khác mình cũng ghen! Người không thù không oán gì, mình cũng xông vô “oánh” giùm thiên hạ.
Chữa bệnh bao đồng
Đa phần những trận đánh ghen giùm, ngoài việc có chút máu nghĩa hiệp trong người - “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, chị em còn có thêm một ẩn ức sâu kín hơn, chưa chắc đã dám thừa nhận nếu bị gọi đích danh: đó là sự mặc cảm, tự ti thân phận. Vì uất ức chị em mình bị trộm, bị giựt, bị cướp, nhưng tự ti mình không thắng lý, không “giải quyết” nổi, nên mới cần đến đồng đội, phải đông hơn một người, mới bày trận “ghen hội đồng”! Mà cái người được cầu viện tới đó, cũng có khi là hoàn toàn tự nguyện, nghĩ mình làm việc đúng, việc phải quấy, nên mới giúp một tay bày trận.
Oái oăm thay, phần lớn những trận ghen giùm toàn đổ lên đầu phụ nữ! Đố ai tìm đâu ra chuyện một đám mấy bà xúm nhau lại để đánh ghen một ông nào! Ba bốn bà chung sức cùng nhau đánh một bà khác. Cái cảnh ghen này vừa bi hài vừa đáng giận, trả đũa được ai không chẳng biết, chỉ thấy bày ra trước mắt bàn dân thiên hạ sự yếu ớt đáng thương và cả sự nông nổi hồ đồ tội nghiệp của đàn bà.
Cách đây mấy năm, báo chí từng xôn xao vụ cô con gái đánh ghen giùm mẹ. Biết cha có nhân tình, mẹ nhiều lần khóc lên khóc xuống nhưng cha không từ bỏ, lại thường xuyên hành hạ, đánh đập mẹ, cô con gái rủ bạn cầm dao đến tìm người đàn bà kia nói chuyện phải quấy. Xô xát xảy ra, người đàn bà kia bị đám thanh niên đánh thương tật 29%, đã nộp đơn kiện, cô con gái bị xử tù và phải bồi thường cho nạn nhân. Người mẹ khóc ngất ngay giữa phiên tòa, bà đã mất chồng, nay mất thêm con, với một án tù, rồi tương lai cô sẽ không biết về đâu?
Có những tình tiết, những hoàn cảnh mà chỉ người trong cuộc mới hiểu, không thể kể hết cho người ngoài. Lại nữa, trong câu chuyện kể ra, ai cũng muốn mô tả phần đúng về mình, phần trái quấy thuộc về người khác, vì vậy, chớ vội nghe và tin hết tất cả những câu chuyện có thể lôi kéo mình đến cuộc đánh ghen tập thể. Đánh người là phạm pháp, buôn chuyện, đưa đẩy chuyện nhà người này người khác cũng chẳng hay ho gì, nên tốt nhất đừng “quản” chuyện người ta, kể cả “quản” bằng lời bàn hay bằng hành động. Khổ nỗi, câu chuyện ghen tuông bản thân nó đã là một đề tài quá hấp dẫn mà chị em ít khi nào bỏ qua được. Nhiều khi sự việc mới ở mức độ cái lông gà, thì qua năm bảy chị em buôn chuyện, nó đã hóa thành con gà mái.
Đối với phụ nữ, bệnh này thực sự không dễ chữa. Một mặt, phụ nữ luôn thích kể lể, thích tìm người tâm sự, thích hỏi kinh nghiệm người khác… trong khi một số chị em có tật rất thích đưa ra lời khuyên, thích kết án người khác, thích tuyên bố theo kiểu “để đó tao…”, “phải tay tao thì…”. Nhận thức cảm tính cùng với sự bồng bột, mất bình tĩnh khi ghen tuông làm chị em không nhìn nhận được hậu quả việc mình làm. Có gia đình nào nhờ được đánh ghen giùm mà trở nên hạnh phúc hơn, gắn bó bền chặt hơn không, hay chỉ làm trò cười cho thiên hạ, làm tan nát thêm mái ấm của mình?
Chuyện tình cảm luôn là chuyện cá nhân của mỗi người. Không ai có thể “giúp giùm” ai. Thương nhau thì lựa lời hỏi han, khuyên nhủ, ngay cả sẵn lòng lắng nghe thôi cũng đã là cách an ủi tốt rồi. Khi cần đến những lời tư vấn nghiêm túc, cần quyết định, chị em nên tìm đến những nơi có trách nhiệm, đừng vì chút xốc nổi bồng bột mà đổ dầu vào lửa, thêm họa cho nhà mình, nhà người.