Với sức lan tỏa thú vị và bất ngờ, bộ đôi ca khúc Ghen cô Vy (nhạc: Khắc Hưng, thể hiện: Erik, Min) và vũ điệu rửa tay (do vũ công Quang Đăng sáng tạo) trở thành trường hợp thú vị về truyền thông thay đổi hành vi.
Sản phẩm tuyên truyền thành “hit” quốc tế
Ghen cô Vy là một sản phẩm tuyên truyền, được nhạc sĩ Khắc Hưng viết lời mới dựa trên giai điệu ca khúc Ghen, theo đặt hàng của Viện Sức khỏe, Nghề nghiệp và Môi trường (Viện SK-NN&MT) thuộc Bộ Y tế, với mong muốn tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho cộng đồng, cùng chung tay chống dịch COVID-19.
|
"Ghen cô Vy" lên sóng kênh truyền hình Pháp |
“Trong thời khắc quan trọng chiến đấu với dịch bệnh, chúng tôi mong ca khúc có thể truyền thêm lửa cho những chiến sĩ tuyến đầu của cuộc chiến này. Đó là đội ngũ chuyên gia, các y bác sĩ, các nhân viên y tế và hàng triệu người lao động, những người ở tiền tuyến vẫn tiếp xúc và đấu tranh hàng ngày với dịch bệnh", Viện SK-NN&MT cho hay.
Từ MV hoạt hình Ghen cô Vy hướng dẫn rửa tay, vũ điệu rửa tay ra đời và cùng được truyền đi với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Thú vị ở chỗ, vũ điệu này chính là điệu nhảy khái quát 6 bước rửa tay cơ bản giúp phòng, chống dịch hiệu quả do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Viện SK-NN&MT cũng là đơn vị đầu tiên khởi xướng Thử thách vũ điệu rửa tay, kêu gọi mọi người làm theo.
Ghen cô Vy và vũ điệu rửa tay nhanh chóng nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của cộng đồng. Đặc biệt, hai sản phẩm này thực sự bùng nổ sau khi MC nổi tiếng John Oliver dành nhiều lời khen ngợi trong chương trình ăn khách Last Week Tonight trên kênh HBO của Mỹ.
Sau Last Week Tonight, bộ đôi sản phẩm tiếp tục “chu du” khắp thế giới khi được Tạp chí Billboard, UNICEF, kênh truyền hình BFMTV và Tạp chí C New của Pháp, tạp chí uy tín Stern của Đức cũng như hàng loạt kênh truyền thông quốc tế đồng loạt “gọi tên”. Đa số dành lời khen ngợi và gọi đây là “hit của quốc tế”, “bản hit của năm”; đi kèm với đó là những cái nhún nhảy, hưởng ứng tinh thần của bài hát ở khắp mọi nơi trên thế giới.
|
MC John Oliver hài hước nhảy theo vũ điệu rửa tay trên kênh truyền hình HBO (Mỹ) - Ảnh: HBO |
Ngoài ra, “thành tích” phòng, chống dịch của Việt Nam cũng được các kênh truyền thông này đưa ra và đánh giá như một “điểm sáng” đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
“Ca lạ” về truyền thông hành vi
Trong Last Week Tonight, MC John Oliver cho rằng Việt Nam đã nghĩ ra một phương pháp tuyên truyền phòng dịch "đáng kinh ngạc". Tờ Stern nhận xét, “bài hát mô tả các phương pháp mà cộng đồng có thể tự bảo vệ một cách dễ dàng và hiệu quả trước sự lây lan của virus corona". Và nếu so với những phương pháp tuyên truyền truyền thống, đây được xem là một thử nghiệm thành công ngoài mong đợi.
Truyền thông thay đổi hành vi là một thuật ngữ phổ biến trên thế giới và không xa lạ ở Việt Nam, thể hiện quá trình trao đổi thông tin, hỗ trợ đối tượng nhằm mục đích thay đổi hành vi có hại thành hành vi có lợi về sức khỏe, xã hội hoặc một vấn đề mà đối tượng đó đang liên quan.
Những chiếc loa phường/thôn/xóm, những băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ; những cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới", "Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt", "Người Việt dùng hàng Việt", "Nói không với tiêu cực"; các tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, bao cao su, chống cháy nổ, tiết kiệm điện… là ví dụ.
Tuy nhiên, nhìn lại nhiều năm qua, phương pháp tuyên truyền và truyền thông ở nước ta vẫn nặng tính khuôn sáo, một chiều, mang tính áp đặt, lạc hậu, hiệu quả còn hạn chế.
Hiểu xu hướng, nắm bắt đúng câu chuyện thời sự được quan tâm nhất hiện nay để chủ động đặt hàng những nghệ sĩ đang “hot” của Vpop, Viện SK-NN&MT tỏ ra là một đơn vị “nhạy” với phương pháp này. Thông điệp tuyên truyền đúng và đủ, được lồng ghép một cách khéo léo vào một ca khúc dễ nhớ, dễ thuộc, “bắt tai một cách kỳ quái”.
|
MV "Ghen cô Vy" đã đạt 4,7 triệu lượt sau gần 2 tuần lên sóng |
“Tư duy loa phường”
Hà Nội từng thực hiện 2 đợt khảo sát về loa phường và đều nhận được cùng một kết quả: hơn 70% người dân được khảo sát ủng hộ... bỏ.
Loa phường – một biểu tượng của truyền thông trong thời bao cấp, đã trở nên lạc hậu trong thời đại mới; cũng trở thành biểu tượng cho tư duy tuyên truyền nặng nề, cứng nhắc, bị động và cũ kỹ: tuyên truyền một chiều.
Chiếc loa phường không có tội. Trong một số điều kiện như chiến tranh, hoặc một sự cố về cáp quang… đó vẫn là phương tiện cần thiết để thông báo những tin tức quan trọng đến người dân, nhưng với hiện tại, nên chăng đã đến lúc cần thay đổi, để đạt hiệu quả cao nhất.
Làm tuyên truyền cũng có thể “chất như nước cất”, hợp “trend” mà vẫn hiệu quả không ngờ. Hiện tượng xoay quanh ca khúc Ghen cô Vy – thử thách vũ điệu rửa tay cho thấy, đã tới lúc cần tạm biệt “tư duy loa phường”.
Đậu Dung